BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh tham dự Hội nghị trực tuyến về đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Cập nhật ngày: 16/04/2011 - 06:59

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu trong Hội nghị trực tuyến.

(BTNO) - Chiều 15.4, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành trên cả nước, sơ kết một năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

Tại đầu cầu Tây Ninh, hội nghị diễn ra do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ và Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Võ Hùng Việt điều hành.

Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (sau đây gọi tắt là Đề án) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27.11.2009. Mục tiêu của Đề án là dạy nghề cho khoảng 400.000 lao động nông thôn (LĐNT); thí điểm các mô hình dạy nghề cho LĐNT với khoảng 18.000 người và đặt hàng dạy nghề cho khoảng 12.000 người (tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề theo các mô hình này tối thiểu đạt 80%); hoàn thành “kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã giai đoạn 2006 – 2010.      

Theo báo cáo của Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân, 2010 là năm đầu tiên thực hiện Đề án với nhiều chuyển biến tích cực, đã có kết quả bước đầu trong thí điểm dạy nghề gắn với giải quyết việc làm và nâng cao mức sống ở 11 xã điểm xây dựng mô hình nông thôn mới ở 11 tỉnh.

Năm 2010 đã tổ chức dạy nghề cho gần 22.000 lao động nông thôn theo các mô hình dạy nghề vùng chuyên canh, chuyên con; ngoài ra cũng đã tổ chức thí điểm cấp thẻ học nghề nông nghiệp và hỗ trợ tiền ăn, đi lại cho lao động nông thôn học nghề…

Trong 1 năm qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo 10 Sở LĐ–TB&XH thành lập phòng dạy nghề. Tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. 509/697 huyện và nhiều xã đã thành lập Ban Chỉ đạo hoặc tổ công tác thực hiện Đề án 1956.

Tại Tây Ninh, sau khi thành lập Ban chỉ đạo thực hiện thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của tỉnh vào tháng 5.2010, đến nay 9 huyện, thị xã đã thành xoang Ban chỉ đạo cấp huyện, có quy chế tổ chức và hoạt động, hướng dẫn cấp xã thực hiện Đề án trên địa bàn. Điều tra, khảo sát dự báo và nhu cầu xây dựng mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn, cung cầu lao động với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Giao bổ sung dự toán chi ngân sách năm 2010 cho các đơn vị thực hiện Đề án như Sở Nội vụ, Sở LĐ-TB&XH, GD-ĐT gần 4,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, tháng 1.2011, UBND tỉnh cũng đã có quyết định ban hành Đề án đào tạo nghề cho LĐNT tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, trong giai đoạn 2011 – 2015, cần phải đào tạo nghề cho khoảng 25.000 lao động nông thôn. Trong đó 8.750 nghề nông nghiệp, 16.250 nghề phi nông nghiệp. Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo và dạy nghề chiếm 60% tổng lao động xã hội. Tạo điều kiện giải quyết việc làm bình quân hằng năm 20.000 lao động.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, đào tạo nghề cho khoảng 25.000 lao động nông thôn. Trong đó, 8.750 nghề nông nghiệp, 16.250 nghề phi nông nghiệp. Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo và dạy nghề đạt khoảng 70%. Tạo điều kiện giải quyết việc làm bình quân hằng năm khoảng 18.000-19.000 lao động.

Mục tiêu của Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020 đề ra là, bình quân hằng năm đào tạo nghề cho khoảng 6.600 lao động nông thôn. Trong đó, đào tạo, bồi dưỡng 1.600 lượt cán bộ, công chức cấp xã; Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý hành chính, quản lý, điều hành kinh tế - xã hội và thực thi công vụ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Tổng kinh phí để thực hiện đề án này khoảng 330 tỷ đồng, trong đó kinh phí của tỉnh là hơn 60 tỷ đồng, còn lại Trung ương cấp.

Hội nghị ở đầu cầu Tây Ninh do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ điều hành.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1956 chính là “cơ hội vàng” nhằm huy động toàn lực hệ thống dạy nghề các cấp và chưa bao giờ việc đào tạo nghề cho nông dân lại thuận lợi và được xã hội quan tâm như bây giờ.

Trong 1 năm qua đã có  345.000/400.000 nông dân (đạt 86% kế hoạch) đã được đào tạo nghề, có tới 90% nông dân chọn nghề ngắn hạn, trong đó 48% số người học nghề đăng ký lĩnh vực nông nghiệp.10% chọn các nghề đào tạo hệ trung cấp và cao đẳng. 

Từ những lựa chọn đúng đắn về nghề nghiệp, tỷ lệ người nông dân tìm được việc làm đã tăng lên rõ rệt.

Phó Thủ  tướng đã nêu nguyên tắc “4 có và 4 biết” để các địa phương và người nông dân thực hiện.

“4 có” là các địa phương phải có ban chỉ đạo cấp huyện, xã với chương trình được phê duyệt cả giai đoạn 2011-2015;  có quy hoạch phát triển nhân lực địa phương để nắm nhu cầu lao động cho xã của mình; có danh sách các cơ sở đào tạo nghề của địa phương mình; có chương trình thông tin, tuyên truyền với sự tham gia của các phương tiện thông tin đại chúng từ cấp huyện. 

“4 biết” là biết địa chỉ của những cơ sở sản xuất, kinh doanh giỏi mang tính điển hình; biết các chính sách hỗ trợ người nông dân đi học nghề; biết rõ các địa chỉ đào tạo nghề mà mình có nhu cầu ngay tại địa phương; biết địa chỉ nơi làm việc của mình khi học nghề xong.

Phó Thủ tướng nêu rõ một số yêu cầu khác về công tác dạy nghề như các địa phương tự định, công khai độ tuổi học nghề, thành lập tổ chuyên trách về tài chính để xác định mức hỗ trợ dạy nghề, thống nhất chương trình dạy nghề về thủy sản, đánh bắt xã bờ, cung cấp thông tin hướng dẫn về chương trình qua mạng internet, hỗ trợ dạy nghề qua truyền hình, cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí…

Phó Thủ  tướng đề nghị trong những lần giao ban sau, các tỉnh, thành phố cần mời đại diện các huyện cùng tham dự để nắm bắt tinh thần chỉ đạo chung của Ban chỉ đạo Trung ương. 

Phó Thủ  tướng chỉ đạo bổ sung vào Ban Chỉ đạo 2 Thứ trưởng của Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

HY UYÊN