Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tết phương Nam nhớ tết Bắc
Thứ tư: 16:01 ngày 02/02/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê đồng bằng sông Hồng, nơi ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi. Biết bao nét đẹp văn hoá, tập quán quen thuộc nơi vùng quê đã ăn sâu vào tâm trí, trở thành thói quen thường nhật… Tối 30, cả nhà quây quần bên mâm cơm, ngồi ôn lại kỷ niệm một năm đã qua. Sau tất cả vẫn là bữa cơm gia đình ấm cúng.

tet phuong nam nho tet bac

Khi trưởng thành vào Nam lập nghiệp, năm đầu tiên, tôi ăn tết xa nhà. Cảm xúc ấy vẫn còn nguyên vẹn, con người tôi ở phương Nam nhưng tâm hồn tôi hướng về phương Bắc. Dù hoa mai, hoa cúc có khoe vàng rực rỡ thế nào, đối với tôi, nó không thể bằng hoa đào e ấp trong mưa phùn gió bấc. Dù món ăn cao sang mĩ vị của phương Nam cũng không sánh được với món thịt đông của mẹ.

Sau nhiều cái tết xa nhà, khi tôi hoà nhập với nhịp điệu năng động của đất phương Nam, khi trái tim đã trót yêu quê hương thứ hai, tôi mới ngỡ ra sự so sánh đó thật ngớ ngẩn, khập khiễng, bởi mỗi nơi đều có phong vị tết khác nhau, mang đến cho con người cảm xúc riêng.

Nhắc đến Tết phương Nam, chúng ta nghĩ đến sắc vàng của hoa mai, hoa cúc, cũng như thời tiết đặc trưng của vùng đất này… Nắng vàng trải khắp lối. Trong cái nắng hanh hao ấy, hoa mai khoe sắc rực rỡ góc vườn thênh thang.

Có thể do thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất, sản vật luôn trù phú, quanh năm hai mùa mưa nắng, chưa từng có bão… cuộc sống nhẹ nhàng nên tính cách con người phóng khoáng, bộc trực và có đôi chút xuồng xã.

Không giống hoa đào phải chịu gió bấc, mưa phùn… cũng như người miền Bắc luôn trọng lễ nghĩa, kín đáo, nho nhã, e ấp. Đến với gia đình người miền Nam, bạn thoải mái như đang ở nhà, đừng câu nệ mà xa cách.

Món ăn bình dân của ngày tết ở ngoài Bắc không thể không nhắc đến món thịt đông. Nồi thịt đông nấu từ chân giò, bì heo, thịt mỡ, thêm mộc nhĩ, hành lá… Món ăn bình dân, nhưng nấu thành công thì không đơn giản, phải đảm bảo tỷ lệ nguyên liệu để tạo ra chất keo dính trong suốt, khi nấu xong phải mang ra ngoài sân hong với sương đêm giá rét để món ăn đông lại.

tet phuong nam nho tet bac

Nhớ ngày xưa chưa có tủ lạnh, mỗi lần nấu xong, bà nội tôi thường múc vào từng bát tô, rồi mang chiếc mâm đồng ra ngoài sân phơi qua đêm. Ngày hôm sau chỉ cần úp ngược chiếc bát ra đĩa là tạo ra món ăn đẹp mặt.

Bà nội giải thích: Món thịt đông không đơn thuần là món ăn, mà còn mang ý nghĩa phong thuỷ. Bà bảo việc phơi sương như vậy món thịt mới hấp thụ được tinh hoa trời đất. Chất keo như một sự cam kết ngầm về sự gắn kết tình thân giữa các thế hệ trong gia đình.

Món thịt đông với màu vàng của chân giò thui rơm, màu trắng của thịt mỡ, màu đo đỏ của thịt nạc, màu đen của mộc nhĩ, màu xanh của hành ngò còn thể hiện cho ngũ hành tương quan, qua đó, thể hiện ước muốn của người dân vùng quê đồng bằng chiêm trũng muốn trời đất luôn thuận hoà, mùa màng được bội thu, gia đình được yên ấm.

Nghe bà nói về món ăn bình dân mà tôi có cảm giác như ở tầm ẩm thực cao cấp, và chỉ có những đầu bếp chuyên nghiệp mới có thể tạo ra. Mà đúng thôi, chỉ có những người phụ nữ khéo léo và tinh tế, quanh năm tần tảo việc đồng áng, rồi ngày ngày thổi ngọn lửa hồng ở bếp lên để nấu những bữa ăn ngon, lo cho chồng, cho con, mới nấu ra món ăn có tầm nghệ thuật như thế. Các bà, các mẹ cũng chính là chất keo dính kết vô hình, giúp gia đình luôn gắn kết, yêu thương.

Với người miền Nam, Tết đến, các bà, các mẹ sẽ nấu món thịt kho tàu. Nguyên liệu từ thịt heo, trứng vịt hoặc trứng gà, nước dừa… Miếng thịt mềm lục có cả màu đỏ au của thịt nạc, trong của mỡ, nâu nâu của bì hầm nhừ, sóng sánh vàng ươm của nước màu chưng đường, kèm vị bùi của nước dừa xiêm, vị mặn của nước mắm đã làm thanh bằng đường, thi thoảng có thêm vị của chút xì dầu, điểm xuyết thêm mấy hột vịt luộc mà nước thịt ngấm đều từ trong lòng đỏ đến lòng trắng, đặt cạnh bát cơm trắng thơm nức trên bàn thờ ông bà, bên cạnh đĩa dưa chua, dường như đã thành truyền thống trong mâm cơm cúng, tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Và bạn yên tâm là nếu không biết nấu, các cô, các bác hàng xóm múc cho bạn một tô to chan chứa như tình cảm họ dành cho bạn.

Bữa cơm ngày 30 Tết, không thể thiếu món khổ qua nhồi thịt. Thực ra người miền Nam có xu hướng đọc chệch âm… Tuy mâm cơm của người miền Nam không cầu kỳ như người miền Bắc, nhưng mang đậm chất phương Nam thắm đượm và nồng hậu, nhiệt thành mà không quá cầu kỳ. Bữa cơm tất niên có thể ca vài câu vọng cổ quên đi sự đời, quên đi phiền lo năm cũ. Lời hát nghe da diết như tấm lòng của người dân nơi đây.

Sau nhiều năm ăn tết ở phương Nam, tôi nhận ra rằng cuộc sống nên thả bớt đi lo toan, phiền muộn, bỏ bớt lễ nghi rườm rà. Người miền Nam có xu hướng chơi tết nhiều hơn ăn tết. Đó là khoảng thời gian mọi người được nghỉ ngơi, được tận hưởng trọn vẹn những giây phút bình yên bên gia đình, người thân. Ngoài Bắc, Tết đến là sum vầy sau một năm xa cách, là dịp để nhắc nhau giữ trọn đạo lý tốt đẹp của dòng họ, gia đình. Nhưng chúng ta cũng đừng quá chú trọng đến lễ nghĩa để nặng gánh lên đôi vai của những người trẻ.

Tết vui hay buồn đều sinh ra từ tâm. Khi tình yêu đủ lớn, ở đâu, chúng ta cũng có một cái tết ấm áp và trọn vẹn. Nhẹ nhàng thảnh thơi đón nhận năm mới đầy hân hoan.

Nguồn Báo Xây dựng

Tin cùng chuyên mục