Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Những năm kháng chiến chống Mỹ, ở ấp An Phú, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng có Căn cứ Cụm 3, 4, 5 Biệt động thành Sài Gòn- Gia Định. Nơi đây vừa đón Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Một thời đáng nhớ
Căn cứ Biệt động Sài Gòn thành lập tháng 10 năm 1967, thuộc khối vũ trang Biệt động quân khu Sài Gòn – Gia Định. Trong thời gian này, căn cứ cụm 3, 4, 5 tại ấp An Phú, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng cũng được xây dựng.
Khu Di tích Lịch sử văn hóa Cụm 3, 4, 5 Biệt động thành Sài Gòn - Gia Định hiện nay.
Từ Khu Chế xuất và Công nghiệp Linh Trung III, đi men theo con đường nhựa nhỏ quanh co trong thôn xóm khoảng 3 km là đến địa điểm Căn cứ cụm 3, 4, 5 Biệt động thành Sài Gòn- Gia Định. Theo tư liệu lịch sử, để tiến hành trận đánh lớn, cuối năm 1967, lực lượng biệt động xây dựng được các căn cứ xuất phát, bàn đạp, những điểm nút giao liên.
Trong đó, 2 bàn đạp vững chắc là Thái Mỹ (huyện Củ Chi, Sài Gòn- TP.HCM hôm nay) và An Tịnh (huyện Trảng Bàng). Những nơi này không chỉ là địa điểm làm việc của Khu ủy, Bộ Chỉ huy quân khu với các đầu mối biệt động trong nội thành, mà còn là nơi tập kết, ngụy trang vũ khí để chuyển vào Sài Gòn.
Với sự tổ chức chặt chẽ, linh hoạt và hết sức bí mật, lực lượng của Quân khu Sài Gòn - Gia Định đã vận chuyển được 10 tấn thuốc nổ, súng đạn và trang bị vào cất giấu tại các cơ sở kề cận các mục tiêu quan trọng của địch, sẵn sàng cho Tổng tiến công và nổi dậy.
Lúc này, ngoài lực lượng bảo đảm, Biệt động thành có hơn 100 chiến đấu viên. Quân số này được chia thành 9 đội, mang số hiệu từ 1 đến 9 và tổ chức thành 3 cụm, trong đó Cụm 3, 4, 5 gồm các đội 3, 4, 5. Các đội được quán triệt nhiệm vụ, thống nhất phương án tác chiến và ký hiệu tín hiệu hiệp đồng. Đồng thời rà soát lại phương thức, kế hoạch tác chiến, bổ sung thêm vũ khí có uy lực cao, sẵn sàng đợi lệnh xuất phát.
Theo kế hoạch, Biệt động Sài Gòn- Gia Định được giao đánh chiếm Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh, Bộ Tổng tham mưu, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát, khám Chí Hòa, Bộ tư lệnh Hải quân v.v... 23 giờ 30 phút ngày 30.1.1968 các cụm biệt động nhận lệnh xung kích tiến công các mục tiêu đầu não của địch tại Sài Gòn.
Cụm 3, 4, 5 do đồng chí Nguyễn Văn Tăng chỉ huy, có nhiệm vụ tấn công vào Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy, Đài Phát thanh Sài Gòn và Dinh Độc Lập. Khoảng 2 giờ đến 2 giờ 30 phút sáng 31.1.1968 (tức đêm mùng 1 rạng mùng 2 Tết), các đội biệt động đồng loạt tấn công các mục tiêu nêu trên.
Bên trong Nhà bia Cụm 3, 4, 5 Biệt động thành Sài Gòn - Gia Định.
Tại mục tiêu Bộ Tư lệnh Hải quân, Đội biệt động 3 có 16 chiến đấu viên, do Nguyễn Văn Lém tức Bảy Lốp chỉ huy tổ chức thành 2 mũi, đánh sập lô cốt đầu cầu, vượt qua cổng chính vào bên trong, phá sập nhà canh phòng của đại đội công vụ Hải quân. Quân địch trong căn cứ, cả tàu đậu dưới sông bắn trả quyết liệt và tổ chức bao vây.
Các chiến sĩ biệt động chiến đấu cực kỳ dũng cảm, đến 6 giờ sáng thì toàn đội hy sinh gần hết, chỉ có 2 chiến sĩ vượt sông Sài Gòn thoát về căn cứ Thủ Đức. Kết quả, địch chết 12 tên (có 2 quân cảnh Mỹ), 1 lô cốt và 1 dãy nhà bị phá hủy; Đội biệt động 3 hy sinh 14 cán bộ, chiến sĩ.
Tại Đài Phát thanh Sài Gòn, Đội 4 biệt động gồm 11 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tấn công mục tiêu do đội trưởng Năm Lộc chỉ huy, xuất phát từ tiệm may Quốc Anh (số 65, Nguyễn Bỉnh Khiêm), là cơ sở có hầm bí mật giấu vũ khí trong gia đình đồng chí Trần Phú Cương (Năm Mộc). Đơn vị chia thành hai mũi; mũi thứ nhất dùng thủ pháo phá cửa sắt tiến vào cổng chính (số 3, Phan Đình Phùng), chiếm khu vực phát sóng và một số vị trí; mũi thứ hai bị địch chặn đánh không vào được bên trong.
Địch huy động quân bao vây, dùng máy bay thả pháo sáng và xe thiết giáp tiến công. Cuộc chiến đấu không cân sức kéo dài đến 6 giờ sáng khi các chiến sĩ bắn hết đạn, dùng khối thuốc nổ 20kg phá hủy Đài và anh dũng hy sinh. Kết quả, địch chết và bị thương 38 tên, bị phá huỷ 1 xe bọc thép và 1 xe GMC. Đội biệt động 4 đánh chiếm và giữ được mục tiêu trong 4 giờ 31 phút, hy sinh 10 cán bộ, chiến sĩ.
Đối với mục tiêu Dinh Độc Lập, Đội biệt động 5 (với 15 chiến đấu viên do Trương Hoài Thanh chỉ huy), sau khi không đánh sập được cổng để phát triển vào bên trong, buộc phải triển khai đội hình chiến đấu trên đường Nguyễn Du. Đội đã bắn cháy 3 xe Jeep chở lính Mỹ và lính quân đội Sài Gòn. Sau đó, rút vào cố thủ và tiếp tục chiến đấu trong tòa nhà 56 Thủ Khoa Huân, rồi tòa nhà 108 Gia Long cho đến khi bị bắt vào lúc 3 giờ sáng ngày 1.2.
Kết quả, địch chết và bị thương gần 100 tên (có một số lính Mỹ), 3 xe Jeep bị phá hủy. 8 chiến sĩ Đội biệt động 5 hy sinh, 4 người bị thương, 7 người bị bắt. Đơn vị được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và sau này được tuyên dương Anh hùng lực lượng võ trang nhân dân (20.12.1969).
Khu Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh
Để ghi nhớ công lao của các cán bộ, chiến sĩ, năm 2016, Câu lạc bộ (CLB) Truyền thống kháng chiến TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng Khu di tích Cụm 3, 4, 5 Biệt động thành Sài Gòn - Gia Định. Khu di tích được xây dựng kiên cố bằng bê tông hóa, bao gồm Nhà bia hình tứ giác, giữa Nhà bia là tượng các chiến sĩ, trên có ghi dòng chữ “Tổ quốc ghi công”.
Bên phải tượng là bảng danh sách các liệt sĩ Đội 3, Đội 4, Đội 5- Anh hùng LLVT nhân dân Biệt động quân khu Sài Gòn – Gia Định; bên trái tượng là danh sách cán bộ lãnh đạo chỉ huy lực lượng biệt động Sài Gòn – Gia Định kháng chiến chống Mỹ.
Bà Nguyễn Thị Bé kể lại những năm tháng hoạt động của Biệt động thành Sài Gòn - Gia Định ở ấp An Phú.
Phía trước Nhà bia là lư hương cắm nhang và cột cờ tổ quốc. Phía sau là hầm chứa vũ khí bí mật của ông Nguyễn Văn Tăng (Tư Tăng)- Anh hùng LLVT nhân dân, Chỉ huy trưởng Cụm 3, 4, 5 Biệt động thành Sài Gòn - Gia Định. Nền sân và lối đi trong khu di tích được lát gạch sạch sẽ. Toàn bộ diện tích 300 mét vuông đất xây dựng khu di tích này do vợ chồng bà Nguyễn Thị Bé- nữ chiến sĩ giao liên Đội 3 Biệt động thành Sài Gòn - Gia Định thành hiến tặng. Gia đình bà Bé hiện đang ở sát bên khu di tích.
Nhớ lại chuyện hơn 50 năm trước, bà Bé kể: “Hồi đó các anh, chú ở Sài Gòn lên ở tại nhà tôi, đào hầm, cất vũ khí để chuẩn bị đánh trận năm Mậu Thân 1968. Bản thân tôi lúc đó cũng tham gia làm chiến sĩ giao liên cho Đội 3 Biệt động thành Sài Gòn - Gia Định”.
Chiến tranh kết thúc, năm 2009, do nhu cầu xây dựng Khu di tích, vợ chồng bà Bé không ngần ngại hiến cho chính quyền địa phương 300 mét vuông đất mặt tiền, làm nơi lưu dấu một thời gian lao mà anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Cụm 3, 4, 5 Biệt động thành Sài Gòn - Gia Định. Nhờ sự cống hiến của gia đình bà Bé mà năm 2016, CLB Truyền thống kháng chiến TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng nơi đây thành khu di tích khang trang, sạch đẹp.
Bà Bé kể tiếp, “Lúc tôi hiến đất, nhiều người dân hỏi sao không bán lấy tiền bỏ túi mà hiến chi vậy, tôi nghĩ, tiền bạc có nhiều cũng sử dụng hết, nên quyết định hiến đất xây dựng khu di tích để thờ phượng các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh và để giáo dục truyền thống cách mạng cho con cháu đời sau”.
Ông Trần Văn Thành- nguyên Bí thư và hiện là Trưởng Ban quản lý ấp An Phú (An Tịnh, Trảng Bàng) mở nắp căn hầm bí mật của ông Nguyễn Văn Tăng.
Theo bà Phan Thị Bạch Yến- Phó Chủ tịch UBND xã An Tịnh, hằng năm, cứ đến ngày 22.7- ngày đám giỗ những anh hùng liệt sĩ Cụm 3, 4, 5 Biệt động thành Sài Gòn - Gia Định, chính quyền địa phương và CLB Truyền thống kháng chiến TP.Hồ Chí Minh đều kết hợp tổ chức họp mặt truyền thống tại khu di tích này, nhằm ôn lại lịch sử hào hùng của cán bộ, chiến sĩ Cụm 3, 4, 5 Biệt động thành Sài Gòn - Gia Định và giáo dục truyền thống cho các thế hệ đoàn viên thanh niên.
Bà Yến cho hay thêm, hiện nay xã đã có kế hoạch để trùng tu, bảo vệ các khu di tích trên địa bàn xã, trong đó có di tích Cụm 3, 4, 5 Biệt động thành Sài Gòn - Gia Định. Hiện tại, khu di tích này chưa có hàng rào bảo vệ, nhưng do điều kiện kinh phí của xã có hạn, nên vừa qua UBND xã đã đề nghị CLB Truyền thống kháng chiến TP.Hồ Chí Minh vận động kinh phí để xây hàng rào bảo vệ khuôn viên khu di tích.
Bên cạnh đó, xã cũng thường xuyên cho lực lượng đoàn viên thanh niên, học sinh đến quét dọn vệ sinh, chăm sóc hoa kiểng ở khu di tích; qua đó để các em học tập truyền thống cách mạng và phát huy tinh thần chiến đấu anh dũng của những thế hệ cha anh.
Đại Dương