Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tạm dừng đến trường, không ngừng việc học:
Thách thức lớn, nhưng không thể không làm
Thứ ba: 23:51 ngày 07/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðây là năm thứ ba liên tiếp, hoạt động giáo dục trong nhà trường bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Tuy nhiên, so với hai năm học trước, năm học này khó khăn hơn rất nhiều bởi tính chất nghiêm trọng của đại dịch.

Trẻ mầm non không học trực tuyến mà kết nối với phụ huynh để giáo dục trẻ tại nhà. Ảnh: Huy Hoàng

Hôm nay, 8.9, học sinh Tây Ninh tựu trường từ xa. Ngày 13.9 (thứ 2 tuần sau) học sinh bước vào năm học mới, sau lễ khai giảng. Căn cứ diễn biến của dịch bệnh Covid- 19 và kế hoạch của ngành Giáo dục, năm học này chưa thể dạy và học trực tiếp tại trường.

Thay vào đó, dạy học trực tuyến được lựa chọn như một giải pháp để duy trì hoạt động giáo dục theo tinh thần “tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc học”. Ðây là năm thứ ba liên tiếp, hoạt động giáo dục trong nhà trường bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Tuy nhiên, so với hai năm học trước, năm học này khó khăn hơn rất nhiều bởi tính chất nghiêm trọng của đại dịch.

Khối trung học phổ thông: tạm ổn

Ông Huỳnh Văn Nghĩa- Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, huyện Bến Cầu thông tin, nhà trường đã và đang chuẩn bị mọi điều kiện để dạy học trực tuyến theo kế hoạch của ngành, chỉ đạo của Sở GD&ÐT.

“Nhà trường đã họp hội đồng sư phạm để lên kế hoạch chi tiết cho việc dạy và học. Vừa qua, giáo viên, ban giám hiệu được tập huấn để dạy online. Chúng tôi đã chia lớp và phân công giáo viên chủ nhiệm, đến ngày 13.9, trường khai giảng năm học bằng hình thức online”- ông Nghĩa cho biết.

Ðể hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường tặng sách giáo khoa mới cho 100 em lớp 10. Ðối với học sinh lớp 11, 12 có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường cho mượn sách, cuối năm trả lại.

Một thách thức đặt ra khi học qua mạng là học sinh phải có điện thoại thông minh hoặc máy tính. “Ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, không phải gia đình nào cũng có điều kiện mua máy móc, thiết bị điện tử cho con em mình.

Nhà nào có hai hoặc ba đứa con trong độ tuổi đi học thì càng khó khăn hơn. Chúng tôi đã tính đến phương án ghép học sinh không có máy tính, điện thoại thông minh có thể sang nhà bạn bè để học tạm. Tuy nhiên, điều này không ổn, vì dịch bệnh phức tạp, việc đến nhà để học cùng nhau rất khó thực hiện”- ông Nghĩa nói.

Vấn đề kỹ thuật, đại diện nhà trường thông tin, việc chuyển tiết học qua mạng cũng có nhiều trục trặc, vì mỗi môn học, mỗi nhóm zalo có đường dẫn riêng. Do đó, khi học xong tiết học này, học sinh phải thoát ra để vào đường dẫn khác.

“Có thiết bị là điều kiện cần nhưng chưa đủ, để cải thiện phần nào chất lượng dạy học qua mạng, ý thức của người học rất quan trọng”- ông Nghĩa cho biết thêm. Ðể hạn chế tình trạng này, nhà trường yêu cầu giáo viên theo dõi chặt chẽ thái độ học tập của học sinh.

Một giáo viên của Trường THPT Tây Ninh dạy trực tuyến tại nhà cho học sinh trong kỳ nghỉ dịch Covid-19, năm học 2020-2021.

 “Trường chúng tôi đang được trưng dụng làm nơi điều trị cho người bệnh. Do đó, theo tinh thần chung, chúng tôi chuẩn bị cho dạy học trực tuyến”- ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ, huyện Châu Thành thông tin.

Ðến thời điểm này, hầu hết học sinh lớp 10 (từ lớp 9 lên) đã được chia lớp, nhà trường cho các em kết nối mạng zalo cùng các nền tảng công nghệ khác. Ông Hùng cho rằng dù khó khăn cũng phải triển khai dạy học trực tuyến, không thể chờ đến khi hết dịch, vì không biết chờ đến bao giờ.

“Dẫu sao, đối với cấp THPT, việc dạy học trực tuyến không quá vất vả, vì các em học sinh tương đối lớn; còn cấp tiểu học và trung học cơ sở khó khăn thật sự”- ông Hùng nhìn nhận. Việc mua sách giáo khoa, do đang trong thời gian giãn cách, nhà trường thông báo cho học sinh liên hệ đặt mua tại hệ thống bưu điện để nhân viên giao sách tận nhà.

“Ngày 13.9, theo chỉ đạo, chúng tôi khai giảng năm học bằng hình thức trực tuyến và dạy học qua mạng cho học sinh lớp 10, 11, 12. Khi nào tình hình thật ổn, an toàn cho cả thầy lẫn trò mới chuyển sang học trực tiếp.

Khó khăn thật sự nhưng không thể lùi thời gian năm học, vì nếu chờ không biết đến bao giờ”- ông Nguyễn Tấn Tài, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, thị xã Hoà Thành nói.

Khối tiểu học, trung học cơ sở: chồng chất nỗi lo

Do đặc điểm lứa tuổi cũng như chương trình giáo dục, việc dạy học trực tuyến ở cấp tiểu học và trung học cơ sở khó khăn hơn rất nhiều so với cấp THPT. Làm thế nào để duy trì được việc học, huy động được học sinh còn nhỏ tuổi theo học và biết cách học trực tuyến, làm quen với thiết bị điện tử là cả một vấn đề.

 “Chúng tôi đã cho cơ sở thu thập, thống kê xem có bao nhiêu phần trăm học sinh tiểu học, trung học cơ sở đủ điều kiện học trực tuyến. Số liệu hiện tại cho thấy, ở cấp tiểu học, khoảng 50% học sinh có thiết bị học trực tuyến, cấp trung học cơ sở hơn 78%”- đại diện Phòng GD&ÐT Gò Dầu thông tin kết quả khảo sát từ xa về điều kiện học trực tuyến của học sinh tại địa phương này.

Thiết bị là điều kiện tiên quyết để học sinh học trực tuyến, điều này cần nhưng chưa đủ. “Trước mắt, có lẽ nhà trường chỉ củng cố kiến thức, giới thiệu chương trình, sách giáo khoa chứ việc dạy học bài bản như dạy trực tiếp chưa thể thực hiện được, vì học sinh tiểu học, đặc biệt là lớp 1 còn quá nhỏ”- vị này bày tỏ sự lo lắng.

Ðối với sách giáo khoa, tại Gò Dầu, đến thời điểm này, phần lớn học sinh đã mua được sách. Như nhiều địa phương khác, tại Gò Dầu có một số trường học được trưng dụng cho việc phòng, chống dịch. Do học sinh chưa tới trường nên điều này không ảnh hưởng gì.

“Khó khăn thật sự nhưng tinh thần chung, ngành vẫn triển khai dạy học trực tuyến theo kế hoạch”- đại diện Phòng GD&ÐT Tân Châu cho biết. Theo phân tích, cái khó nhất trong việc học trực tuyến là nếu một gia đình có từ hai con trở lên đang trong độ tuổi đi học, việc mua máy tính, điện thoại thông minh không hề đơn giản vì phụ huynh phải chi một khoản tiền không nhỏ.

“Không chỉ thiết bị, để học sinh có thể học trực tuyến, đòi hỏi phải có phụ huynh kèm cặp, vì học sinh tiểu học, hay học sinh lớp 6, 7 ở trung học cơ sở còn nhỏ, phần lớn chưa biết sử dụng máy tính xách tay, trong khi phụ huynh còn làm việc.

Ðặc biệt, đối với học sinh lớp 1, lớp 2, do đặc điểm lứa tuổi cũng như yêu cầu của chương trình, giáo viên phải luyện cho các cháu tập viết, kể cả cách cầm bút, cách phát âm chuẩn. Ðiều đó chỉ có thể thực hiện khi dạy học trực tiếp”- đại diện Phòng GD&ÐT Tân Châu nêu những thách thức trong việc học qua môi trường mạng.

Ðiều đặc biệt, ở Tân Châu có một bộ phận học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số định cư ở nhiều xã. Học trực tuyến đối với những học sinh này là cả một vấn đề. Ðại diện Phòng GD&ÐT Tân Châu cho biết, những khó khăn, thách thức nêu trên đều được tính đến, song trước mắt không còn cách nào khác.

Hiện tại, ngành Giáo dục địa phương này, theo chỉ đạo của cấp trên, đang thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: chuẩn bị dạy trực tuyến và dạy trực tiếp khi điều kiện cho phép.

Trước ý kiến đề xuất, do điều kiện đặc biệt, có thể xem xét tạm thời cắt một số môn học, chỉ tập trung dạy những môn cơ bản nhất, các môn còn lại khi nào điều kiện cho phép sẽ dạy sau, đại diện Phòng GD&ÐT Tân Châu cho rằng, về nguyên tắc, không thể thực hiện được.

Học sinh THPT học trực tuyến.

 “Chúng tôi chỉ đạo giáo viên cố gắng ưu tiên cho những môn học cơ bản nhất, nội dung trọng tâm nhất, điều tiết thời lượng giữa môn học này với môn học kia, đó cũng là một cách làm hợp lý”.

Sách giáo khoa đang là vấn đề đáng quan tâm ở Tân Châu, hiện tại nhiều học sinh vẫn chưa có sách. Về vấn đề này, đại diện Phòng GD&ÐT Tân Châu cho biết, “sách đã về đến trường nhưng đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhà trường chưa thể đưa sách đến nhà học sinh.

Trước mắt, khi dạy học trực tuyến, nhà trường, giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa điện tử, phần nào đáp ứng được tài liệu cho học sinh. Sau khi hết giãn cách, sách sẽ được đưa tới nhà các em”.

Tại huyện Dương Minh Châu, công tác tuyển sinh lớp 1, lớp 6 đã xong, kể cả việc xếp lớp. Riêng bậc học mầm non chưa hoàn thành tuyển sinh, vì “đa số phụ huynh còn ngại tình hình dịch bệnh, chưa đăng ký, phải chờ hết dịch bệnh bậc học này mới ổn”.

Học trực tuyến, đối với tiểu học, trung học cơ sở đang gặp nhiều khó khăn. Kết quả khảo sát, thăm dò ý kiến của ngành giáo dục địa phương này cho thấy, chỉ khoảng 40% học sinh “đủ điều kiện học trực tuyến”.

Như một mẫu số chung, vị đại diện Phòng GD&ÐT chỉ ra, có những gia đình có từ hai con trở lên trong độ tuổi đi học, việc mua sắm thiết bị điện tử là cả một vấn đề. “Gia đình nào có nhiều con đang đi học, họ chỉ đăng ký đủ điều kiện học cho một trong số đó, vì không đủ máy tính”- đại diện Phòng GD&ÐT Dương Minh Châu thông tin kết quả thăm dò phụ huynh.

“Máy tính đang tăng giá, phân khúc trung bình trước đây chỉ 11 triệu đồng, nay lên 16 triệu đồng, nếu mua hai cái máy hết hơn 30 triệu đồng”. Về mặt kỹ thuật, nhiều học sinh chưa biết sử dụng máy tính, ngay cả khi biết sử dụng cũng cần có cha mẹ ngồi bên cạnh, may ra các cháu mới có thể học được”- lãnh đạo Phòng GD&ÐT huyện Dương Minh Châu nêu.

Hiện nay, sách giáo khoa lớp 1, lớp 2, lớp 6 đã đến tay học sinh trong huyện. Tuy nhiên, các lớp 3, 4, 5, 7, 8, 9 chưa có. “Chúng tôi đang xin chủ trương của cấp trên cho phụ huynh đăng ký mua sách gửi danh sách đến nhà trường.

Phụ huynh nào có nhu cầu thì đăng ký, sau đó nhà phân phối chuyển về nhà trường. Từ đây, nhà trường phối hợp với ấp, khu phố, tổ dân cư tự quản đem sách đến nhà cho học sinh. Không chỉ sách giáo khoa, tập viết (vở) cũng chưa có, dù học trực tuyến thì học sinh cũng phải chép bài.

Nếu phụ huynh đồng ý và cấp thẩm quyền cho phép, chúng tôi sẽ mua hộ sách cho học sinh để các em có sách vở phục vụ cho việc học (theo đúng giá gốc). Ðây là giải pháp để sách có thể sớm đến tay học học sinh, không có sách, không thể học” - lãnh đạo Phòng GD&ÐT huyện Dương Minh Châu nói.

Việc tổ chức học trực tuyến, lãnh đạo Phòng GD&ÐT huyện Dương Minh Châu cho biết sẽ tổ chức lớp học theo từng khối, trước mắt không chia lớp. Ví dụ, mỗi khối có 200 học sinh thì chia thành hai nhóm, mỗi nhóm 100 học sinh, không chia nhỏ hơn vì như thế khó bố trí giáo viên, thời gian.

Trước mắt, ngành chỉ đạo giáo viên ưu tiên cao nhất cho hai môn Tiếng Việt và Toán, những môn học còn lại sẽ có điều tiết, điều chỉnh sau. “Khó khăn không sao kể xiết, nhưng dù khó đến mấy cũng phải làm.

Chỉ hy vọng dịch bệnh sớm chấm dứt để thầy trò được tới trường. Khi hoạt động giáo dục được thực hiện trực tiếp, chúng tôi cố gắng hết sức để củng cố kiến thức cho học sinh. Trước mắt, mong các bậc phụ huynh phối hợp tốt với ngành để việc học trực tuyến của con em mình hiệu quả hơn”.

Một buổi dạy học trực tuyến.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học

So với hai năm học trước (diễn ra trong điều kiện dịch bệnh), năm học thứ ba này, ngoài những điều trình bày như trên, khó khăn là toàn ngành phải dạy học trực tuyến ngay từ ngày đầu tiên của năm học. Trong đó, ba lớp đầu cấp gồm lớp 1, lớp 6 và lớp 10, thầy trò chưa biết nhau. Do vậy, việc liên lạc với gia đình học sinh và các em gặp nhiều bất tiện.

Một giáo viên dạy cấp THCS ở huyện Châu Thành được giao chủ nhiệm lớp 6 (lớp đầu cấp) cho biết, năm nay, ngành sử dụng phần mềm Google meet dạy trực tuyến. Ðể sử dụng phần mềm này cho việc học, mỗi học sinh phải tạo lập một địa chỉ gmail cho cá nhân. Ðể làm được điều đó phải có máy tính hoặc điện thoại thông minh, nhưng, thực tế không phải học sinh nào cũng có điện thoại thông minh hoặc máy tính, đặc biệt là vùng nông thôn, biên giới.

Theo giáo viên này, sau nhiều ngày liên lạc, anh cũng chỉ kết nối điện thoại được với chưa quá nửa số học sinh. Nhiều em cho biết chỉ cha mẹ có điện thoại, còn em chưa có, do đó, không thể tạo địa chỉ gmail để nhận tài liệu hoặc vào lớp học online. Không còn cách nào khác, thầy giáo này, ngoài việc sử dụng số điện thoại cá nhân của mình, anh còn phải “huy động” số điện thoại của vợ, con để tạo địa chỉ thư điện tử cho học trò.

Một vấn đề khác không thể không đề cập, đó là trình độ công nghệ thông tin của giáo viên. “Dạy học qua mạng yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật của cả người dạy lẫn người học. Dù được “đẩy mạnh” trong hai năm học vừa qua nhưng tinh thần chính vẫn là giáo viên giao bài tập cho học sinh làm.

Trong mỗi bài học, phần bài tập tuy quan trọng (để đánh giá học sinh), nhưng cũng chỉ là một phần của bài học. Trước khi giao bài tập cho học sinh, giáo viên phải giảng bài, học sinh tiếp thu, sau đó mới ứng dụng để giải bài tập.

Việc giảng bài qua mạng thực tế hiệu quả không cao. Có hai nguyên nhân cơ bản: dạy qua mạng hoặc xem qua truyền hình, chỉ là hình thức dạy học một chiều (từ phía người dạy), tính tương tác thấp hoặc không có; người dạy không kiểm soát được học sinh như học tập trung, trực tiếp tại lớp học.

“Có học sinh mở máy tính lên rồi để đó, giáo viên đâu làm gì được”- ý kiến nêu. Mặt khác, tuy mạng internet đã phổ biến nhưng không phải gia đình nào, học sinh nào cũng có điều kiện để học qua mạng. Học qua mạng đòi hỏi tính tự giác cao của người học, trong khi đại đa số học sinh vẫn học theo kiểu truyền thống, thụ động” - một giáo viên bày tỏ ý kiến.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động giáo dục đã được triển khai từ lâu, tuy nhiên, dạy học qua môi trường mạng là một vấn đề mới, còn nhiều việc phải làm và cũng còn rất lâu nữa, giáo dục Việt Nam mới có thể vận hành dạy học trực tuyến một cách trơn tru, đúng nghĩa.

Cách nay vài ngày, trong một bài viết về số hoá trong ngành Giáo dục đăng trên báo VietNamNet, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Chuyển đổi số giáo dục thì đầu tiên là cần một hạ tầng số băng thông rộng đến từng người dân và từng hộ gia đình.

Hiện nay còn gần 2.000 điểm lõm sóng trên toàn quốc, Bộ TT&TT đặt mục tiêu hết năm 2021 sẽ không còn điểm lõm sóng. Cuối năm nay, các tỉnh đang phấn đấu mỗi hộ gia đình ít nhất một điện thoại thông minh, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa.

Sang đầu năm 2023 thì 100% người dân sẽ chuyển sang dùng điện thoại thông minh. Trước năm 2025, cơ bản mỗi hộ gia đình có một đường internet cáp quang siêu băng rộng”. Những mục tiêu được nêu lên trong đoạn trích không thể nói là viển vông.

Nhưng, để trở thành hiện thực cũng không phải chuyện giản đơn. Hiện tại, do dịch bệnh đang nghiêm trọng, một số tỉnh, thành phố quyết định chưa dạy học trực tiếp nhưng cũng tạm hoãn dạy trực tuyến, vì không bảo đảm chất lượng.

Việt Ðông

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh