Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bên bờ kênh Ðông, thuộc ấp Thuận Lợi, xã Ðôn Thuận (Trảng Bàng) có một ngôi nhà tường khang trang, trước sân là vườn mai, bên hông nhà thường có hai chiếc máy gặt đập liên hợp và hai chiếc máy cày. Ðó là cơ ngơi của gia đình ông Nguyễn Văn Dùm (SN 1953) và bà Huỳnh Thị Bích (SN 1954), đều là cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến chống Mỹ.
Vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Văn Dùm - Huỳnh Thị Bích.
Ông Dùm cho biết, quê ông ở Rỗng Tượng (xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu). Năm 1971, ông thoát ly, tham gia du kích xã, sau được điều động về lực lượng vũ trang huyện.
Sau ngày miền Nam giải phóng, ông đi học sĩ quan, được điều động về Tỉnh đội, rồi về làm Ðại đội trưởng Ðại đội 40 huyện Châu Thành. Trong quá trình chiến đấu ông bị nhiều thương tích và được xếp hạng thương binh 4/4.
Cũng là dân xã Thanh Phước, vợ ông- bà Bích tham gia cách mạng vào năm 1971. Nhờ hoạt động chung trong lực lượng du kích xã, nên bà gặp ông, hẹn đến khi nước nhà thống nhất mới cưới nhau.
Ðầu năm 1981, ông Dùm xin xuất ngũ. Nhà không miếng ruộng, biết vùng căn cứ cách mạng Bời Lời (xã Ðôn Thuận, huyện Trảng Bàng) còn nhiều cánh rừng chồi chưa khai phá, ông cùng vợ quyết định rời quê, khai vỡ đất rừng sản xuất.
Hồi đó chưa có máy móc, cũng đâu có tiền thuê mướn, vợ chồng ông phá từng gốc cây, dọn từng thước đất. Lúc mới đến vỡ hoang được khoảng 20 cao đất trồng mì, khi vừa có củ, cả nhà ông vui mừng chờ đón thành quả lao động. Chưa kịp thu hoạch, đêm đến heo rừng về ủi phá sạch, vợ chồng ông phải trồng lại.
Cuối năm 1981, gia đình ông Dùm đã khai hoang được khoảng 1,2 ha đất đồng và 1,5 ha ruộng. Ngoài làm ruộng rẫy, vợ chồng ông còn đi làm mướn đủ việc.
Thấy cuộc sống gia đình ông quá khó khăn, cha mẹ vay mượn mua cho đôi trâu. Sau nhà ông mua thêm đôi trâu nữa. Ngoài cày ruộng đất nhà, vợ chồng ông mỗi người một đôi trâu đi cày thuê khắp nơi.
Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, lúc thu hoạch lúa, nông dân còn cắt bằng tay và đập bằng bồ. Biết có người chế tạo máy suốt lúa đạp bằng chân, ông Dùm đi tìm mua về, cho thuê với giá mỗi ngày 1 táo lúa (một thùng 20 lít lúa).
Ðược một thời gian, ông lại bán máy suốt, mua máy “phóng trâu” (máy phóng lúa kéo bằng xe trâu). Làm riết, tích luỹ dần dần, đến năm 1989 ông mua được máy cày 7 chảo và rơ móc.
Giờ thì gia đình ông có hai chiếc máy cày, hai máy gặt đập liên hợp hoạt động khắp các cánh đồng. Với dịch vụ làm đất, thu hoạch lúa và chuyên chở hàng hoá nông sản, mỗi năm, gia đình ông có thu nhập khoảng 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí xăng dầu và tiền công thuê 7 lao động. Ngoài ra, ông còn có nguồn thu nhập từ 1 ha vườn cao su và 4 ha ruộng.
Từ hai bàn tay trắng, bằng ý chí và sức lao động, mạnh dạn áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất và làm dịch vụ, vợ chồng cựu chiến binh - thương binh Nguyễn Văn Dùm, Huỳnh Thị Bích đã vượt qua khó khăn để có cuộc sống đầy đủ, sung túc. Khi đã ổn định, gia đình ông sẵn sàng đóng góp và đi đầu trong các phong trào, các cuộc vận động của địa phương.
N.H