Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, xuất khẩu gạo của nước này trong năm nay có thể đạt 8 triệu tấn nhờ đồng Baht ở mức thấp, cùng với việc hai quốc gia láng giềng Ấn Độ và Việt Nam tăng cường dự trữ gạo phục vụ nhu cầu trong nước.
Cụ thể, điểm tin thị trường Thái Lan, Thương vụ Việt Nam tại nước này cho hay nhu cầu đối với gạo Thái Lan tại thị trường quốc tế vẫn duy trì ở mức cao. Trong đó, nhu cầu xuất khẩu sang Trung Đông tăng mạnh sẽ góp phần giúp thúc đẩy gạo Thái Lan xuất khẩu.
Năm 2022, Thái Lan đã vượt Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới.
Trong tháng 01/2023, Thái Lan đã xuất khẩu 800.519 tấn gạo, tăng 75,2% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ đơn hàng tăng mạnh, nhu cầu nhiều thị trường tăng như Trung Đông và đồng Baht giảm giá. Giá trị xuất khẩu cũng tăng 78,7% đạt 14,2 tỉ Baht.
Năm 2022, Thái Lan đã xuất khẩu 7,69 triệu tấn gạo, tăng 22% số lượng và 25,1% giá trị so với năm 2021 và vượt mục tiêu 7,5 triệu tấn đã đề ra trước đó.
Với mức xuất khẩu này, Thái Lan đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới sau Ấn Độ với 21,93 triệu tấn. Đứng ở vị trí thứ ba là Việt Nam với 6,31 triệu tấn.
Iraq duy trì là quốc gia nhập khẩu lớn nhất của Thái Lan với 1,5 triệu tấn, tăng 458% so với cùng kỳ năm ngoái. Nam Phi, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Benin xếp vị trí tiếp theo với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 2,49 triệu USD.
Trong khi đó, tại Việt Nam, số liệu thống kê của cơ quan hải quan cho thấy, trong tháng 1/2023 xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 359.310 tấn, mang lại 186,6 triệu USD, giá xuất khẩu trung bình 519,3 USD/tấn. So với tháng 1/2022, giảm 29% về số lượng, nhưng tăng 6,8% về giá xuất khẩu.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1 vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 35% tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước.
Mặc dù vậy, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng đề cập tới nhiều khó khăn như chi phí sản xuất lúa gạo trong năm qua tăng mạnh, đẩy giá thành thu mua lúa, gạo hàng hóa lên cao, gây áp lực cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xuất khẩu gạo, trong khi, giá gạo chào bán không tăng nhiều. Bên cạnh đó, gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các nguồn cung giá rẻ khác như Ấn Độ, Pakistan.
Nguồn vnbusiness