Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tây Ninh trước và sau 46 năm giải phóng
Thứ bảy: 06:21 ngày 01/05/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhìn lại 46 năm trước và sau ngày toàn thắng 30.4.1975 trên quê hương Tây Ninh, chúng ta thấy rằng, để đạt được thành tựu trên, xuất phát từ lãnh đạo sáng suốt, quyết liệt của Ðảng bộ, chính quyền tỉnh cùng với sự chung sức, đồng lòng “muôn người như một” của toàn dân Tây Ninh.

Một góc thành phố Tây Ninh. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Ðông

Từ dấu mốc kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, giải phóng Tây Ninh 30.4.1975 - 30.4.2021, nhìn lại quá trình bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng tỉnh nhà 46 năm qua, người dân trong tỉnh hết sức tự hào với sự phát triển, lớn mạnh đến không ngờ của quê hương thân yêu, xứng đáng với bốn chữ “Trung dũng kiên cường” đi kèm tên của tỉnh từ thời đấu tranh oanh liệt năm xưa.

Ai có trải qua những ngày tháng cực kỳ gian khổ, khó khăn của những năm đầu sau ngày giải phóng ở Tây Ninh, mới cảm nhận được đầy đủ ý nghĩa của cụm từ “lớn mạnh đến không ngờ” ấy.

Tháng 2.1976, một “người lính Cụ Hồ”- Ðại tá Ðặng Văn Thượng (thường gọi là ông Sáu Thượng) được Trung ương cho chuyển ngành và điều động về làm Chủ tịch UBND tỉnh thay cho ông Nguyễn Văn Thắng, vị Chủ tịch của thời kỳ quân quản sau ngày 30.4.1975.

Chỉ sau ba cuộc họp giữa chính quyền với các ban, ngành, đoàn thể, đại biểu các tầng lớp nhân dân, ông Sáu Thượng bàn bạc, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhất trí cho ông cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phát (thường gọi là ông Hai Phát) “xuất tướng” đi miền Tây cầu viện lương thực để cứu đói cho dân.

Trong tập hồi ký của mình, ông Sáu Thượng ghi lại chuyến đi này, trích nguyên văn như sau: “… đến phà Cần Thơ (lúc này thành phố Cần Thơ còn thuộc tỉnh Hậu Giang), tối đói ghé quán cơm ăn tạm, cũng chưa biết ngủ đâu và chưa biết đi đâu, tình cờ gặp anh Sáu Hậu, Bí thư Hậu Giang, anh Năm Ðáng, Bí thư tỉnh Vĩnh Long-Trà Vinh, ông Tư, Bí thư tỉnh An Giang. Các anh hỏi: Ði đâu, ghé đây ăn cơm coi vẻ mệt mỏi quá vậy? Thôi vô nhà tôi nói nghe coi.

Chúng tôi báo cáo tình hình ở tỉnh nhà đang đánh với Pôn-Pốt Khơme Ðỏ, dân nghèo đói khổ, bệnh đau nhiều, tỉnh mà đèn đuốc không có, nên xin phép anh Hai Bình (Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh thời bấy giờ-NV) đem 100 mét khối gỗ của Trần Lệ Xuân chạy bỏ lại xuống Bạc Liêu- Cà Mau đổi lấy lúa về cứu đói và đổi một máy điện nhỏ thắp đèn.

Anh Năm Ðáng: -Nghe hai ông nói tôi muốn xỉu. Anh Sáu Hậu: -Thôi được rồi, tao sẽ bàn với Tỉnh uỷ cho Tây Ninh một máy phát điện 300 KW. Anh Năm Ðáng bàn: -Cho 1.000 tấn lúa, ông Tư cũng cho 1.000 tấn lúa thịt và số lúa giống, không có đổi gỗ chi hết, sao được hôn ông Tư, ông Sáu? Hai ông nói đồng ý chớ sao không.

Thôi ăn cháo gà uống ít rượu ngủ sáng về sớm. À, về thành phố (Hồ Chí Minh-NV) hỏi Cục Vận tải bộ, thuê xe nhờ nó xuống lấy máy điện về ngay, cho ghe chở lúa về sau được không? Nghe ba anh nói chúng tôi rất mừng. Chúng tôi về báo cáo lại cho anh Hai Bình và các anh trong Thường vụ, Tỉnh uỷ gửi thư cám ơn các anh.

Trên đường về bàn với anh Hai Phát ý định sử dụng lúa thế nào, còn cái máy điện giao cho công ty Ðiện đi nhận đem về mua dầu thắp sáng bộ mặt của tỉnh. Anh Hai Phát: -Tôi kêu Phúc- Giám đốc Sở Lương thực đi cùng tôi xuống đem về làm kế hoạch phân phát hết cho các huyện và bộ đội. -Theo tôi (Sáu Thượng) hai đứa về thành phố tìm gặp ông Bảy Máy- Bộ trưởng Bộ Lương thực, hỏi xin đổi 1.000 tấn lúa lấy phân u-rê về lo sản xuất, chớ  chia hết bấy nhiêu đó cũng không đủ. Anh Hai Phát cắt ngang: -Từ 2 ký tới 2 ký rưỡi lúa mới đổi được 1 ký u-rê mà khó lắm. Sáu Thượng: -Thì khó nên ta ráng tìm cho có, chứ sản xuất chay thì năng suất thấp lắm…

Khi gặp ông Bảy Máy trình bày ý định đổi lúa lấy u-rê để tiếp tục sản xuất, ông Bảy Tận tình giúp đỡ. Ông Bảy: -Vậy Tây Ninh có mấy giạ lúa, có bắp và mì xắt lát khô? Có định làm ăn lâu dài không?. -Dạ có 1.000 tấn lúa đã vô bao xong, còn mì lát không và bắp hạt nhất định có, chúng tôi báo cáo sau.

-Thôi được, ông Bảy nói, đưa lúa xuống kho Bình Tây chở u-rê về. Cứ 2 ký u-rê bằng một ký lúa (ngoài thị trường thì một ký u-rê bằng 2,5 ký lúa hoặc 3 ký lúa). Các chú không nên nói rộng cho dân miền Tây biết, thật tình mà nói dân miền Ðông đói khổ hơn dân miền Tây, đây cũng là chỉ đạo của anh Phạm Hùng.

Ði về đến nhà (Tây Ninh) là tròn hai ngày, chạy qua báo cáo kết quả cho Thường trực Tỉnh uỷ, anh Hai Bình, anh Tư Văn nghe ai cũng mừng…”.

Ðoạn văn mộc mạc của người đứng đầu chính quyền cách mạng, sau là người đứng đầu Ðảng bộ tỉnh, trước khi về Tây Ninh là Chính uỷ của Trường Sĩ quan lục quân II, vừa phản ánh chân thực tình cảnh “thiên nan vạn nan” của tỉnh nhà lúc mới giải phóng, vừa nói lên tấm lòng của người lính chiến hai thời kỳ đánh đuổi giặc ngoại xâm, người cán bộ cách mạng thực sự là công bộc của dân, hết lòng hết sức lo cho dân, cho nước.

Lần giở những trang tư liệu còn lưu trữ từ hơn 4 thập niên trước, cho thấy tình hình về kinh tế-xã hội tỉnh Tây Ninh hết sức thấp kém, đến mức có thể nói là bi đát nhất miền Nam thời bấy giờ.

Là một tỉnh đồng bằng, có nhiều rừng và có cả một ngọn núi cao nhất Nam bộ, nhưng sau 30 năm chiến tranh, diện tích rừng và cũng là phân nửa diện tích tự nhiên (200.000/400.300 ha) gần như không còn; toàn tỉnh có 73 xã thì 60 xã gần như bị huỷ diệt trong chiến tranh; trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chiếm gần 90%, công nghiệp chỉ có 2%, thương mại dịch vụ chiếm khoảng 9%.

Cơ cấu này cho thấy lúc bấy giờ Tây Ninh thực sự là tỉnh thuần nông, điều kiện tự nhiên có khả năng phát triển nông nghiệp toàn diện với cơ cấu cây trồng khá đa dạng, tuy nhiên do thiếu thốn, điều kiện sản xuất các loại cây trồng đều rất khó khăn, mỗi năm chỉ sản xuất lúa được một vụ vào mùa mưa với năng suất thấp.

Sản lượng lúa năm 1976 chỉ đạt 180.000 tấn, bình quân lương thực đầu người không đủ ăn (270kg/năm). Cây trồng thế mạnh có mía, mì (sắn), đậu phọng với sản lượng khá cao (567.600 tấn mía cây, 98.539 tấn củ mì, 10.130 tấn đậu phọng), nhưng khâu chế biến kém, hầu hết là chế biến thủ công nên hiệu quả không cao.

Các lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ chỉ có một số lò đường, lò mì và cửa hàng nhỏ lẻ. Ngành sản xuất không phát triển, mãi cho đến những năm đầu thời kỳ đổi mới Tây Ninh mới bắt đầu phát triển hoạt động xuất nhập khẩu với kim ngạch năm 1990 chỉ nhỉnh hơn 6,5 triệu USD.

Về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, hệ thống điện chỉ có hai máy phát điện nhỏ, một máy nhiệt điện chạy dầu diesel do chế độ cũ để lại, một máy do UBND tỉnh xin từ miền Tây trong câu chuyện kể trên, cùng với đường dây dẫn điện từ thị xã tỉnh lỵ đến 9 xã xung quanh, tổng chiều dài hệ tống đường dây điện chỉ có 25km, sản lượng điện năm 1976 đạt chưa  tới 4 triệu kW.

Hệ thống đường bộ duy nhất chỉ có tuyến quốc lộ 22 và 22B dài khoảng 100km được trải bê tông nhựa, ngoài ra là các tuyến nội tỉnh, liên huyện, giao thông nông thôn hầu hết là đường cấp phối sỏi đỏ và đường đất… Về thông tin liên lạc, cả tỉnh chỉ có hơn 100 máy điện thoại quay số ở các công sở với các tổng đài cơ khí đặt ở huyện, người dân có nhu cầu liên lạc đường dài phải đến nhà bưu điện huyện thuê dịch vụ, đóng tiền cước gọi điện thoại.

Về y tế, toàn tỉnh năm 1976 chỉ có 51 cơ sở chữa bệnh với 1.973 giường bệnh và 671 cán bộ, nhân viên y tế, trong đó chỉ có 24 bác sĩ để phục vụ dân số 650.000 người. Bình quân trên ba vạn dân mới có một bác sĩ.

Về giáo dục, có 2.657 lớp học phổ thông và mẫu giáo; với trên 95.000 học sinh, do 2.631 giáo viên giảng dạy, trong đó có khoảng 500 giáo viên được đào tạo cấp tốc và số giáo viên chi viện từ miền Bắc sau ngày 30.4.1975.

Ðiều đáng nói là hệ thống trường lớp phần nhiều do chế độ cũ để lại ở vùng tạm chiếm, cơ sở vật chất đã xuống cấp; khi ngành giáo dục phát triển đến các vùng nông thôn, sâu, vùng giải phóng cũ, trường lớp chỉ được xây dựng tạm bợ với mái tranh, vách đất, nên mỗi mùa hè trước ngày khai giảng, các thầy cô giáo phải “tựu trường” trước, vừa học tập bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ, vừa “ra tay” cắt tranh lợp lại mái, moi đất sét đắp lại vách lớp học.

Từ điểm xuất phát gần như không đáng kể trên, dưới sự lãnh đạo của Ðảng bộ tỉnh, toàn dân Tây Ninh đã ra sức lao động sản xuất xây dựng quê hương gần như với hai bàn tay trắng. 46 năm qua, từng bước một Tây Ninh vừa đi, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để tránh va vấp và giữ đúng định hướng. Ðến nay, có thể nói Tây Ninh đã không còn “thua chị kém em” . Nhất là trong khoảng mười năm trở lại đây, có thể nói Tây Ninh đã có những bước tiến nhảy vọt.

Ðại tướng Võ Nguyên Giáp (ngồi giữa) trong lần về thăm Tây Ninh những năm 80, thế kỷ 20. Bên phải là ông Ðặng Văn Thượng-Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh, ngồi bên trái là ông Phan Văn-Chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh tư liệu Ð.H.T

Trong nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng giá trị tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của tỉnh luôn đạt  cao hơn mức bình quân chung cả nước (giai đoạn 2015 - 2020 đạt 7,2%). Trong đó, ngành công nghiệp-xây dựng đạt tỷ trọng 43,3% trong GRDP đạt 38,7% với các dự án đầu tư có xu hướng gia tăng hàm lượng công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao. Với 9 nhà máy điện mặt trời vận hành hoạt động, có tổng công suất là 678 MWp, Tây Ninh đang là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về điện mặt trời.

Ngành công nghiệp đóng vai trò chủ lực trong sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, đạt 19 tỷ USD, tăng gần gấp 300 lần năm 1990; trong đó, nhóm hàng công nghiệp chiếm đến 81,8%. Ngành thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng 30,3% với thực lực hiện nay cho thấy vẫn còn dư địa để tiếp tục phát triển trong tương lai, chủ yếu là trong dịch vụ du lịch.

Một điểm sáng trong quá trình phát triển của Tây Ninh 46 năm qua là sự thu hút đầu tư “từ không đến có”, nếu như trong những năm đầu giải phóng, tỉnh nhà hầu như không có khái niệm gì về thu hút đầu tư, thì từ thời kỳ đổi mới 10 năm sau ngày giải phóng cho đến năm 2020, Tây Ninh có 552 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 77.943,06 tỷ đồng và 350 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 7,77 tỷ USD.

Nhìn lại 46 năm trước và sau ngày toàn thắng 30.4.1975 trên quê hương Tây Ninh, chúng ta thấy rằng, để đạt được thành tựu trên, xuất phát từ lãnh đạo sáng suốt, quyết liệt của Ðảng bộ, chính quyền tỉnh cùng với sự chung sức, đồng lòng “muôn người như một” của toàn dân Tây Ninh.

Nguyễn Tấn Hùng

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục