Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Quốc khánh 2-9, mỗi người dân Việt Nam đều hướng về ngày lễ này với niềm hân hoan, hạnh phúc. Với các nghệ sỹ, đó còn ngày thực hiện các hành động thiết thực, sáng tạo ra các tác phẩm có ý nghĩa…
NSNA Nguyễn Thị Tuyết Minh, Phó Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội: Rưng rưng xúc động mỗi dịp 2-9
Những người già như chúng tôi thường hay hồi tưởng về quá khứ. Ấy cũng là cái hay của những người lớn tuổi để kể cho con cháu mình nghe về lịch sử dân tộc. Đó là những bài học lịch sử được truyền dạy trong gia đình bằng ký ức của chính những người đã đi qua những năm tháng gian khó. Dù không được chứng kiến thời khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, nhưng mỗi năm vào dịp 2-9, tôi lại cảm thấy rưng rưng xúc động.
Sử sách đã ghi lại hình ảnh của vị cha già dân tộc vào ngày 2-9-1945 tại quảng trường Ba Đình, Người đã thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời trịnh trọng tuyên bố với quốc dân đồng bào về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới của độc lập dân tộc. Tôi cảm thấy tự hào vì mình là một người con của nước Việt Nam độc lập và nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với một người sáng tác nhiếp ảnh, tôi luôn cố công tìm kiếm những hình ảnh đẹp trong ngày 2-9. Đặc biệt ở những năm chẵn thường có bắn pháo hoa. Tôi nhớ, 5 năm trước đây, để tìm được một vị trí đẹp “săn ảnh” trong đêm pháo hoa, tôi phải đi từ 16h chọn chỗ và ngồi chờ cho tới 21h mới được tác nghiệp. Nhưng bây giờ, việc chọn chỗ đơn giản hơn với sự xuất hiện của các quán cà phê, hay các tòa nhà cao tầng gần khu vực hồ Gươm.
Ngày 2-9 luôn là dịp bận rộn với giới sáng tác nhiếp ảnh. Bởi đó là dịp xuất hiện những hình ảnh “độc” mà ngày thường không có được như cờ hoa rực rỡ phố phường, gương mặt rạng rỡ của những người dân xuống đường đi vui chơi Tết Độc lập. Sự cất công ấy của tôi đã thu về những bộ ảnh phóng sự trong ngày Quốc khánh khá ưng ý. Và tôi đã lưu giữ những hình ảnh này rất cẩn thận để 10 năm hay 20 năm sau sẽ lấy ra cho con cháu mình xem như những bức ảnh tư liệu quý về một thời kỳ của đất nước.
Nhạc sỹ Trương Quý Hải: Bàn thờ gia đình còn là bàn thờ Tổ quốc
Những ngày 2-9, tôi thường nhớ tới Bác Hồ, người đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nhờ có Bác và sự hy sinh xương máu của lớp lớp thế hệ người Việt Nam, đất nước ta đã có được nền độc lập trọn vẹn. Ngày 2-9 cũng là ngày Bác đã rời xa cõi tạm để trở về bên cụ Carl Marx, Lenin.
Vì thế, đó là một ngày thiêng liêng và ý nghĩa đối với mỗi người dân Việt Nam. Giống như ông bà, bố mẹ vẫn thường làm vào ngày Tết độc lập, trong gia đình nhỏ của mình, tôi cũng thắp hương đặt lên bàn thờ chút hoa quả, chén nước và khấn anh linh của Bác, các bậc tiên liệt và các anh hùng liệt sỹ. Bàn thờ gia đình còn là bàn thờ Tổ quốc.
Dù không được chứng kiến không khí của ngày Quốc khánh cách đây 74 năm, nhưng tôi có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc và tự hào của những người Việt Nam khi ấy. Từ kiếp thân phận nô lệ, kể từ ngày 2-9-1945, mỗi người Việt Nam đã trở thành những người tự do. Đó là cảm xúc bao trùm trong ngày Quốc khánh năm ấy và kéo dài cho tới tận ngày nay và mai sau. Là một nhạc sỹ, ngày 2-9 còn đi vào âm nhạc của tôi trong trường ca “người Việt Nam”.
Tác phẩm gồm 5 chương, trong đó, chương đầu “Lời thề” được lấy cảm hứng từ chính bản bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lời thề đấu tranh cho độc lập, tự do mà hàng triệu người Việt Nam đã theo chân Bác, không ngại hy sinh xương máu, giành lấy hòa bình cho ngày hôm nay. Điều khá thú vị, tác phẩm đã được biểu diễn vào dịp khai trương con đường gốm sứ, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là tác phẩm tôi khá tâm đắc vì đã thể hiện được tình cảm của tôi đối với Bác và thể hiện được khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc của mọi thế hệ người dân Việt Nam.
Nghệ sỹ cải lương Kim Tử Long: Được sống trên đất nước mình, phục vụ đồng bào mình mới là điều có ý nghĩa
Với các nghệ sỹ cải lương chúng tôi, ngày Quốc khánh luôn rất bận rộn. Đó là ngày lễ trọng của đất nước và cũng là dịp để mọi người dân Việt Nam sum vầy bên gia đình hay tới các địa điểm vui chơi, giải trí. Với nhu cầu thưởng lãm các chương trình nghệ thuật tăng cao, nên vào ngày này, tôi thường đi diễn liên miên, tới nhiều vùng quê xa xôi. Nhiều người cứ nghĩ rằng, gia đình tôi chắc thiệt thòi nhiều lắm khi tôi thường xuyên vắng nhà vào các ngày lễ.
Tuy nhiên, tôi và các thành viên trong gia đình vẫn sát cánh bên nhau. Bởi chúng tôi còn là những người đồng nghiệp của nhau. Không chỉ có vợ chồng, con cái mà thậm chí là cháu của tôi cũng tham gia vào các chương trình biểu diễn 2-9. Được chứng kiến sự quan tâm dõi theo và lắng nghe các câu cải lương mùi mẫn của khán giả, đó luôn là niềm động vui lớn lao dành cho các nghệ sỹ cải lương.
Tôi vẫn nhớ, ngày còn bé, mỗi dịp 2-9 là những ngày gia đình tôi quây quần bên nhau và cùng nhau ra chợ Bến Thành xem pháo hoa. Trong cảm nhận của một cậu bé, những chùm pháo hoa trên trời thật lung linh và huyền ảo. Lớn lên chút nữa, tôi mới hiểu, vì sao vào ngày 2-9 thường bắn pháo hoa, bởi đó là một ngày vui của dân tộc, một ngày lễ mà mỗi người dân Việt Nam luôn tự hào và hân hoan chào đón.
Tôi hy vọng, vào dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh năm 2020, tôi sẽ có mặt tại Thủ đô Hà Nội và góp mặt trong lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Đó sẽ là một ngày Quốc khánh đáng nhớ trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của tôi với sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước cho những nỗ lực và cống hiến trong nghệ thuật. Mấy chục năm làm nghề, tôi đã từ bỏ nhiều lời mời sang nước ngoài sinh sống và hoạt động nghệ thuật. Với tôi, được sống trên đất nước mình, được mang tiếng hát phục vụ đồng bào và nhân dân mình mới thực sự là điều có ý nghĩa và cũng là tôn chỉ, mục đích làm nghề của tôi.
Nguồn anninhthudo