Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tây Ninh thời Pháp thuộc.
Thứ tư: 08:37 ngày 20/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo sách Địa chí Hành chính các tỉnh Nam kỳ thời Pháp thuộc 1859-1954, chúng ta hãy tham khảo cách làm của người Pháp thời cai trị Tây Ninh.

Đường Tây Ninh xưa, thời Pháp thuộc

Tại trang 538, mục 4 giới thiệu Làng Lâm phần. Về nội dung, tính chất các làng này cũng khá giống với các xã vùng sâu của thời hiện đại. Rất ngắn gọn về định nghĩa: “Người Pháp phân biệt những làng ở gần rừng, khí hậu không được tốt, điều kiện sinh hoạt không được như những làng ở vùng trung du, sẽ được hưởng một số ưu đãi, gọi là làng Lâm phần…”.

Tuy vậy, việc này diễn ra khá muộn, sau khi chúng đã cai trị hơn 70 năm. Đấy là theo Nghị định ngày 31.7.1931 của Thống đốc Nam kỳ. Khi ấy:- Tổng Bang Chrum có 2 làng: Bang Chrum Srêy và Prey Toch, nay là các xã phía Bắc huyện Tân Biên. - Tổng Chơn Bà Đen có 4 làng: Ca Nhum, Ké Đel, Rùng, Thùng, nay là các xã phía Bắc huyện Tân Châu. - Tổng Giai Hoá có 5 làng: Long Chữ, Long Giang, Long Khánh, Tiên Thuận và Ninh Điền; nay thuộc về huyện Bến Cầu và Châu Thành. - Hàm Ninh Hạ có 1 làng Lộc Hưng, nay thuộc huyện Trảng Bàng. - Hàm Ninh Thượng có 3 làng: Đôn Thuận, Hiệp Ninh, Phước Hội, nay thuộc về các huyện Trảng Bàng, Dương Minh Châu và TP. Tây Ninh. - Tổng Hoà Ninh có 8 làng: Hoà Hiệp, Hảo Đước, Hoà Hội, Long Thành, Ninh Thạnh, Thới (Thái) Bình, Thanh Điền và Trí Bình; nay thuộc về TP. Tây Ninh, Hoà Thành và huyện Châu Thành. - Tổng Khán Xuyên có 4 làng: Đây Xoài, Phum Xoài, Praha Miết, Ta pang Robon, nay là các xã phía Tây của huyện Châu Thành. - Tổng Tabeh Yul có 3 làng: Ta Not, Ta pang Prey và Ta pang Prosoc, cũng thuộc các xã biên giới huyện Châu Thành hiện nay. Và sau cùng, tổng Triêm Hoá cũng có 4 làng: Cẩm Giang, Hiệp Thạnh, Trường Hoà, Thạnh Đức, nay Trường Hoà là một xã của huyện Hoà Thành, 3 làng còn lại thuộc huyện Gò Dầu.

Tổng cộng có tới 31 làng Lâm phần trên tổng số khoảng 70 thôn, làng của Tây Ninh lúc bấy giờ. Xem và đối chiếu, thấy cũng có vài điểm lạ. Như tổng Hoà Ninh ở khu vực trung tâm bao quanh tỉnh lỵ, lại có nhiều làng Lâm phần nhất. Trong khi có xã đến nay vẫn còn rất khó khăn như Phước Chỉ, lúc ấy thuộc tổng Hàm Ninh Hạ lại không có tên. Lạ hơn nữa là đến 5.4.1944, lại có Nghị định: “Xếp làng Thái Hiệp Thạnh, tổng Hoà Ninh vào hệ thống các làng Lâm phần” nữa. Mà Thái Hiệp Thạnh lại là làng “tỉnh lỵ” tỉnh Tây Ninh. Nhờ chi tiết thú vị này, mà xác định được cái tên này đã có từ trước năm 1944; có lẽ là từ 1942 khi đổi tên quận Thái Bình là quận Châu Thành. Điều này khác với tư liệu có trong Từ điển Địa danh Hành chính Nam bộ, khi viết xã Thái Hiệp Thạnh mới có vào năm 1956.

Song song với việc sắp đặt ổn định hệ thống cai trị, mối quan tâm nữa của thực dân là việc xây dựng các tuyến đường. Đường để quân lính, xe pháo nhanh chóng đến tiêu diệt các lực lượng nghĩa quân yêu nước; đồng thời cũng là đẩy nhanh việc khai thác tài nguyên bản xứ, nhất là rừng Quang Hoá, Tây Ninh có rất nhiều gỗ quý. Vậy là ngay từ ngày 13.12.1880, thống đốc Nam kỳ đã ban hành nghị định phân loại đường thuộc địa. Nam kỳ có 9 tuyến, tuyến đầu tiên chính là đường số 1 đến Tây Ninh. Đấy là: “Từ Sài Gòn đến Tây Ninh dài 97km gồm 2 đoạn. Đoạn thứ 1 từ Sài Gòn đến Trảng Bàng qua  Thuận Kiều, Hóc Môn dài 49km. Đoạn thứ 2 từ Trảng Bàng đến Tây Ninh dài 48km”. Sau đó, làm tiếp đến biên giới Campuchia, nên ngày 29.4.1904, lại có Nghị định điều chỉnh quốc lộ 1 như sau: “Đoạn 1 từ Sài Gòn đến Trảng Bàng, khởi từ bùng binh Rigault de Genouilly qua rue Paul Blanchy, rue Chassloup Laubat, rue Thuận Kiều và Hóc Môn, dài 50km; đoạn 2 từ Trảng Bàng đến Tây Ninh dài 49km; đoạn 3 từ Tây Ninh đến biên giới dài 22km, cộng toàn tuyến là 121km”.

Lưu ý rằng, lúc này vẫn chưa có đường quốc lộ 22B nối Gò Dầu đến Tây Ninh, nên đường thuộc địa số 1 vẫn cơ bản dựa theo con đường sứ có từ triều Gia Long năm 1815, nay là 782 và 784. Và đoạn Tây Ninh- biên giới 22km chính là đoạn từ TP. Tây Ninh lên cửa khẩu Phước Tân qua phà Bến Sỏi.

Dưới cấp đường thuộc địa là đường tỉnh, Tây Ninh có 1 đường thuộc bảng A là đường số 13 từ Tây Ninh đến ranh giới Campuchia gọi là đường sứ dài 41km; đường tỉnh số 11 từ Tây Ninh đến Trảng Bàng qua Suối Đá, Cái Cùng, Bùng Binh…; đường tỉnh số 12 từ đường thuộc địa số 1 đến Tầm Long… dài 2,6km.

Năm 1917, có lẽ là lúc đã hoàn thành đường từ Gò Dầu Hạ đến Tây Ninh, nên ngày 23.2 toàn quyền Đông Dương đã có nghị định “sắp xếp lại bảng phân loại đường thuộc địa số 1 đoạn Trảng Bàng- Gò Dầu Hạ- Bến Kéo thuộc tỉnh Tây Ninh được gọi như sau:- Đoạn Sài Gòn- Trảng Bàng dài 50,640km. Đoạn 2 Trảng Bàng- ranh giới Căm Bốt qua Gò Dầu Hạ dài 22,394km (cộng chung 73,034km). Đây chính là con đường mà nay đã được gọi là đường Xuyên Á đi qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Ngoài ra còn có đường thuộc địa số 1: “đoạn 1 Gò Dầu Hạ- Tây Ninh qua Bến Kéo kể cả đoạn nối với Bến Kéo (200m) dài 36,295km. Đoạn 2 Tây Ninh- Căm Bốt qua Bến Sỏi dài 22,280km (cộng chung 58,575km)”. Một phần của đường này bây giờ là quốc lộ 22B (trừ phần Tây Ninh lên cửa khẩu Phước Tân).

Sau này, tới thập niên 30, 40 còn có các nghị định quy định về đường liên tỉnh và đường địa hạt. Như đường liên tỉnh số 19 từ Trảng Bàng đến đường thuộc địa số 13, qua Bến Củi. Trên địa bàn Tây Ninh: “từ Trảng Bàng đến Bến Củi dài 32km…”. Hoặc: “đường liên tỉnh số 13: Từ Soài Riêng đến Toulane và Lang Biên qua Tây Ninh, sông Sài Gòn, Chơn Thành, Phú Riềng: 1. Trên địa bàn Tây Ninh: từ Căm Bốt đến Tây Ninh dài 22,500km, từ Tây Ninh đến sông Sài Gòn dài 35,500km…”. Đoạn sau này, chỉ còn lại hơn 20km, chính là đường 781 nối TP. Tây Ninh vào đến thị trấn Dương Minh Châu. Đoạn còn lại đã chìm dưới nước Lòng Hồ.

Tuy vậy, những đoạn đường đã mất kể trên chỉ là số rất ít. Phần lớn các con đường thời Pháp thuộc chỉ là con số nhỏ nhưng vẫn còn dấu vết đó đây trên bản đồ giao thông ngày một thêm phong phú của Tây Ninh. Những con đường xưa gầy gò, nay đã thênh thang rộng lớn trải tới mọi miền của vùng đất núi hoa sông gấm quê ta.

TRẦN VŨ

Tin liên quan