Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 27.7, Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bí thư Tỉnh ủy Trần Lưu Quang và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân cùng chủ trì hội nghị.
Đến dự có ông Lê Thanh Chiến- Phó trưởng đại diện văn phòng phía Nam Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân phát biểu tại hội nghị.
Ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh trình bày báo cáo tóm tắt về kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 của tỉnh.
Đối với phát triển nông nghiệp, tái cơ cấu xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, hiện đại, tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất mía, khoai mì, cao su, lúa chuyên canh hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến hướng đến xuất khẩu; từng bước nâng cao hiệu quả, chất lượng, cạnh tranh. Xu hướng chuyển đổi nông sản hiệu quả thấp sang cây ăn trái nhiệt đới quy mô tập trung, giá trị kinh tế cao.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, năm 2008 phần lớn quy mô chăn nuôi trong toàn tỉnh là nhỏ lẻ, phân tán. Qua 10 năm, đến nay có hơn 60% chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp. Năm 2017, số lượng gia cầm ở tỉnh tăng 45,2%, tỷ trọng thịt gia cầm từ 20% đến 35,5%, heo đạt 171.828 con… Đã hình thành chuỗi giá trị sản xuất cá tra trên 500 ha, thả cá giống hồ Dầu Tiếng hàng năm bình quân trên 500 ngàn con.
Tỉnh có 4 nhà máy đường với tổng công suất 15.800 tấn mía cây/ ngày; 68 nhà máy mì công suất 6,4 triệu tấn/năm; 23 nhà máy chế biến cao su với công suất 431 tấn sản phẩm/ ngày; 1 nhà máy chế biến hạt điều công suất 15 ngàn tấn điều nhân/ năm và 1 nhà máy chế biến rau, củ, quả với công suất 500 tấn sản phẩm/ ngày.
Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn đang chuyển dịch tích cực theo hướng phi nông nghiệp. Theo số liệu năm 2016, hộ gia đình nông thôn là 246.692 hộ, doanh nghiệp nông nghiệp có 104, cơ sở công nghiệp là 22.613 cơ sở, qua đó đã tạo việc làm cho hơn 22 ngàn lao động.
Về kết quả xây dựng nông thôn mới, hiện nay có 26/80 xã đạt 19 tiêu chí, tăng 33,7% so với năm 2011; bình quân mỗi xã đạt 14,2 tiêu chí, tăng 10,5 tiêu chí. Hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp, trong đó 29/80 xã hoàn thành tiêu chí, hệ thống giao thông, tăng gấp 3 lần so với năm 2008; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 80% lên 97,7%. Thủy lợi tiếp tục được hoàn thiện, nâng diện tích canh tách được tưới tiêu thường xuyên tăng gấp 1,7 lần so với năm 2008.
Mãng cầu Núi Bà Đen là đặc sản của tỉnh Tây Ninh- Ảnh minh hoạ.
Kết quả đời sống người dân được cải thiện, thu nhập tăng 2,9 lần so với năm 2008. Cụ thể, năm 2008, thu nhập đạt trên 13,5 triệu đồng/ người/ năm; đến năm 2017 đạt 39,9 triệu đồng/ người/ năm. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm được kéo giảm, năm 2008 tỷ lệ hộ nghèo là 7,67% thì đến năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1% và phấn đấu năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,5%.
Cơ cấu lao động nông thôn chuyển dịch mạnh từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, từ 46,61% xuống còn 29,56%. Đào tạo nghề nông thôn được quan tâm, nâng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo từ 7,5% lên 18,7%.
Kinh tế tập thể đã có 109 HTX, thu hút 33.325 thành viên tham gia với 218,9 tỷ đồng vốn điều lệ, so với năm 2018 tăng 24 HTX với trên 20.479 xã viên; thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX đạt 3,5 triệu đồng/ người/ tháng.
Đã hình thành 3 đặc sản của tỉnh, gồm muối ớt Tây Ninh, mãng cầu Núi Bà Đen và đặc biệt, món bánh tráng phơi sương được công nhận sản phẩm di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Về vai trò và vị trí của nông dân trong xây dựng nông thôn, đã góp ý xây dựng chính quyền, xây dựng nông thôn mới; giám sát triển khai thực hiện chính sách, đường lối, quy chế dân chủ. Nông dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chủ động huy động nguồn lực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, trong đó nâng cấp, sửa chữa được 7.725 km đường giao thông; nạo vét kênh mương 965 km, hiến đất 292.586 m2 và đóng góp 32.304 triệu đồng…
Nông dân Tây Ninh áp dụng cơ giới hoá trong trồng mì- Ảnh minh hoạ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn, tồn tại như cơ cấu chuyển dịch chậm, sức cạnh tranh còn thấp, chưa phát triển chế biến sâu rau quả và thịt; liên kết sản xuất-tiêu thụ theo chuỗi giá trị còn ít; công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật chưa kịp thời.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó quan tâm triển khai, quán triệt và thực hiện Nghị quyết 26 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Coi trọng, phổ biến những cách làm hay, mô hình tốt trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục tập trung cơ cấu lại, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại. Định hướng các vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, gắn với đầu tư hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất cây ăn trái chất lượng cao...
Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; xây dựng nông thôn mới gắn liền với đô thị hóa, xây dựng nông thôn văn minh; hiện đại. Triển khai các giải pháp đồng bộ để duy trì nâng cấp các xã đạt chuẩn nông thôn mới thành xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Bên cạnh đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước; đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn…
Thế Nhân