Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tây Ninh: Tổng kết 5 năm triển khai, thực hiện Luật Giám định tư pháp và Đề án 250
Thứ bảy: 09:10 ngày 16/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 15.3, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị tổng kết tình hình triển khai, thực hiện Luật Giám định tư pháp và Đề án “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” trên địa bàn tỉnh (Đề án 250).

Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Văn Đặng trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm (2018-2023) triển khai, thực hiện Luật Giám định tư pháp và Đề án 250.

Dự hội nghị có ông Nguyễn Thành Tiễn- Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ, ông Phạm Văn Đặng- Giám đốc Sở Tư pháp và lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.

Theo báo cáo, Tây Ninh hiện có 2 tổ chức giám định tư pháp công lập và 1 tổ chức giám định theo vụ việc theo quy định của Luật Giám định tư pháp, bao gồm: Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh; Trung tâm Pháp y, Sở Y tế; Trung tâm Quy hoạch và Kiểm định xây dựng tỉnh, Sở Xây dựng. Tính đến nay, tỉnh chưa có tổ chức giám định ngoài công lập.

Các tổ chức giám định tư pháp công lập trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh quan tâm củng cố, kiện toàn về mặt tổ chức; bảo đảm kinh phí, trang thiết bị, phương tiện giám định và điều kiện vật chất cần thiết khác cho cá nhân, tổ chức giám định thuộc thẩm quyền của địa phương.

Toàn tỉnh hiện có 86 giám định viên tư pháp trong các lĩnh vực và một số giám định viên chuyên ngành của các bộ, ngành Trung ương bổ nhiệm. Ngoài 20 giám định viên tư pháp trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự và 4 giám định viên tư pháp tại Trung tâm Pháp y Tây Ninh làm việc theo chế độ chuyên trách, các giám định viên tư pháp còn lại trong các lĩnh vực đều thực hiện kiêm nhiệm.

Hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo quyết định trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng và yêu cầu của cá nhân, tổ chức. Từ năm 2018 đến ngày 30.6.2023, đã giám định pháp y trên 4.000 trường hợp, giám định kỹ thuật hình sự trên 9.300 trường hợp và một số trường hợp giám định lĩnh vực tài chính - thuế, xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn, thông tin và truyền thông.

Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh và Sở Tư pháp được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong 5 năm triển khai, thực hiện Luật Giám định tư pháp và Đề án 250.

Các kết luận giám định cơ bản đáp ứng yêu cầu của cơ quan trưng cầu giám định, góp phần phục vụ hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan tố tụng. Thông qua công tác quản lý Nhà nước từ năm 2018 đến nay, Sở Tư pháp không nhận được trường hợp nào yêu cầu giám định lại hoặc khiếu nại về kết luận giám định.

Từ thực tiễn thực hiện Luật Giám định tư pháp và Đề án 250, cho thấy vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Luật Giám định tư pháp và các quy định của pháp luật tố tụng vẫn còn những điểm chưa có sự thống nhất, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện.

Pháp luật tố tụng còn thiếu những quy định cụ thể về căn cứ, cách thức trưng cầu để bảo đảm sự độc lập, khách quan, hiệu quả của hoạt động tố tụng và giám định; cơ chế xem xét, đánh giá và sử dụng kết luận giám định trong hoạt động tố tụng với tư cách là một loại chứng cứ đặc biệt trong hoạt động tố tụng.

Ngoài những bất cập về cơ chế giám định tư pháp, tính đồng bộ giữa pháp luật thì còn khó khăn về nhân lực, chuyên môn, nghiệp vụ giám định tư pháp và công tác phối hợp thực hiện yêu cầu giám định tư pháp.

Đại diện Công an tỉnh phát biểu tham luận.

Để tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả Luật Giám định tư pháp và Đề án 250, Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Văn Đặng đề nghị các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; quan tâm lựa chọn, bổ nhiệm giám định viên tư pháp bảo đảm theo tiêu chuẩn, đủ về số lượng và nâng cao chất lượng.

Các cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng giám định tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện giám định, kết luận giám định đối với các vụ việc được trưng cầu, yêu cầu giám định, nhất là những vụ án, vụ việc trọng điểm, các vụ tham nhũng, tiêu cực bảo đảm kịp thời, chính xác, khách quan. Tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ giám định viên và thực hiện tốt quy chế phối hợp thực hiện giám định.

 Lãnh đạo Sở Tư pháp tặng giấy khen cho các cá nhân.

Giám đốc Sở Tư pháp tiếp thu các ý kiến thảo luận, đề xuất kiến nghị tại hội nghị. Sở Tư pháp sẽ tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này; với chức năng nhiệm vụ của Sở sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc, phối hợp cơ quan chức năng tham mưu các cấp lãnh đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định tư pháp.

Tại hội nghị, 2 tập thể, 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm (2018-2023) triển khai, thực hiện Luật Giám định tư pháp và Đề án “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; 7 cá nhân được Sở Tư pháp tặng giấy khen.

Phương Thuý

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục