BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh: Phấn đấu có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2016

Cập nhật ngày: 01/04/2016 - 05:15

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh chủ trì cuộc họp.

Quang cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thái Sơn- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến nay toàn tỉnh có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2014 có 6 xã, 2015 có 10 xã). Tổng nguồn lực huy động đạt 1.430 tỷ đồng, trong đó vốn người dân đóng góp đạt 376,17 tỷ đồng, chiếm 26,3%, bao gồm: xây dựng cơ sở hạ tầng, hiến đất, ngày công lao động...

Theo Sở NN&PTNT, về kết quả thẩm định hồ sơ và mức độ đạt 19 tiêu chí nông thôn mới năm 2015 có 10 xã, gồm: Long Khánh, Long Phước (huyện Bến Cầu); An Hòa (Trảng Bàng); Tân Lập (Tân Biên); Long Thành Bắc (Hòa Thành); Phước Đông (Gò Dầu); Chà Là (Dương Minh Châu); Thạnh Đông (Tân Châu) và hai xã An Bình, Thanh Điền (Châu Thành). Qua biểu quyết 10 xã đạt nông thôn mới, kết quả có 9 xã đạt 41/41 phiếu đồng ý đạt 100% , 1 xã Thạnh Đông (huyện Tân Châu) đạt 40/41 phiếu, đạt 97%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình xây dựng nông thôn mới trong năm 2015 gặp một số khó khăn như: Việc phân bổ vốn đầu tư hạ tầng chỉ tập trung cho xã điểm, các xã còn lại hầu như không có kinh phí để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trong khi đó nguồn lực huy động từ doanh nghiệp và cộng đồng vẫn còn thấp so với nhu cầu. Trong năm 2015, có 28 xã không tăng thêm tiêu chí, chủ yếu là các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Đối với 10 xã phấn đấu đạt chuẩn năm 2015, về chỉ tiêu 14.3 (tỷ lệ lao động qua đào tạo) khó vận động lao động có tay nghề nhưng chưa có chứng chỉ và công nhân ở các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp tham gia các lớp đào tạo để cấp chứng chỉ. Về chỉ tiêu 15.1 (tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế) chưa có giải pháp hiệu quả để vận động, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế của hầu hết các xã chưa đạt yêu cầu của lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân năm 2015.

Thi công đường giao thông nông thôn ở xã Long Thành Bắc. Ảnh minh hoạ

Theo kế hoạch năm 2016, Ban chỉ đạo tiếp tục giữ vững 16 xã đã đạt, phấn đấu có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới (lũy kế năm 2016 có 22 xã, chiếm 27,5%), gồm xã Tân Phong (huyện Tân Biên), xã Phước Ninh (Dương Minh Châu), xã Long Thành Nam (Hòa Thành), xã Bàu Đồn (Gò Dầu), xã Long Thuận (Bến Cầu) và Lộc Hưng (Trảng Bàng). Các xã còn lại tăng từ 1-3 tiêu chí/xã.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân ghi nhận và tiếp thu những ý kiến các thành viên Ban chỉ đạo; đồng thời nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, như: chất lượng quy hoạch ở một số địa phương chưa cao, chưa có sự đột phá trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân nông thôn còn gặp nhiều khó khăn; nhu cầu vốn xây dựng các xã nông thôn mới rất lớn, vượt quá khả năng của ngân sách, chưa phát huy hết nội lực của địa phương, và không đủ nguồn nội lực để huy động; việc kiểm tra, giám sát chưa chặt chẽ, nên có những tiêu chí triển khai chậm, hiệu quả đạt thấp; chưa thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp; chưa quan tâm nhiều đến việc tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất của người dân nông thôn.

Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp cần đổi mới các việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, phải tăng cường sự tham gia của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; thực hiện thật hiệu quả phương châm: dân cần- dân biết- dân bàn- dân đóng góp- dân quản lý- dân hưởng thụ; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao tính tự giác, chủ động, sáng tạo trong quá trình thực hiện, tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn ngân sách nhà nước; xây dựng nhanh và tổ chức thực hiện Đề án tái cơ nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng phát triển bền vững đến năm 2020; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch các đề án xây dựng nông thôn mới phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế -xã hội chung, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp.

Thanh Nhi