Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh: Quy mô giáo dục phổ thông đang giảm

Cập nhật ngày: 18/01/2012 - 05:17

Đó là một trong những vấn đề đáng chú ý được nêu lên tại hội nghị sơ kết học kỳ 1 năm học 2011- 2012 của ngành giáo dục- đào tạo (GD-ĐT) Tây Ninh.

Theo số liệu do Sở GD- ĐT công bố, tính đến thời điểm này, cấp tiểu học có 272 trường (tính cả Trường Thực nghiệm GDPT và Trường Dạy trẻ khuyết tật của tỉnh) với 402 điểm trường (điểm lẻ). So với cùng thời gian này năm ngoái, cấp tiểu học đã giảm 12 trường và 19 điểm trường. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do số lượng học sinh giảm. Vì sĩ số giảm nên bắt buộc phải sáp nhập một số trường và điểm trường lại với nhau để giảm thiểu chi phí. Hiện nay toàn tỉnh có 89.288 học sinh tiểu học, so với đầu năm học giảm 151 em, tỷ lệ 0,17%.

Một lớp học ở điểm lẻ của Trường tiểu học Tân Hoà, huyện Tân Châu chỉ có vỏn vẹn 6 học sinh

Cũng liên quan đến bậc tiểu học, tính đến thời điểm này toàn tỉnh có 245 trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày đạt 69,08%, tăng 9,74% so với năm học trước.

Ở bậc trung học (bao gồm cả trung học cơ sở và trung học phổ thông) số học sinh cũng có xu hướng giảm. Đến thời điểm này, cấp trung học cơ sở có 106 trường với 57.316 học sinh (so với thời điểm đầu năm đã giảm 565 em, tỷ lệ 0,9%). Ở bậc học này, có những trường chỉ trong vòng 10 năm giảm mất gần 50% số lớp học. Trong khi đó bậc trung học phổ thông có 32 trường (bao gồm Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh) với 25.299 học sinh, giảm 1.103 em, tỷ lệ 4,18%.

Số học sinh giảm nói trên tính cả những em bỏ học và chuyển đi nơi khác.

Báo cáo của Sở GD- ĐT không nêu ra nguyên nhân khiến số học sinh và số trường càng ngày càng giảm. Tuy nhiên, đã có ý kiến cho rằng nguyên nhân cơ bản nhất là do chính sách dân số, khiến số con trong mỗi gia đình đã giảm mạnh so với trước đây. Trường lớp giảm kéo theo tình trạng nhiều giáo viên phổ thông, đặc biệt là giáo viên trung học cơ sở không đủ tiết dạy theo định mức.

Số liệu được công bố cũng cho thấy, tỷ lệ học sinh đạt học lực loại yếu và kém có tăng ở bậc trung học cơ sở nhưng lại giảm ở bậc tiểu học và trung học phổ thông. Riêng ở bậc trung học phổ thông tuy nói là giảm nhưng tỷ lệ học sinh yếu, kém vẫn còn ở mức cao. Cụ thể, kết thúc học kỳ I của năm học có 7.766 học sinh xếp loại yếu về học lực (chiếm hơn 30% tổng số học sinh của bậc học này). Còn ở bậc trung học cơ sở cũng có hơn 10.000 học sinh học lực loại yếu (gần 19%).

Theo lý giải của Sở GD- ĐT, có 3 nguyên nhân chính khiến tỷ lệ học sinh yếu, kém vẫn còn ở mức cao: Kế hoạch bồi dưỡng, phụ đạo học sinh yếu kém ở một số trường còn hạn chế; việc tổ chức phụ đạo, bồi dưỡng của một số trường còn kém hiệu quả, thiếu linh hoạt, công tác quản lý, kiểm tra thiếu chặt chẽ, giao khoán cho giáo viên; một bộ phận phụ huynh học sinh chưa quan tâm kết quả học tập, hoặc chưa đầu tư đến việc học của con em mình. Ngoài ra, việc giảng dạy của một bộ phận giáo viên chưa thực sự hiệu quả, phương pháp dạy học còn mang tính giản đơn, không kích thích được học sinh hứng thú học tập, do đó không khí lớp học kém sinh động và chưa khai thác hiệu quả các thiết bị đồ dùng dạy học trong giảng dạy. Kết quả dạy học ở nhiều đơn vị vẫn còn chưa đạt yêu cầu so với mặt bằng chung của tỉnh, đặc biệt là các trường thuộc khu vực vùng sâu, biên giới.

Tổng số cán bộ quản lý và giáo viên trong toàn tỉnh là 12.209 người, trong đó 99,89% đạt chuẩn và trên chuẩn về bằng cấp. Số giáo viên, cán bộ quản lý chưa đạt chuẩn chỉ còn 14 người.

Đ.V.T