Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tết cổ truyền ở Lào – Bunpimay hay Bunhot Nậm
Thứ tư: 01:34 ngày 03/02/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Cũng như người dân Thái Lan và Campuchia, lễ hội Bunpimay mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, ấm no hạnh phúc thanh khiết hoá cuộc sống của con người.

Mỗi quốc gia trên thế giới đón năm mới theo phong tục và truyền thống riêng. Ðể chào đón năm mới, mỗi nước lại có những lễ hội độc đáo, mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Năm mới của nhân dân Lào bắt đầu từ ngày 13 -15.4 dương lịch. Cũng như người dân Thái Lan và Campuchia, lễ hội Bunpimay mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, ấm no hạnh phúc thanh khiết hoá cuộc sống của con người.

Tết Bunpimay diễn ra trong 3 ngày. Ngày đầu tiên cũng là ngày cuối cùng của năm cũ, người ta lau dọn sạch sẽ trong nhà ngoài ngõ. Ngày thứ hai, không được tính đến vì đó là giao thời giữa năm cũ và năm mới. Hội bắt đầu vào ngày cuối cùng với nhiều hoạt động tưng bừng khắp nơi. Ngày cuối cũng là ngày kết thúc tuần trăng. Trong 3 ngày này người Lào được nghỉ, không làm việc và cũng không có các hoạt động buôn bán.

Trong ngày Tết, vui nhất là ở các chùa chiền. Người ta cho nước thơm vào lọ, vào bình, vào xô, chậu... để tắm cho Phật, cho các nhà sư. Cầu mong trong năm mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ, đất nước thanh bình, thịnh vượng. Nước thơm là một hỗn hợp gồm nước, nghệ, bồ kết nướng, hoa và dầu thơm. Nước được ướp hương hoa hoặc hương liệu thiên nhiên. Về sau người ta còn cho cả kem và bột. Nước thơm sau khi tưới lên các tượng Phật sẽ được hứng lại đem về nhà để sức vào người làm phước.

Các phong tục trong Tết Bunpimay gồm có: Té nước, xây tháp cát, phóng sinh, buộc chỉ cổ tay

Tục té nước ngày Tết cổ truyền Bun Pi May của Lào còn có nét đặc trưng là trong những ngày này bất kể người lạ hay người quen, dù có hay không có địa vị trong xã hội cũng đều được gia chủ tiếp đón ân cần như nhau và được thể hiện sự quý trọng bằng những "gàu" nước dội lên khắp người khi đến thăm.

Ngày đầu năm, ngoài tục vẩy nước, té nước còn diễn ra nhiều trò vui gắn với sông nước, trong đó nhộn nhịp nhất là các cuộc đua thuyền. Hầu như tỉnh nào cũng mở hội đua thuyền. Mỗi vùng đều có các loại thuyền đua đẹp khác nhau, trang trí rực rỡ và độc đáo. Nhiều nhất là thuyền rồng, có thuyền độc mộc khoét từ một thân cổ thụ quý từ trên rừng già, có thuyền sơn son thếp vàng và khảm xà cừ những hoa văn lạ mắt. Những phường bạn chèo, mặc đồng phục đủ màu, mái chèo loang loáng...

Với tục lệ xây tháp cát: Cát được đưa đến sân chùa và trang trí trước khi dâng cho các nhà sư để tỏ lòng thành kính. Có hai cách để làm tháp bằng cát. Người ta có thể làm ngay tại bãi biển hoặc dâng cát cho chùa. Tháp cát được trang trí bằng cờ, hoa, dây vải trắng và vẩy nước thơm. Các tháp cát này tượng trưng cho núi Phoukaokailat nơi 7 con gái của Kabinlaphom, (Thần bốn mặt -vị thần có công đem những điều tốt lành cho dân Lào) thờ đầu cha mình và được dâng cúng để cầu sức khoẻ, hạnh phúc trong năm mới.

Nhiều gia đình trong những ngày này lại ra sông phóng sinh các con vật như cá, rùa, cua, chim… Ngày hội thả cá trên sông cũng tấp nập không kém các trò vui khác. Dân Lào coi việc phóng sinh cá trong ngày Tết, để ước vọng quê hương mình trù phú, trên cánh đồng lúa thơm, dưới sông nước đầy cá.

Ngoài ra, ngày tết khách đến xông nhà được chủ nhà buộc vào cổ tay một vòng chỉ xanh hoặc đỏ, biểu tượng hạnh phúc và sức khoẻ.

Nhưng có một lễ hội được đông đảo người Lào tham gia trong ngày Tết là rước nữ chúa xuân. Tập tục này có từ thời xa xưa. Nữ chúa xuân, là nàng sangkhane, một trong 7 người con gái của Thần bốn mặt. Theo đó, mỗi năm trước lễ hội, người ta thi hoa hậu để tuyển bảy cô gái đẹp người, đẹp nết, làm ăn chăm chỉ và giỏi giang. Ðến giờ hoàng đạo, đoàn rước nữ chúa xuân thật tưng bừng. Một cô gái đóng chúa xuân một tay gươm, một tay cầm vòng lửa cùng sáu người em gái xiêm y rực rỡ ngồi trên xe mui trần trang hoàng lộng lẫy. Trong đoàn diễu hành, người ta mang mặt nạ Pu Nhơ và Nha Nhơ, theo truyền thuyết là người đàn ông và đàn bà đầu tiên sinh ra dân tộc Lào. Ði theo đoàn rước là một dòng người nối tiếp nhau vừa đi, vừa múa hát trong tiếng trống vang lừng. Người bên đường tươi cười té nước mát cho đoàn hội, chúc nhau những lời đẹp nhất của năm mới.

THUÝ TRINH

 (Tổng hợp)

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục