Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Mùa đông giá rét qua đi, mùa xuân ấm áp trở về, cây rừng đơm chồi nẩy lộc, đồng bào Ba Na ở Phú Yên chọn đêm trăng sáng tổ chức ăn tết Chơ Ruh Kơr.
Bà con dân tộc Ba Na tổ chức ăn tết Chơ Ruh Kơr rất chu đáo. Ngay từ tháng 11 âm lịch, họ đã chuẩn bị chóe ủ rượu cần cho từng gia đình và cho cả làng. Rượu cần của họ được làm bằng các loại cây ở núi rừng, gồm men say, men cay (nồng), men ngọt... Rượu cần được chứa trong những chóe bằng đất nung có màu nâu sẫm và phải từ một tháng trở lên thì rượu mới có hương thơm vị ngọt. Tiếp đó là chuẩn bị heo, gà hoặc trâu, bò, trái bầu, rau, gạo tẻ, gạo nếp gói bánh đòn như bánh tét của người Kinh, được bó từng đôi. Các già làng gặp nhau bàn bạc, ấn định ngày tết cho mỗi buôn làng để không tổ chức trùng nhau, giúp bà con, họ hàng có thể thăm viếng, chúc tụng nhau, làm cho ngày tết thêm tưng bừng vui vẻ.
Ngay từ hôm trước ngày hội tết chính thức, khách xa gần lần lượt đến tham dự, già làng và những người chủ gia đình lo đón tiếp. Khách và chủ gặp nhau tay bắt mặt mừng, mời nhau hút thuốc uống rượu, hỏi thăm câu chuyện làm ăn và sức khỏe từng người thật rôm rả. Thanh niên, phụ nữ, trẻ em trong làng lần lượt tập trung về nhà rông (nhà văn hóa cộng đồng) vui chơi nhộn nhịp.
Các già làng đã có mặt tại nhà rông trước đó, bàn chuyện lễ cúng thần linh. Chiều đến, chủ và khách ăn cơm tại nhà rông như một đại gia đình. Các món ăn ngon và mới được đem ra đãi khách, gọi là bữa cơm mới. Qua ngày lễ tết chính thức hôm sau, những con heo hoặc trâu bò được mổ thịt và chia phần cho mỗi nóc nhà trong làng. Những gia đình có bà con họ hàng ở xa đến dự cũng được chia một xâu thịt. Tối đến, khi tiếng trống pơ rưng (trống lớn) vang lên lần thứ nhất, mọi người mặc những bộ quần áo mới, may theo trang phục truyền thống có màu sắc rực rỡ, lần lượt kéo về nhà rông. Họ mang những chóe rượu cần đặt ngoài sân. Khi tiếng pơ rưng vang lên lần thứ hai, chủ và khách có mặt đầy đủ bên cây nêu sắp dựng. Những thanh niên bóc lớp lá chuối đậy chóe rượu và cho nước suối vào để rượu sủi tăm. Cắm chung quanh miệng chóe là những cần rượu làm bằng cây trúc hoặc lồ ô rừng dài hơn 1m. Những con vật dâng cúng là gà trống (mồng càng to càng quý). Đống lửa đã nhóm sẵn, cho thêm củi để bừng cháy to hơn. Chủ lễ là già làng lấy lá dông, làm 3 phễu cột vào cây nêu theo thứ tự muối, gạo và cái trên cùng để không. Người chủ lễ nhổ cánh gà lấy lông cắm vào đầu cây nêu, dùng dao cắt tiết gà lấy máu phết lên từng lông một. Một tí huyết được cho vào phễu lá trên cùng. Con gà được thui chín được lấy tí gan, mề, da, thịt bỏ chung với phễu huyết. Con gà thui được đặt trên tấm lá bốc hơi nghi ngút. Lúc này, cây nêu được dựng lên, người chủ lễ tay phải cầm cần rượu, tay trái áp sát chóe rượu đọc bài cúng: “Hỡi Giàng sông, Giàng núi, xin Giàng cứu giúp cây không thối nghẹn hỏng nát, lỗ không cũng ra, lỗ tự nhiên cũng mọc, xin cu đất không moi, kiến không tha đi, muốn bụi lúa ban ngày bằng bụi sả, ban đêm bằng cây đa, đừng để con sâu ăn vàng, trắng khô ngọn nứt nẻ. Muốn có toàn hạt chắc mẩy, để nửa nhà, đầy nhà, còn để trút vào chái nhà...”.
Lễ cúng xong, chủ và khách cùng đến bên các chóe rượu cần, già làng vít cần uống trước, tiếp đến là khách mời rồi lần lượt các thành viên trong làng. Bánh nếp được bóc ra, thịt được cắt thành miếng để đầy ktơ (trẹt) làm bằng cây giang rừng. Cả làng cùng nhau ăn tết. Họ mời nhau ăn thịt, bánh và uống rượu cần, hết chóe này đến chóe khác. Khi hết rượu trong chóe thì đổ thêm nước vào và uống cho đến lúc rượu nhạt mới thôi. Tiếng cồng, chiêng vang lên, gái, trai trong làng cùng nhau múa hát, chuyện trò suốt đêm quây quần bên nhau thật vui nhộn.
Tết Chơ Ruh Kơr của đồng bào dân tộc Ba Na không chỉ tổ chức ở nhà rông mà còn tổ chức trong từng gia đình. Khi từ nhà rông trở về, mỗi gia đình mời khách về nhà mình, gọi là ngày đơp (thăm hỏi). Khách đi trước, đàn cồng, chiêng đi sau gõ nhịp vang lừng. Những chóe rượu thơm ngon nhất được đem ra mời khách uống suốt ngày đêm. Trai gái xoắn xuýt bên nhau, uống rượu, hát hò nhảy múa. Đoàn khách đi hết nhà này đến nhà khác thăm hỏi, chúc tụng vui vẻ.
Ngày nay, đồng bào dân tộc Ba Na ở Phú Yên vẫn tổ chức ăn tết Chơ Ruh Kơr truyền thống của mình nhưng có phần đơn giản hơn. Họ bỏ những hủ tục lạc hậu rườm rà tốn kém. Đoàn khách tham gia ngày đơp gồm già làng, lãnh đạo chính quyền và đại diện các ban ngành đoàn thể đến thăm hỏi chúc tết các gia đình chính sách và toàn thể bà con trong mỗi buôn làng.
K.D (st)