Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Người đứng đầu quân đội Thái Lan, tướng Anupong Paochinda có dấu hiệu ủng hộ yêu cầu của UDD khi ông cho rằng, trong tình hình hiện nay chỉ có giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm mới giải quyết được cuộc khủng hoảng.

![]() |
Những người biểu tình “áo đỏ” tại tượng đài Dân chủ vui mừng sau khi nghe tin mới từ EC. Ảnh: Reuters |
Uỷ ban bầu cử Thái Lan (EC) hôm 12.4 đã bỏ phiếu thông qua quyết định đề nghị giải tán đảng Dân chủ cầm quyền vì cáo buộc vi hiến trong việc quyên góp tiền cho bầu cử.
Quyết định trên được thông qua tại một cuộc họp đặc biệt của EC do chủ tịch Apichart Sukhagganond chủ trì. Theo cáo buộc của EC, đảng Dân chủ đã nhận 258 triệu baht tiền quyên góp bất hợp pháp từ công ty xi măng TPI Polene và sử dụng sai mục đích một khoản tiền quỹ phát triển chính trị do EC cấp trị giá 29 triệu baht.
Bước tiếp theo, EC sẽ chuyển quyết định mới lên Văn phòng Tổng Chưởng lý (OAG) xem xét. Nếu OAG đồng ý với EC, đề nghị giải tán đảng Dân chủ sẽ được chuyển tiếp lên Toà án Hiến pháp để ra quyết định cuối cùng.
Hiến pháp Thái Lan quy định một cá nhân chỉ được quyên góp cho một chính đảng dưới 10 triệu baht (309.310 USD)/năm. Trong khi đó, công ty xi măng TPI Polene đã quyên góp tổng cộng 258 triệu baht cho đảng Dân chủ thông qua Tập đoàn Thương mại và Sáng tạo Messiah – một công ty quảng cáo, để dùng cho chiến dịch bầu cử năm 2005 mà không đưa ra tuyên bố. Như vậy, đảng Dân chủ đối mặt với khả năng giải tán và các thành viên trong ban chấp hành có thể bị cấm tham gia chính trị trong 5 năm nếu Toà án Hiến pháp tán thành quyết định của EC.
Lực lượng “Áo đỏ” tụ tập ở khu trung tâm thương mại Ratchaprasong đã reo hò ầm ĩ khi nghe tin này từ lãnh đạo UDD, Veera Musikhapong. Trước đó, hôm 5.4, hàng ngàn người “áo đỏ” đã kéo đến trước trụ sở của EC và cáo buộc là ủy ban này kéo dài quyết định chống lại đảng Dân chủ.
Quyết định của EC đã giáng một đòn mạnh vào đảng Dân chủ cầm quyền của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva hiện đang phải chịu sức ép từ phe Mặt trận Thống nhất vì Dân chủ chống Độc tài (UDD), đòi giải tán Hạ viện ngay lập tức và tiến hành một cuộc bầu cử mới.
Trước đó, Thủ tướng Abhisit cũng đã phải chịu một “cú sốc” khi người đứng đầu quân đội Thái Lan, tướng Anupong Paochinda có dấu hiệu ủng hộ yêu cầu của UDD khi ông cho rằng, trong tình hình hiện nay chỉ có giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm mới giải quyết được cuộc khủng hoảng.
Cũng trong ngày 12.4, những người biểu tình “áo đỏ” đã mang thi thể của 2 người biểu tình và 14 cỗ quan tài rỗng tuần hành từ điểm biểu tình chính tại cầu Phan Fa đến quảng trường Sanam Luang. Những người biểu tình đã bắt đầu cuộc diễu hành này vào khoảng 10 giờ sáng 12.4 (theo giờ địa phương) bao gồm 17 xe ô tô được hộ tống bởi rất nhiều người biểu tình đi xe máy và đi bộ.
Hiện tại, thi thể của 14 người biểu tình áo đỏ khác đang được khám nghiệm tử thi tại một bệnh viện của cảnh sát.
Phát biểu trên truyền hình vào lúc 14 giờ trưa 12.4, Thủ tướng Abhisit tố cáo có một “nhóm khủng bố” được trang bị vũ khí trà trộn trong đoàn biểu tình là thủ phạm sát hại binh lính và những người áo đỏ nhằm kích động cả hai bên lao vào một cuộc đối đầu, tạo điều kiện để lật đổ chính phủ. Tuy nhiên, lãnh đạo UDD đã bác bỏ cáo buộc này và cho biết, những người biểu tình chỉ sử dụng gậy gộc, đá hoặc chai nước khi đụng độ với binh lính và cảnh sát.
![]() |
Kênh truyền hình NBT công bố hình ảnh một người đàn ông với khẩu M16 trong tay đứng cùng với một người khác trong đêm bạo động 10.4. Ảnh: BP |
Dư luận nghi ngờ, có một bên thứ ba giấu mặt đang cố tình giăng bẫy đối với phe “áo đỏ” và quân đội. Trong những ngày biểu tình, ống kính truyền hình đã bắt được hình ảnh của những tay súng bắn tỉa, có vẻ như rất chuyên nghiệp, chỉa một khẩu M16 về phía binh lính.
Một uỷ ban điều tra độc lập cho biết, theo kết quả khám nghiệm tử thi 11/21 người thiệt mạng hôm 10.4, có 9 người người áo đỏ bị bắn vào đầu và ngực bằng loại đạn có độ chính xác và vận tốc rất cao. Tuy nhiên, uỷ ban này không tiết lộ thông tin về cỡ đạn hay loại vũ khí.
THUÝ TRINH
(Theo Bangkok Post)