BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh: Tập trung các biện pháp phòng chống Covid-19 

Cập nhật ngày: 03/12/2020 - 09:10

BTNO - Ngày 2.12, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 12.2020. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cùng các Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Hùng, Trần Văn Chiến và Dương Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị.

Các hoạt động đón Tết nguyên đán sẽ linh hoạt theo tình hình dịch bệnh

Trong cuộc họp, Sở Lao động Thương binh và Xã hội thông qua tờ trình về việc xin chủ trương thực hiện Kế hoạch kinh phí và kế hoạch tổ chức các hoạt động đón Tết nguyên đán Tân Sửu 2021.

Theo đó, Tết nguyên đán Tân Sửu năm 2021 gồm các hoạt động: Tổ chức chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa đón Giao thừa tại Quảng trường Đài tưởng niệm anh hùng liệt sỹ vào đêm Giao thừa (ngày 11.2.2021); Lễ khai mạc Hội Xuân núi Bà Đen năm Tân Sửu 2021 tại Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen; Lễ hội truyền thống Động Kim Quang.

Ngoài ra, còn có các hoạt động họp mặt, như họp mặt cán bộ chủ chốt cấp xã; họp mặt chức sắc tôn giáo, dân tộc thiểu số tiêu biểu; họp mặt văn nghệ sĩ và đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ; chương trình “Tết sum vầy” cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn; họp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí; họp mặt nguyên lãnh đạo tỉnh…

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động họp mặt mừng Xuân với các tỉnh Campuchia giáp biên và họp mặt kiều bào sẽ không tổ chức. Tổng kinh phí phục vụ Tết nguyên đán năm 2021 là hơn 91 tỷ đồng.

Thống nhất với các ý kiến đề xuất của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, tuỳ vào tình hình dịch bệnh Covid-19, tỉnh sẽ chủ động điều chỉnh các hoạt động. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị lãnh đạo thành phố Tây Ninh cần phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh để thống nhất công tác tổ chức các lễ hội đảo đảm an toàn tuyệt đối.

Về hoạt động tổ chức họp mặt sinh viên, ông Nguyễn Thanh Ngọc đề nghị Tỉnh đoàn rà soát lại các hình thức tổ chức họp mặt sinh viên những năm trước để đánh giá hiệu ứng, tác động. Năm nay, buổi họp mặt cần thu hút đông đảo sinh viên về tham dự, tạo sự lan toả trong cộng đồng, tránh rập khuôn.

Sở Tài chính có báo cáo đánh giá tình hình thực hiện tài chính – ngân sách giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch tài chính – ngân sách 5 năm giai đoạn 2020-2025.

Theo đó, 5 năm qua, tổng thu ngân sách nhà nước tăng 14% so với kế hoạch (tăng gần 2 lần so với giai đoạn 2011-2015); tốc độ tăng bình quân hàng năm là 9.9% (vượt chỉ tiêu HĐND tỉnh đề ra); thu nội địa tăng 12% so với kế hoạch; tốc độ tăng bình quân hàng năm là 13% (vượt chỉ tiêu HĐND đề ra). Trong đó thu nội địa, 8/13 khoản thu đạt và vượt so với kế hoạch.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh, bên cạnh các chỉ tiêu về thu ngân sách đạt và vượt, vẫn còn 5/13 khoản thu chưa đạt (thu từ doanh nghiệp nhà nước (71%); thu khác ngân sách (73%); thuế bảo vệ môi trường (87%); thu tại xã (64%).

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương phải đánh giá sâu nguyên nhân khách quan, chủ quan vì sao chưa đạt ở từng khoản thu để có biện pháp khắc phục, nâng cao tỷ lệ 5 khoản thu này trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng, cơ cấu nguồn thu hiện nay đã hợp lý hơn nhưng chưa bền vững. Điều này thể hiện qua, tỷ trọng thu ngân sách từ xổ số kiến thiết và thu từ tiền sử dụng đất còn chiếm tỷ lệ cao trong tổng thu nội địa (tổng 2 khoản thu chiếm tỷ trọng 26,5%).

Trong khi đó, khoản thu từ sản xuất kinh doanh được đánh giá là nguồn thu phản ánh sự phát triển bền vững và phát huy nội lực nền kinh tế lại chiếm tỷ trọng thấp (54,7%).

“Muốn thu ngân sách bền vững phải nâng thu ngân sách từ sản xuất kinh doanh, phải phân tích nguyên nhân sâu hơn về tỷ trọng thu lĩnh vực này. Ngoài ra, hiện nay nguồn thu từ chuyển đổi mục đích sử dụng đất; nợ tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất và không theo dõi quá trình thu nợ còn bị bỏ ngõ. Đề nghị ngành tài chính cùng các địa phương tìm ra nguyên nhân”, ông Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh.

Đối với kết quả thực hiện chương trình công tác năm 2020 và dự thảo chương trình năm 2021 của UBND tỉnh, tính đến ngày 30.11, Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh đã tổ chức tất cả 15 phiên họp với 146 nội dung. Trong năm 2021, các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh đề ra chương trình công tác dự kiến gồm 137 nội dung.

Trong quá trình chỉ đạo, điều hành, sẽ căn cứ vào những chỉ đạo của Trung ương và tình hình thực tế của địa phương để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Ghi nhận các ý kiến của các sở, ngành, địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị sở Giao thông Vận tải, Sở Văn hoá, thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nội vụ căn cứ vào 4 chương trình đột phá của tỉnh để nghiên cứu, bổ sung đầy đủ các nội dung đẩy mạnh thực hiện các khâu đột phá.

Riêng Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành cần nghiên cứu các nội dung liên quan đến công tác bầu cử Đoàn ĐBQH, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 để đưa vào chương trình công tác đúng theo lộ trình.

Kích hoạt lại hệ thống phòng, chống dịch Covid-19

Sau thời gian dài không có trường hợp lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, ngày 2.12, tại TP.HCM đã phát hiện 4 ca nhiễm mới trong cộng đồng. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 có chiều hướng diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã tổ chức họp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Bác sĩ Nguyễn Văn Cường-Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Theo Bác sĩ Nguyễn Văn Cường-Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế,  để công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, các địa phương, sở, ban, ngành, tất cả người dân cần quán triệt và triển khai Chỉ thị 23/CT-BYT ngày 22.10.2020 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa Đông Xuân; đặc biệt là Chỉ thị 24/CT-BYT ngày 24.11.2020 của Bộ Y tế về việc tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 1300/CĐ-TTg ngày 24.9.2020 và Công điện 1852/CĐ-BCĐ ngày 30.11.2020 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về việc tăng cường giám sát và quản lý người nhập cảnh.

“Các địa phương tổ chức giám sát chặt chẽ tại các khu vực biên giới; rà soát các trường hợp đi về từ nước ngoài để phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời các trường hợp nhập cảnh trái phép cũng như kiểm soát chặt chẽ tình hình tạm trú, tạm vắng ở địa phương, các cơ sở lưu trú, khách sạn.

Đặc biệt, các huyện, thành phố, thị xã phát động nhân nhân giám sát địa bàn do mình quản lý; thành lập tổ phòng, chống Covid từ 2-3 người để cùng chính quyền, địa phương theo dõi, quản lý tình hình người nhiễm bệnh”, bác sĩ Nguyễn Văn Cường kiến nghị.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cũng đề nghị các địa phương cần kiểm soát dịch chặt chẽ tại chợ, siêu thị, khu công nghiệp, nhà máy, phương tiện giao thông, bến xe, các sự kiện đông người. Ở các bệnh viện, cần tổ chức việc phân luồng, hẹn giờ khám; kiểm soát chặt chẽ khai báo y tế người nuôi và bệnh nhân, hạn chế thăm nuôi.

Ngoài ra, để công tác phòng, chống dịch hiệu quả, Đại tá Ngô Thành Đồng – Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiến nghị các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến lều trại, đời sống của anh em chiến sĩ, lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ trên biên giới.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, hiện nay, một số người dân đã lơ là, không còn cảnh giác cao đối với dịch bệnh. Điều này rất nguy hiểm. Do đó, ngoài những đề xuất của ngành Y tế đã nêu, các cấp các ngành, các địa phương phải tập trung đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trong nhân dân để nâng cao ý thức cảnh giác về dịch bệnh.

Theo đó, người dân phải tập trung các biện pháp phòng chống Covid-19, như đeo khẩu trang; vệ sinh cá nhân, môi trường xung quanh; hạn chế đến nơi đông người; thực hiện các biện pháp khai báo y tế đối với những người đi đến các nơi có dịch, cài ứng dụng Bluezone…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cũng lưu ý, các địa phương, sở, ngành thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện 1852 và văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về thực hiện công điện này với sự quyết tâm cao.

Trên tuyến biên giới cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ người nhập cảnh cũng như kích hoạt lại các biện pháp quản lý phòng, chống dịch bệnh đối với người và phương tiện qua lại.

Hội LHPN thị xã Hoà Thành tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Đồng thời, các huyện biên giới chỉ đạo cho các xã biên giới và các tổ dân cư tự quản biên giới xây dựng kế hoạch phối hợp với lực lượng vũ trang đấu tranh tố giác, phát hiện và xử lý đối với những người nhập cảnh trái phép.

“Từng địa bàn phải thực hiện việc quản lý nhiều tầng, nhiều lớp. Phải huy động được sức mạnh của dân trong công tác này. Các địa phương phải có cơ chế khen thưởng về vật chất đối với những người phát hiện, ngăn chặn đối với những trường hợp nhập cảnh trái phép”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế phối hợp với ngành chức năng, địa phương rà soát, kiểm tra hoạt động của các khu cách ly tập trung, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tối thiểu về vệ sinh môi trường, an toàn, đặc biệt là không để lây nhiễm chéo trong khu cách ly và trốn khỏi khu cách ly.

Sở Y tế cũng phải kết hợp chặt chẽ với ngành Y tế TP.HCM để có thông tin, kịp thời truy vết, khoanh vùng và xử lý khi có trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh qua lại.

Ngành Y tế gấp rút kích hoạt lại toàn bộ hệ thống trong công tác phòng chống dịch, từ khâu khám, điều trị bệnh ở các bệnh viện công và bệnh viện tư, không được để lây chéo ở bệnh viện khi phát hiện người nhiễm bệnh. Phòng chống dịch từ khâu kiểm soát trên biên giới, cách ly tới nâng cao năng lực xét nghiệm của các đơn vị y tế đảm bảo kịp thời, chính xác.

N.D