Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tây Ninh trên đường đổi mới, phát triển (Tiếp theo và hết)
Thứ sáu: 08:37 ngày 01/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cho đến ngày nay, 45 năm sau Tây Ninh trở thành tỉnh đứng vị trí thứ 14/63 tỉnh, thành cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, và là tỉnh thứ 6/63 tỉnh, thành về thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2019.

Sau 10 năm đầu giải phóng đầy vất vả gian truân của một địa phương miền biên ải- vốn đã nghèo nàn lạc hậu lại còn phải gánh chịu hậu quả hết sức nặng nề của nhiều cuộc chiến tranh liên tiếp, Tây Ninh cùng cả nước bước vào thời kỳ đổi mới với tâm thế của một tỉnh có truyền thống “Trung dũng, kiên cường”, từng là nơi bảo vệ an toàn cho Trung ương Cục miền Nam- cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam suốt giai đoạn trường kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc.

Mùa vàng bội thu. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đông

Đặc biệt với truyền thống hào hùng đó, Tây Ninh khởi đầu công cuộc đổi mới với “vốn liếng đầu tay” rất có giá trị là hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng với hồ chứa nhân tạo rộng 27.000 ha có dung tích 1,5 tỷ mét khối nước và mạng lưới kênh mương tưới tiêu chủ động hàng ngàn ki-lô-mét trải rộng khắp địa bàn tỉnh, vươn tới các tỉnh, thành lân cận.

Công trình này như một “đại công trường thủ công” do chính bàn tay của người Tây Ninh, kết hợp với cơ giới của Bộ Thuỷ lợi, là cơ sở vật chất hiện thực hoá chủ nghĩa xã hội trên mảnh đất quê hương mình.

Với “vốn liếng” ban đầu đó, Tây Ninh đổi mới kinh tế từ nông nghiệp từng bước đi lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Cho đến ngày nay, 45 năm sau Tây Ninh trở thành tỉnh đứng vị trí thứ 14/63 tỉnh, thành cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, và là tỉnh thứ 6/63 tỉnh, thành về thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2019.

Ở chặng đường phát triển đầu tiên, đối với nông nghiệp, từ bốn cây thế mạnh “lúa, mía, đậu, mì”, Tây Ninh hình thành các vùng chuyên canh ở các vùng có tập quán canh tác lâu đời và điều kiện tự nhiên phù hợp. Lúc bấy giờ, gần như ai cũng biết mỗi bốn cây trồng ấy được quy hoạch diện tích mỗi cây đến 100.000 ha.

Lúa được gieo trồng khắp nơi trong tỉnh, chủ yếu là ở các huyện phía Nam, dọc theo sông Vàm Cỏ Đông; riêng cánh đồng Hãng đường ở Thanh Điền (vốn là vùng trồng mía của nhà máy đường duy nhất ở Tây Ninh thời thuộc Pháp) và khu vực cánh đồng Gò Kén ở xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành được xác định là vùng lúa cao sản của tỉnh. Tuy nhiên, sản lượng lúa toàn tỉnh năm 1985 cũng chỉ xấp xỉ 185.000 tấn và bình quân đầu người cũng chỉ tương đương năm 1976 (chưa đầy 280kg).

Đối với cây mía, Trung ương nhận  thấy Tây Ninh có tiềm năng khá mạnh về mía đường nên đã đầu tư cho tỉnh một nông trường mía lớn nhất nước thời bấy giờ: Nông trường mía Dương Minh Châu với quy hoạch diện tích mía lên đến 20.000 ha.

Nhưng đến năm 1985 khi hồ thuỷ lợi Dầu Tiếng tích nước thì vùng mía này phải chuyển sang phía Tây, Bắc thuộc huyện Tân Biên, sau là Tân Châu và trở thành vùng nguyên liệu của ba nhà máy lớn có tổng công suất lớn nhất nước hiện nay (13.500 tấn mía cây/ngày).

Về cây đậu phọng, những ai có mặt tại buổi lễ khởi công xây dựng hồ Dầu Tiếng đúng vào dịp kỷ niệm Ngày chiến thắng 30.4 của năm 1981 hẳn không thể nào quên hình ảnh cánh đồng đậu phọng bạt ngàn của xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu.

Sau đó, nhờ chủ động được nước tưới, nông dân không phải lo đào giếng chi chít trên ruộng đậu, mà sản lượng đậu phọng của năm 1985 từ 19.800 tấn đã vượt lên tới 52.682 tấn vào năm 1999.

Đặc biệt, trong bốn cây thế mạnh, cây mì gần như gắn chặt với đất Tây Ninh, loại cây trồng “cứu đói” này bao giờ cũng có mức tăng cao nhất nên trong giai đoạn 1976-1999, sản lượng củ mì từ chưa đầy 100.000 tấn đã tăng gấp hơn 4 lần, lên đến 407.000 tấn. Và cho đến năm 2019 thì con số này lại tăng gấp 4 lần nữa, lên đến 1.671.000 tấn.

Đáng chú ý là trong lúc bốn cây trồng thế mạnh trên được “tôn vinh”, thì có một loại cây đã từng không được chú ý, mặc dù nó cũng có mặt khá lâu đời trên đất Tây Ninh. Đó là cây cao su với diện tích 5.126 ha năm 1976.

Đến năm 2019, loại cây dài ngày này đã vượt lên đến 100.058 ha. Tính ra từ năm đầu giải phóng cho đến nay, diện tích cây cao su tăng gấp 19,5 lần. Cây “vàng trắng” đã giúp nhiều người Tây Ninh trở nên giàu có.      

Bước sang thế kỷ 21, từ sau giai đoạn 1986-2000 của thời kỳ đổi mới, Tây Ninh bắt đầu có những bước tiến mới trên đường công nghiệp hoá, từ điểm nhấn đầu tiên là việc hình thành Khu công nghiệp Trảng Bàng ở xã An Tịnh, cửa ngõ phía Nam của tỉnh.

Trong kháng chiến, An Tịnh được cả nước biết đến với “Hội thề Rừng Rong” thời chín năm chống Pháp, rồi đến phong trào chống “cào nhà gom dân” lập ấp chiến lược, gan góc đánh Mỹ suốt 15 năm.

Trong hoà bình, An Tịnh cũng là địa phương đi đầu xây dựng công nghiệp hoá của tỉnh nhà. Tiếp theo bước tiên phong của Khu công nghiệp Trảng Bàng, lần lượt các khu công nghiệp Phước Đông, Chà Là, Thành Thành Công (tên cũ là Bourbon An Hoà), Đại An Sài Gòn, TMTC… các khu kinh tế cửa khẩu ở các cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát mọc lên và lần lượt được lấp đầy, cùng với các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp ở khắp các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Tây Ninh đã từng bước định hình dáng dấp của một tỉnh công nghiệp.

Đề cập đến thành tựu của Tây Ninh, nếu như không nhắc đến ngành năng lượng ắt sẽ là sự thiếu sót đáng trách, đó là ngành năng lượng sạch với công suất của các nhà máy điện mặt trời lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Mấy ai ngờ chỉ sau hơn một năm, tỉnh ta đã có các nhà máy điện mặt trời với tổng công suất lên đến 420MWp và đi vào hoạt động, cung cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 688kWh điện mỗi năm. Thú vị nhất là các nhà sản xuất điện mặt trời ở tỉnh ta đã “sửa” lời một câu hát mô tả thảm cảnh chiến tranh ở Tây Ninh từ hơn sáu chục năm trước. Đó là câu “Tây Ninh nắng nung người mà trận địa thì loang máu tươi” bỗng được cải biên thành “Tây Ninh nắng nung người mà nắng giờ thành điện sáng trưng” (!).

Và xin mạn phép anh linh ông Sáu Thượng, nguyên Chủ tịch UBND, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh, 45 năm trước khi đi xuống đồng bằng sông Cửu Long gặp lãnh đạo các tỉnh miền Tây Nam bộ để “đổi gỗ” lấy gạo với lấy máy phát điện Diesel, chắc là ông không thể nào hình dung ra được có một ngày thế hệ em, cháu ông ở Tây Ninh “biến” cái nắng chói chang trên mặt hồ Dầu Tiếng do ông chỉ huy xây dựng trở thành nguồn năng lượng vô tận để cung cấp cho đất nước.     

Cùng với ngành công nghiệp, hoạt động thương mại dịch vụ cũng tăng tốc phát triển. Những năm gần đây, ngay cả người Tây Ninh cũng cảm thấy ngạc nhiên với con số các siêu thị hiện đại, cửa hàng tiện ích mọc lên “như nấm” khắp nơi trong tỉnh với những thương hiệu nổi tiếng trong nước.

Ở thành phố Tây Ninh có một khu trung tâm thương mại Vincom, 2 siêu thị Sài Gòn Co.op đồ sộ; các thị xã, các huyện nông thôn trong tỉnh cũng đã có 7 siêu thị Co.opMart, cùng hàng chục siêu thị cửa hàng tiện ích Thế giới di động, Điện máy xanh, Bách hoá xanh, Vinmart… Sự “bùng phát” hệ thống thương mại dịch vụ với mãi lực bán lẻ cực mạnh đã góp phần vào sự sôi động của môi trường kinh doanh hiện đại, văn minh tại tỉnh nhà.

Đi đôi với phát triển kinh tế, hoạt động văn hoá xã hội Tây Ninh đã và đang thể hiện sức sống mới của thời đại mới. 45 năm qua, ngành Giáo dục Tây Ninh với 2.657 lớp học phổ thông, 2.631 giáo viên và 95.640 học sinh đã tăng lên đến 550 trường học phổ thông các cấp, hơn 13.000 giáo viên và hơn 230.000 học sinh.

Những con số tưởng chừng rất khô khan này đã phản ánh một bước tiến khá dài của sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà. Nếu như ngày trước mỗi giáo viên phải giảng dạy hơn 36 học sinh, thì hiện nay chưa tới phân nửa số học sinh (17,7 HS) đang được theo học với một thầy.

Tuy nhiên, không rõ tại sao số liệu thống kê năm 1976 không xác định số trường học, còn số liệu của ngành giáo dục hiện nay lại không xác định số lớp học. Mặc dù vậy, nhìn vào hình ảnh các ngôi trường lầu hoá kiên cố hiện nay, các thầy cô giáo năm xưa, nay đều đã nghỉ hưu, cảm thấy hết sức tự hào khi nhớ lại những năm học ấy, cứ mỗi độ cuối hè sắp khai giảng, thầy cô giáo lại phải đến trường sửa lại các bàn học đóng dính liền với băng ghế học sinh đã “sứt tay, gãy gọng” trong hè; đắp lại bức vách đất đã sụp, lở; nơi nào trường lớp tạm thời đã xuống cấp quá mức thì thầy cô cùng với bà con địa phương phải ra rừng cắt tranh, chặt cây, ra đồng đào đất, nhặt rơm để đem về làm vật liệu cất lại nhà trường.

Còn với ngành Y tế, nếu như năm 1976, toàn tỉnh chỉ có 51 cơ sở khám, chữa bệnh, 829 giường bệnh và 671 cán bộ Y tế. Trong đó, chỉ có 24 bác sĩ để phục vụ khám, chữa bệnh cho 655.000 dân. Tính ra, 1 bác sĩ phải phục vụ hơn 27.291 người dân; thì đến năm 2019, cứ 10.000 người dân thì có 21 giường bệnh và 7,2 bác sĩ.

Thật ra, không có số liệu thống kê nào tính “tỷ lệ tăng của tỷ lệ 1 bác sĩ/1 vạn dân”. Nhưng cứ nhìn vào các con số về hoạt động Y tế tỉnh nhà năm đầu mới giải phóng, ai cũng có thể hình dung việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân những năm ấy khó khăn, vất vả như thế nào.

Trong khi đó, ngày nay cùng với hệ thống y tế quốc gia phủ khắp các tuyến từ tỉnh đến xã mà 100% đơn vị tuyến xã (trạm y tế 95/95 xã) đều đạt chuẩn quốc gia, trong tỉnh đã hình thành và đưa vào hoạt động 2 bệnh viện đa khoa tư nhân (Cao Văn Chí, Lê Ngọc Tùng) và sắp tới, 2 bệnh viện tư nhân cao cấp, còn gọi là “bệnh viện khách sạn” (Xuyên Á, Hồng Hưng) sẽ được đưa vào hoạt động cùng với Nhà nước chăm lo sức khoẻ toàn dân.

Về phía nhân dân, toàn tỉnh đã có tới 85,5% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Đối  với cơ sở điều trị cấp tỉnh, có lẽ gần đây người dân trong tỉnh không ai không biết trong đại dịch Covid-19, ở Tây Ninh có 3 ca mắc virus Corona, tất cả đều là người ở ngoài nước trở về qua đường biên giới Việt Nam - Campuchia, và tất cả đều đã được các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh chữa khỏi bệnh.

Có lẽ chuyện 45 năm phát triển kinh tế xã hội của một tỉnh có trên 1 triệu dân không thể nào nói hết qua một bài báo. Trong khi thời đại 4.0 ngày nay, bất cứ ai cũng có trên tay ít nhất là 1 cái điện thoại thông minh cầm tay (chứ không phải cả tỉnh chỉ có vài chục cái máy điện thoại hữu tuyến như thời mới giải phóng) để có thể truy cập, tìm kiếm thông tin ở mọi lúc mọi nơi trên khắp thế giới.

Người viết xin được tạm dừng ở đây, với lời chúc quý bạn đọc hưởng trọn niềm vui của cuộc sống ấm no, hạnh phúc, không quên tích cực thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ bản thân và cộng đồng, vừa tích cực, hăng hái thi đua công tác, sản xuất, kinh doanh góp phần xây dựng quê hương Tây Ninh ngày càng giàu đẹp.

Nguyễn Tấn Hùng 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh