Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Tết Lùng Cùng ở Vụ Bản
2012-03-02 12:38:00

Mỗi năm sau Tết Nguyên đán cổ truyền, người dân xã Liên Minh (Vụ Bản, Nam Định) lại háo hức chờ đón Tết Lùng Cùng.

Tết Lùng Cùng hay còn có tên gọi khác là Tết Bánh khúc, Tết Vỗ bồ. Đây là dịp lễ truyền thống của nhân dân 3 thôn Thượng, Tâm, Tiền nơi đây, tổ chức vào mùng 1 tháng 2 âm lịch hàng năm, và “đặc sản” không thể thiếu tạo nên nét riêng của ngày Tết đặc biệt này chính là món bánh khúc. 
Sự tích của bánh khúc từ bao đời nay vẫn truyền rằng: khi xưa vùng đất này thuộc trấn Sơn Nam Hạ, sinh ra một vị tướng danh tiếng, tài giỏi, cả cuộc đời hiến dâng cho sự nghiệp bảo vệ bờ cõi dân tộc. Có một năm ông và quân sĩ không thể về ăn Tết cùng gia đình vì phải lo đánh dẹp giặc ngoại bang. Đầu tháng 2 (âm lịch) năm đó, đội quân do ông làm thủ lĩnh đã giành chiến thắng, ông quyết định tổ chức ăn mừng. Song vì đánh giặc dài ngày, lương thảo dự trữ không còn nhiều, ông đã nghĩ ra cách giã rau khúc để trộn thêm với gạo nếp làm thành chiếc bánh khúc để tế cáo trời đất, sau đó phát cho quân sĩ và nhân dân nơi đây.

Tết Lùng Cùng kể câu chuyện về sự tích bánh khúc

Cách Tết Nguyên đán tròn một tháng, Tết Lùng Cùng được tổ chức khá đơn giản. Với cái Tết này của người dân Vụ Bản, bánh khúc đóng vai trò như bánh chưng, bánh dày trong ngày Tết âm lịch. Đây được coi là ngày gia đình sum họp, quây quần bên đĩa bánh nghi ngút khói dâng lễ tổ tiên. Lúc này việc đồng áng vẫn an nhàn, đây cũng là lúc rau khúc mọc nhiều nhất.

Là một loài rau dại, rau khúc còn rất nhiều cách gọi khác, như rau tầm khúc, hay thử nhĩ thảo, thanh minh thảo… Hằng năm, cứ tới mùa xuân, nơi những cánh đồng chiêm đã gặt còn trơ gốc rạ, trên các bãi hoang, bờ ruộng, bờ cát ven sông hay dọc theo những con mương… rau khúc mọc lên mơn mởn. Theo bà Phạm Thị Yến (thôn Thượng, xã Liên Minh), rau khúc có hai loại là khúc tẻ và khúc nếp. Nhưng để làm bánh khúc thì nhất thiết phải chọn được lá khúc nếp. K húc nếp lá nhỏ, phiến dày, đốt ngắn cành mau và thơm nức, vừa ngắt lên tay đã thấy thoảng mùi hương nồng nồng, ngan ngát. Rau khúc tẻ cũng ăn được, nhưng làm bánh sẽ có mùi hôi và không có vị đặc trưng như khúc nếp nên không mấy ai dùng.

Mùa rau khúc kéo dài nhưng thời gian có rau ngon lại ngắn, rau khúc mọc nhiều và non nhất thường vào đầu tháng 2 âm lịch tới gần Tết thanh minh. Rau hái từ ruộng về phải chế biến ngay, đem rửa sạch rồi rút hết cọng già, sau đó luộc sơ, cho vào cối giã nhuyễn. Quết xong rau khúc dẻo quánh, có màu xanh đậm và mùi thơm đặc trưng, hơi hắc. Gạo tẻ và nếp phải được ngâm từ đêm hôm trước, cứ hai phần gạo nếp lại cho thêm một phần gạo tẻ.

Như rất nhiều món bánh dân dã khác, nguyên liệu làm bánh khúc chỉ gồm: gạo, đỗ xanh, thịt lợn cộng với gia vị. Rau khúc đã nhuyễn được đem trộn lẫn với bột gạo, sau đó đem nặn thành bánh khúc, bên trong những chiếc bánh thường có nhân là đỗ xanh giã mịn và một miếng nhỏ mỡ lợn đã được xào thơm với hành. Thịt mỡ phải là thịt mỡ gáy để bánh ăn vừa đủ ngậy mà không bị ngán. Đặc biệt có một loại gia vị không thể thiếu khi làm bánh khúc dịp Tết Lùng Cùng, đó là hạt tiêu. 
Bánh khúc có ngon hay không phụ thuộc rất nhiều vào phần nhân đậm đà, bùi béo này. Hương hạt tiêu đậm đà quyện với vị rau khúc độc đáo tạo thành vị ngon riêng biệt của bánh khúc nơi đây. Bánh mới nặn xong lớp vỏ còn dẻo dính sẽ được lăn qua một lớp gạo nếp đã được ngâm kỹ, thường gọi là áo bánh; sau đó gói hờ vào tấm lá chuối tươi rồi xếp chồng lên nhau, đem đi đồ trong chõ xôi. Theo lời bà Yến, ngoài tác dụng tránh để những lớp bánh dính lại với nhau thì khi hấp bánh, lá chuối sẽ khiến bánh khúc có một hương vị đặc trưng rất dân dã. Bánh khúc ngon nhất khi ăn nóng và có thể để đến hai ngày mà vỏ bánh vẫn mềm, dẻo dai.

Cứ mỗi ngày đầu tháng 2 âm lịch hàng năm, nhân dân nơi đây lại không quên làm bánh khúc dịp Tết Lùng Cùng, vừa là lễ tri ân công đức tổ tiên và cũng để gìn giữ một món ăn ngon, dân dã truyền thống của dân tộc.

Đ.T (st)

Từ khóa:
Tin liên quan