Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Mùng 7 tết, xuất hành lên ấp Suối Dộp, ấp xa nhất của xã Thái Bình, thuộc huyện Châu Thành, mới thấy vùng quê này thật đẹp và bình yên. Chợt nhớ đến tên xã, tên thôn này, có lẽ là khát vọng của ông bà ta thời mở đất.
Cánh đồng Suối Dộp ngày mùng 7 tết.
Trên thực tế, Thái Bình thôn được thành lập từ thời xa xưa chỉ là một miền đất mênh mông. Cái thôn ấy đã từng ôm trùm cả phần lớn huyện Tân Biên, một phần nội thị và xã Bình Minh thuộc thành phố Tây Ninh hiện nay. Thôn ấy cũng bao trùm cả xã Đồng Khởi thuộc huyện Châu Thành. Và dù đã từng bị “chia năm xẻ bảy”, thì xã Thái Bình hôm nay cũng còn rộng tới 28,99km2, tức là lớn gấp gần 8 lần phường Hiệp Ninh của thành phố Tây Ninh. Đất nông nghiệp vẫn là cơ bản, chiếm tới hơn 65% diện tích tự nhiên của xã.
Theo một báo cáo của xã Thái Bình lập tháng 4.2014 thì dân số là 15.054 người với 3.973 hộ gia đình. Toàn xã có 6 ấp, trong đó những ấp gần thành phố Tây Ninh nhất, trải ra trên lộ 781 là Bình Phong, Bình Long, Suối Muồn và Tam Hạp. Ngoài ra là ấp Bình Hoà ở khu Trại gà cũ và ấp Suối Dộp gần như biệt lập, giáp giới xã Hảo Đước.
Ngày nay, muốn đi xem xét cho “đã con mắt” khắp các thôn ấp của xã Thái Bình cũng phải mất khoảng một ngày trời ruổi rong bằng xe máy. Mà đi rồi mới thấy cái tên Thái Bình thôn cho đến tận hôm nay thật sự là “nghiệm đúng”. Nghiệm đúng với mơ ước của các thế hệ tiền nhân từ hai, ba trăm năm trước thời mở đất lập làng.
Vâng! Theo lời giới thiệu của một chuyên viên văn phòng UBND xã thì nên tới con đường từ cổng văn hoá ấp Suối Dộp chạy sang xã An Bình. Đơn giản, vì đấy là con đường mới được làm từ phong trào xây dựng nông thôn mới. Cũng chỉ là đường trải đá, nhựa thấm nhập rộng chừng năm mét thôi! Nhưng quả nhiên nó cho ta cảm nhận không khí làng quê thật đẹp đẽ yên bình.
Ngôi nhà đáng để ý ở ngay đoạn đầu đường là nhà của bà Hai Nên. Khuôn vườn vuông vắn gọn gàng bao trong lớp tường rào xây bằng gạch đỏ. Nhà kiểu chữ đinh xưa cũ với mái ngói nâu đen, tường quét ve xanh. Đường từ cổng vào láng vữa xi măng, sân có một mảnh trước thềm lát gạch tàu tươi đỏ. Đáng chú ý là vì tất cả các diện tích đất còn lại chỉ vài trăm mét vuông nở đầy bông vạn thọ. Bà Hai móm mém cười bảo: thì năm nào giáp tết cũng trồng bông để bán tết, nhất là dịp hăm ba tháng Chạp. Nghĩ lại giao thừa năm nay, chợ hoa bị ế khá nhiều, nhất là hoa vạn thọ. Chỉ tội cho các công nhân dọn rác, các xe đẩy của họ lúc nửa khuya chất ngất hoa. Dĩ nhiên, các chủ bán hoa cũng thật đắng lòng khi nhìn cảnh ấy. Bài toán về cân đối cung cầu nông sản đến nay vẫn thật xa vời…
Nói chuyện này, vì theo con đường liên xã đi vào, ta còn thấy rất nhiều quang cảnh liên quan đến chuyện nông dân ta làm nông sản. Nơi thì dòng kênh TN17 thẳng tắp đầy ắp nước. Nơi thì lúa Đông Xuân đang xanh thì con gái mộng mơ. Chỗ lại là những ruộng rau màu được chăm nom kỹ lưỡng, với bạt nylon đen trải luống, rãnh nước, giàn leo chu đáo nên lá ngọn thật xanh điểm lấm tấm hoa vàng. Năm nay là năm con gà, lại thấy những vườn gà đặc sản. Thật ra, đây chỉ là những vườn cây keo, tràm người ta quây lưới lại để nuôi gà. Chính là thứ gà vườn, hay “gà đi bộ” ngon nức tiếng đất Tây Ninh, chân mỏ vàng ươm, bộ lông vàng đỏ, con trống có thêm bộ mào rực rỡ. Dấu vết công nghiệp chỉ có duy nhất ở mấy bình nước tự động bằng nhựa. Tuyệt không thấy bóng con người.
Ấp sâu, xa nhất ở Thái Bình là Suối Dộp. Muốn lên phải xuyên qua thị trấn Châu Thành. Từ ngã tư đầu Thị trấn rẽ phải qua hơn 2 cây số đường Đồng Khởi Tua Hai đã trải thảm bê tông nhựa. Sâu, xa với xã nhưng lại cặp kè bên Thị trấn nên cơ sở hạ tầng khá tốt. Hương lộ 3 đưa ta từ ngã ba Sọ ngược lên tới Cầu Da là qua bên xã Hảo Đước. Dọc đường nhựa êm thuận ấy, thấy nhiều cơ sở công nghiệp chế biến đã mọc lên cạnh những cánh đồng trồng củ mì và ớt. Đang mùa xuân nên én liệng đầy trời trên các nhà máy và bãi phơi xác mì mênh mông trải rộng bên đường.
Có cả một cụm trường học khang trang. Trung tâm GDTX Châu Thành cùng Trường trung học phổ thông Châu Thành với 3 khối nhà 3 tầng, mái ngói đỏ au đứng kế bên ngôi Trường tiểu học Suối Dộp cũ kỹ chỉ một dãy nhà tôn duy nhất. Sau một mùa thất bát bởi lũ dài ngày năm trước, bà con Suối Dộp lại đang tiếp tục trải xanh đồng ruộng với tất cả sự cần cù nhẫn nại cùng những lối canh tác tự cải tiến, mày mò. Như lối tưới phun tiết kiệm trải ống nhựa dọc theo các luống mì phun lên những tia nhỏ li ti. Và thành quả thu hái bán chạy trong dịp tết chính là những cánh đồng ớt chi chít trái, đỏ tươi từng cành, ngọn.
Trò chuyện với Chủ nhiệm HTX thuỷ lợi Suối Dộp mới biết thêm, ngoài tuyến kênh cấp một TN17 chảy qua Suối Dộp còn 2 tuyến cấp hai và hơn 40 tuyến nội đồng. Vậy nên hạn thì chống được nhưng lũ dài ngày như năm qua thì vô phương chống đỡ. Còn may là nhiều năm qua mới bị một lần. Văn phòng HTX chung với văn phòng ấp ở ngay ngã ba Sọ. Hỏi ông Chủ nhiệm nguồn gốc cái tên nghe thấy đã rợn người ấy, ông bảo: chuyện có từ hồi xa xưa lắm! Hương lộ 3 cũng là đường đi lên chợ của bà con làng Hảo Đước.
Nơi đây có nhiều cọp, nên thỉnh thoảng cọp lại vồ người ăn thịt, bỏ sọ lại. Từ đó mà thành tên gọi, để người sau cảnh giác lúc đi qua. Liệu có phải vì lý do này không, mà ngay sau văn phòng ấp, cách chừng vài chục mét có một ngôi miếu Ngũ Hành, trong một gian thờ nhỏ, có ban chính thờ ông Cọp? Mặt trước ban vẽ hình ba ông cọp hẳn hoi, trông khá dữ dằn. Trên ban cũng đầy đủ bát nhang, chân đèn, lọ đĩa chưng bông trái chung quanh hai tấm bài vị đỏ tươi.
Ngã ba Sọ nay đã thành ngã tư. Là bởi xã đang hối hả thi công tuyến đường mới từ đây chạy thẳng về Tam Hạp, Suối Muồn bắt vào đường 781. Để sau này ta có thể đi dọc suốt xã Thái Bình mà không phải mượn đường qua Thị trấn. Đường mới trải tới đá dăm nhưng xe máy đi đã khá là êm thuận.
Thú vị nhất là có đoạn đường cặp sát bờ kênh TN17 có những khúc quanh tuyệt đẹp. Cỏ xanh mái ta-luy bờ kênh cho bò thảnh thơi đi gặm. Vịt bơi xôn xao mặt nước. Hàng cột bê tông trụ điện cũng lượn vòng theo đưa ánh sáng đến những hẻm hóc thật sâu giữa ruộng, trong đồng. Có cảm tưởng như đây là một con đường dịu dàng uốn lượn giữa công viên. Công viên ấy mang tên Thái Bình, đúng như ước vọng từ mấy trăm năm trước của các bậc tiền nhân đi mở đất lập làng.
TRẦN VŨ