Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tây Ninh và Bình Dương sẽ có tuyến đường 10 làn xe kết nối hai địa phương
Chủ nhật: 22:18 ngày 14/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sự kiện hai tỉnh Tây Ninh và Bình Dương ký kết thoả thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023-2025 diễn ra hôm 12.5 là dấu mốc quan trọng trong việc hiện thực hoá Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ.

Tây Ninh và Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cùng kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, có hệ thống giao thông thuận lợi, đặc biệt còn nhiều dư địa để phát triển. Sự kiện hai tỉnh Tây Ninh và Bình Dương ký kết thoả thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023-2025 diễn ra hôm 12.5 là dấu mốc quan trọng trong việc hiện thực hoá Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ.

Ông Phạm Ngọc Thuận- Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC đề xuất ý tưởng mở một tuyến đường 10 làn xe để kết nối công nghiệp giữa Tây Ninh và Bình Dương.

Việc ký kết sẽ thúc đẩy kết nối vùng để phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ… tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực như: đầu tư, chuyển đổi số, du lịch, an ninh trật tự, giao thông vận tải, đầu tư, tài nguyên và môi trường và cải cách hành chính, với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đáp ứng kỳ vọng của Trung ương.

Thúc đẩy kết nối vùng

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Ngọc- Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh và ông Võ Văn Minh- Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương trao đổi, thảo luận và thống nhất một số nguyên tắc ký kết bảo đảm sự bình đẳng, hai bên cùng có lợi trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của hai địa phương và phù hợp với quy định của pháp luật.

Trong đó, lãnh đạo hai tỉnh thống nhất tăng cường hợp tác đẩy nhanh tiến độ dự án kết nối vùng; triển khai các nội dung liên quan quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt, như: Quy hoạch mạng lưới đường bộ; quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa; thống nhất quy hoạch 2 tuyến đường và cầu kết nối từ đường 789 (Tây Ninh) với đường 744 (Bình Dương) trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; nghiên cứu, lựa chọn đầu tư 1 dự án kết nối và khởi công trong giai đoạn 2024 - 2025.

Hai địa phương cùng thống nhất đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp luồng đường thuỷ nội địa quốc gia sông Sài Gòn đạt tiêu chuẩn luồng cấp II theo quy hoạch; quy hoạch, công bố luồng đường thuỷ nội địa trên hồ Dầu Tiếng.

Trên lĩnh vực đầu tư, hai bên cùng xúc tiến và tạo điều kiện cho Tổng Công ty Becamex IDC nghiên cứu, triển khai đầu tư dự án Khu đô thị - công nghiệp - dịch vụ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Hỗ trợ, chia sẻ thông tin về công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch khu công nghiệp, đô thị; chia sẻ thông tin về cơ chế chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong các lĩnh vực: phát triển khu, cụm công nghiệp, phát triển đô thị, phát triển hạ tầng.

Đồng thời, hỗ trợ trong công tác xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai địa phương nghiên cứu, tìm hiểu môi trường đầu tư, hợp tác đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh; tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư chung...

Hai bên cùng phối hợp trong thực hiện quy hoạch, quản lý về tài nguyên, cát, khoáng sản và bảo vệ môi trường hồ Dầu Tiếng và lưu vực hồ Dầu Tiếng. Triển khai công tác bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn cho hồ Dầu Tiếng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội hai địa phương. Chia sẻ thông tin trao đổi kinh nghiệm trong công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các nội dung liên kết, hợp tác trong phát triển và liên kết sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch, phát triển nguồn nhân lực và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch…

Để thực hiện các nội dung đã ký, hai tỉnh cam kết cụ thể hoá thành những chương trình, kế hoạch hành động ở mỗi địa phương để triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai hợp tác, sẽ có nhiều vấn đề phát sinh, do đó, lãnh đạo hai tỉnh sẽ thường xuyên trao đổi, hằng năm có sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm để chương trình hợp tác của hai tỉnh đạt hiệu quả hơn.

Cầu bắc qua sông Sài Gòn nối hai tỉnh Tây Ninh và Bình Dương được khánh thành từ cuối năm 2022 (ảnh minh hoạ).

Becamex IDC đề xuất đầu tư tuyến đường 10 làn xe kết nối hai tỉnh

Cũng tại lễ ký kết, Tổng Công ty Becamex IDC (vốn Nhà nước chi phối thuộc UBND tỉnh Bình Dương) phối hợp Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty liên doanh khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đề xuất nhiều ý tưởng về phát triển giao thông kết nối giữa hai tỉnh Bình Dương - Tây Ninh, tạo hành lang để giao thương với nước bạn Campuchia; mở khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại Tây Ninh…

Ông Phạm Ngọc Thuận- Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC cho biết, Bình Dương đã có kinh nghiệm phát triển công nghiệp hơn 20 năm, mỗi năm, tỉnh này có tới 7 triệu container xuất khẩu hàng hoá, trung bình, mỗi phút có khoảng 15 container xuất khẩu ra khỏi Bình Dương. Do đó, Bình Dương phát triển hạ tầng không chỉ phục vụ cho tỉnh mà còn để hàng hoá các tỉnh bạn như Tây Ninh, Bình Phước đi qua.

Theo ông Thuận, tỉnh Tây Ninh có cửa khẩu quốc tế Mộc Bài có vai trò rất quan trọng trong giao thương kinh tế vùng Đông Nam bộ với Campuchia, đại diện Becamex IDC đã đề xuất hợp tác với chiến lược kết nối và phát triển theo hành lang logistics chiến lược, từ Tây Ninh hình thành hành lang công nghiệp Phnom Penh - Tây Ninh đến Bình Dương 30km và kết nối với sân bay Long Thành (Đồng Nai) 60km.

Cùng với ý tưởng trên, ông Phạm Ngọc Thuận- Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC đã đề xuất một số dự án cụ thể hoá nội dung ký kết giữa 2 địa phương như: Phát triển hành lang công nghiệp Phnom Penh - Tây Ninh - Bình Dương - Long Thành - Cái Mép; đường kết nối công nghiệp Bình Dương - Tây Ninh; đường sắt công nghiệp Bàu Bàng - Tây Ninh…

Trong đó, Tổng Công ty Becamex IDC đề xuất ý tưởng mở một tuyến đường 10 làn xe để kết nối công nghiệp giữa Tây Ninh và Bình Dương.

Tuyến đường này sẽ nối từ huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương), qua huyện Dầu Tiếng, huyện Dương Minh Châu và kết nối với cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) với quy mô 10 làn xe đi qua một số khu công nghiệp, qua đó sẽ kết hợp phát triển các khu công nghiệp đô thị dịch vụ tại Tây Ninh.

“Tất nhiên khi quy hoạch đường, mở khu công nghiệp thì một trong các câu hỏi đầu tiên là tiền đâu, vốn đâu? Chúng tôi đã có khảo sát và cam kết nếu được lãnh đạo hai địa phương ủng hộ thì sẽ cùng với Tập đoàn Cao su, Liên doanh khu công nghiệp Việt Nam - Singapore đề xuất giải pháp để có vốn thực hiện”- ông Thuận nói.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc- Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết ý tưởng làm tuyến đường 10 làn xe kết nối công nghiệp Tây Ninh và Bình Dương lần đầu được công bố, nhưng trước đó lãnh đạo hai địa phương, các doanh nghiệp… cũng đã có những nghiên cứu, khảo sát với mong muốn tạo sức bật cho phát triển.

Ông Ngọc đề nghị các nhà đầu tư mạnh dạn tiếp tục nghiên cứu, đề xuất để hiện thực hoá các ý tưởng làm đường, khu công nghiệp đô thị dịch vụ hợp tác giữa hai tỉnh Tây Ninh và Bình Dương.

Ông Nguyễn Văn Lợi- Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương cho biết, Tây Ninh là tỉnh đầu tiên trong số 9 tỉnh ký thoả thuận với Bình Dương vào ngày 25.3, trước sự chứng kiến của lãnh đạo Chính phủ để hợp tác phát triển các khu công nghiệp.

Theo ông Lợi, đề nghị lãnh đạo hai tỉnh cùng nghiên cứu các đề xuất làm đường, làm khu liên hợp công nghiệp – đô thị - dịch vụ để đưa vào trong quy hoạch của hai tỉnh. Trong quá trình thực hiện, lãnh đạo hai tỉnh sẽ thường xuyên trao đổi, đồng hành với nhà đầu tư để hiện thực hoá các ý tưởng hợp tác, góp phần thúc đẩy phát triển cho hai địa phương.

Minh Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục