Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tây Ninh thời Pháp thuộc
Thứ năm: 18:29 ngày 14/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong suốt hơn 80 năm cai trị, nhà cầm quyền Pháp đã luôn chú trọng việc điều chỉnh địa giới các thôn làng.

Cầu Quan rạch Tây Ninh năm 1910.

Quý III năm 2017, tác giả Nguyễn Đình Tư đã cho ra mắt tác phẩm “Địa chí Hành chính các tỉnh Nam kỳ thời Pháp thuộc 1859-1954”. Sách do NXB TP. Hồ Chí Minh phát hành. Qua xem xét, tôi thấy một số vấn đề liên quan đến Tây Ninh chưa (hoặc ít) thấy trong các sách sử hoặc phương tiện truyền thông, vậy nên xin được rút tỉa ra các vấn đề ấy sau đây:

Một là về diện tích và dân số. Sách của Nguyễn Đình Tư viết: “Tỉnh Tây Ninh thuộc về phía Đông Bắc xứ Nam kỳ, ở toạ độ từ phía Bắc giáp nước Campuchia, phía Đông giáp tỉnh Thủ Dầu Một, phía Nam giáp tỉnh Tân An, phía Tây giáp nước Campuchia. Cách Sài Gòn 99 km. Diện tích 480.100 ha…”.

Về cơ bản đến nay vị trí tỉnh Tây Ninh vẫn thế thôi! Chỉ có một vài địa danh đã thay đổi. Thủ Dầu Một nay đã thành các tỉnh Bình Phước, Bình Dương. Tân An nay đã là tỉnh Long An. Phần giáp giới với Sài Gòn không thấy có. Có lẽ khi ấy phần đất quận 12 bây giờ còn thuộc tỉnh Tân An. Một điều tưởng tác giả lầm, khi viết là Tây Ninh ở phía Đông Bắc xứ Nam kỳ. Tuy vậy, nhìn bản đồ lại thấy đúng, vì quả thật vị trí ấy đúng là phía Đông Bắc của miền đất nay ta quen gọi là Nam bộ, xưa là xứ Nam kỳ.

Vậy điều đã thay đổi duy nhất chỉ có thể là diện tích. Tỉnh có tới 480.100 ha, chứ không nhỏ hơn như hiện nay là chỉ 402.922,67 ha (theo bản đồ hành chính tỉnh Tây Ninh, xuất bản năm 2001). Nguyên do, cũng theo tác giả Nguyễn Đình Tư trong bài Tây Ninh xưa và nay- Tạp chí Xưa nay số 96, năm 2001 là: “Năm 1890 (nhà cầm quyền Pháp- TV) đã cắt một phần đất dọc theo rạch Ngã Bát nhượng cho Cao Miên.

Từ đó ranh giới Tây Ninh được định hình cho đến ngày nay. Rạch này chính là rạch Cái Bát mà sách Gia Định Thành thông chí của Trịnh Hoài Đức đã viết khi mô tả về sông Quang Hoá, nay là Vàm Cỏ Đông. Rằng: “Đi lên phía Tây thì nước chia hai ngả, ngả Bắc (tục danh là Cái Bát) đi về phía Bắc hơn trăm dặm thì cùng nguồn, ngả Tây (tục danh Cái Cậy) đi về phía Tây hơn 150 dặm thì cùng nguồn…”. Đoạn ngã ba sông này nay là Vàm Trảng Trâu, và sông Cái Bát nay đã thành dòng sông biên giới, mà bên Tây Ninh là các xã Phước Vinh, Hoà Hiệp, Tân Bình.

Về dân số. Theo kết quả điều tra dân số vào ngày 1.4.2019, toàn tỉnh có 1.169.165 người. Đối chiếu với sách đã dẫn, cách nay 80 năm, vào năm 1939, dân số Tây Ninh chỉ có 132.540 người. 80 năm, dân số đã tăng gần 9 lần. Xa xôi hơn nữa, là vào năm 1872, Tây Ninh mới chỉ có 15.180 người.

Nghĩa là sau gần 150 năm, dân số Tây Ninh đã tăng gấp 77 lần. Những con số mang tính “kỷ lục” này cho thấy, đây chỉ có thể là do dân số tăng “cơ học” mà ra. Còn nếu tăng “tự nhiên”, như kết quả điều tra 2019 vừa qua, với chỉ gần 1% thì phải mất 100 năm nữa, dân số mới tăng lên gấp 2 lần. Những con số trên chứng tỏ: - Tây Ninh tiếp tục là điểm đến của lưu dân đi tìm đất mới làm ăn sinh sống, dù trong một chế độ cai trị hà khắc nhất của thời Pháp thuộc.

Cầu Quan năm 1931.

Về thay đổi địa giới và địa danh hành chính cấp thôn (làng) và tổng, trang 515 của sách có đoạn: “Sau khi sắp xếp ổn định địa bàn hạt Thanh tra Tây Ninh với 6 tổng cũ ở đồng bằng của người Kinh với 50 xã, thôn, người Pháp tiến sâu vào các vùng thượng du của người thiểu số, lần lượt kiểm soát được các cụm dân cư và lập thêm được 3 tổng mới với 15 thôn…”.

Đối chiếu với sách Từ điển Địa danh hành chính Nam bộ của cùng tác giả, thấy rằng tốc độ làm việc, sắp xếp hành chính được quân Pháp thực hiện khá nhanh. Chiếm được Tây Ninh từ tháng 6.1862, đến cuối năm ấy đã có đầy đủ các thôn xã trong cả 9 tổng (6 cũ và 3 tổng mới).

Sáu tổng cũ gồm: Giai Hoá (6 thôn); Hoà Ninh (14 thôn); Hàm Ninh Hạ (8 thôn); Hàm Ninh thượng (11 thôn); Mỹ Ninh (4 thôn); Triêm Hoá (7 thôn).

Ba tổng mới lập năm 1862 là: Bang Chrum 3 thôn (Bang Chrum Sray, Prey Toch, Con Trăng); Chơn Bà Đen 5 thôn (Ampil, Cà Nhum, KéĐol, Rừng, Thùng); Ta BelYul 7 thôn (Bô Chẹt, Mit Mul, Tà Nốt, Ta bi Ta dung, Ta pang Prey, Ta Núp và Tapang Pro sốc).

Đến ngày 16.8.1877, chính quyền Pháp đã “cải tiến 16 ấp phía hữu ngạn sông Vàm Cỏ thành 12 làng và đặt thuộc tổng Khán Xuyên mới lập: Compong Nghĩa, Đạt Pô, Rừng Vang, Cakhap, Đây Xoài, Praha Miết, Trapang Robot, Tapang Súc, Phum Xoài, Chắc Sré, Tan Heng, Prey Chet”. Các làng này hiện nay là các xã biên giới thuộc huyện Châu Thành và Bến Cầu.

Ngoài ra, cũng còn một số điều chỉnh khác, như:- nhập Long Thuận với Long Giang, Vĩnh Cư với Xuân Sơn thành Vĩnh Xuân, Khương Thạnh với Khương Ninh thành Ninh Thạnh, Long Thành với Thanh Điền thành Long Điền (1872). Đến năm 1877 lại chia làng An Thạnh để thêm làng mới là An Thuận; tách Thanh Phước để có thêm một làng Phước Thạnh; chia lại làng Long Điền trở lại là Long Thành và Thanh Điền; chia Long Giang để có thêm làng Long Thuận; chia Phước Chỉ để lập thêm làng Phước Hưng…

Tuy vậy, cuộc điều chỉnh địa giới hành chính lớn nhất lại diễn ra vào ngày 6.3.1891. Lý do được Nguyễn Đình Tư giải thích trong sách Từ điển Địa danh hành chính Nam bộ, là để cho: “việc quản trị các làng cũng quy củ hơn. Một ban Hội tề đông trên 10 người đảm trách mọi mặt công tác. Ngân sách làng phải đài thọ nhiều khoản chi mà số thu là số bách phần (%) của các loại thuế chính tang.

Muốn có số thu tương đối thì làng phải lớn ruộng đất canh tác nhiều, dân đinh đông… Vì vậy người Pháp cứ phải liên tục hợp làng, hoặc 2 làng làm một, 3 làng là một…”. Do vậy mà từ tháng 3.1891 đã mất đi một số tên làng. Như Hoà Bình (do đã nhập vào Trường Hoà); Hưng Mỹ (do đã nhập vào Cẩm Giang); Phước Hiệp (nhập vào Gia Bình); Phước Hưng và Phước Mỹ (nhập vào Phước Chỉ); Tiên Điền (nhập vào Tiên Thuận); An Thuận (nhập vào An Thạnh); Vĩnh Xuân (nhập vào Ninh Thạnh); Mãnh Hoả (nhập vào Hảo Đước); Long Phú (nhập vào Hoà Hội) cùng với một loạt các thôn làng thuộc 4 tổng miền “thượng du”.

Đến năm 1936 lại đổi tên làng Prey Chet tổng Khán Xuyên thành làng Bình Thạnh và chuyển qua tổng Mỹ Ninh. Đến năm 1940 lại chia làng Đôn Thuận để có thêm một làng mới là Thuận Lợi.

Như vậy là trong suốt hơn 80 năm cai trị, nhà cầm quyền Pháp đã luôn chú trọng việc điều chỉnh địa giới các thôn làng.

TRẦN VŨ

(còn tiếp)

Báo Tây Ninh
order đồ nhật chất lượng
Tin cùng chuyên mục