Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thăm di tích lăng mộ Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản
Thứ bảy: 00:16 ngày 15/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trên mảnh đất Tây Ninh, nơi mà tướng Huỳnh Công Giản từng dừng chân lập đồn đánh giặc đều được người dân lập đền thờ, gọi tên chung là Quan lớn Trà Vong.

Bàn thờ Quan lớn Trà Vong được bày trí vô cùng trang nghiêm.

Theo một vài tư liệu ghi lại: ông Huỳnh Công Giản sinh năm Nhâm Dần (1722), quê ở Đàng Ngoài (làng Nhật Tảo) trong một gia đình nông dân. Năm 1749 (Kỷ Tỵ), Triều đình Huế cử ba anh em nhà họ Huỳnh gồm có Huỳnh Công Giản, Huỳnh Công Thắng và Huỳnh Công Nghệ là các quan đại thần vào trấn nhậm vùng đất Tây Ninh. Ba ông cùng với đội binh mã của triều đình thực hiện cuộc Nam tiến di dân khai hoang lập ấp và giữ gìn an ninh ở vùng đất biên cương. Huỳnh Công Giản ở cánh rừng Trà Vong, Huỳnh Công Thắng ở xã Cẩm Giang, Huỳnh Công Nghệ ở cánh đồng Bến Thứ.

Đến Trà Vong, Huỳnh Công Giản lập 3 ấp Tân Lập, Tân Hội và Tân Hiệp, xây thành đắp luỹ, bảo vệ biên cương. Thời gian này, giặc từ bên kia biên giới thường sang quấy nhiễu, cướp bóc tài sản của đồng bào. Huỳnh Công Giản đã tổ chức huấn luyện những đội binh trấn giữ khắp nơi theo phương thức “động vi binh, tĩnh vi dân”.

Ngày 12.2 năm Nhâm Dần (1782), trong trận chiến đấu ác liệt tại thành Trà Vong, Huỳnh Công Giản lãnh đạo nhân dân chiến đấu đến sức tàn lực kiệt. Ông quay gươm tuẫn tiết, quyết không để rơi vào tay giặc. Khi ông chết đi, nhân dân ở đây đã an táng ông tại một cánh rừng bên bờ suối Trà Vong, cạnh một cây trâm cổ thụ. Ngôi mộ ông cách bờ thành cũ khoảng 2km về hướng Bắc, mặt ngôi mộ đối diện với suối Trà Vong (thuộc ấp 3, xã Trà Vong, huyện Tân Biên ngày nay).

Tưởng nhớ công lao to lớn của ông trong việc khẩn hoang lập ấp và giữ gìn bờ cõi, biên cương của Tổ quốc, nhân dân trong vùng lập các đền thờ, dinh miếu ở nhiều nơi và gọi ông là Quan lớn Trà Vong. Sau này, người dân còn xây nhà tưởng niệm Huỳnh Công Giản bên bờ suối Trà Vong- đối diện với ngôi mộ của ông. Giữa nhà tưởng niệm và khu mộ của ông được nối nhau bằng một chiếc cầu bê tông xi măng. Hằng năm, vào ngày 15-16 tháng ba âm lịch, tại khu di tích diễn ra lễ Kỳ yên Quan lớn Trà Vong. Mỗi dịp cúng tế có cả ngàn người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, cúng viếng. Lễ hội bắt đầu với các tiết mục múa lân khai mạc, rước sắc ấn thần từ ngôi mộ ông Huỳnh Công Giản về nhà tưởng niệm, chào cờ, mặc niệm tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, ôn lại tiểu sử Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản. Tiếp theo đó là các nghi thức dân gian như lễ tế thần, đăng tế điện, dâng sớ, thắp hương tưởng niệm…

Năm 2004, mộ Quan lớn Trà Vong được UBND tỉnh ký ban hành quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh. Năm 2009, được UBND tỉnh đồng ý và sự giúp đỡ của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Ban Quản lý lăng mộ đã phục chế sắc ấn và sắc phong của Quan lớn Trà Vong. Năm 2019, lễ hội Quan lớn Trà Vong được Bộ VH,TT&DL công nhận là di sản văn hoá phi vật thể.

Nghi thức trò lễ trong lễ Kỳ yên Quan lớn Trà Vong.

Hiện nay, lăng mộ ông Huỳnh Công Giản được che chắn bởi căn nhà mái tôn, cột sắt vững chắc. Trước mộ có sân lát gạch bông rộng rãi, sạch sẽ. Bên ngôi mộ vẫn còn cây trâm cổ thụ, ước tính đã hàng trăm năm tuổi. Trước ngôi mộ, còn có cây bồ đề cao to, cành lá sum suê, xoè rộng che mát cả khu mộ. Hai bên ngôi mộ có những công trình phụ, như nhà làm việc của Ban Quản lý, phòng trưng bày hình ảnh lễ hội, tủ đựng sắc ấn, triều phục, chứng nhận của Bộ VH,TT&DL, quyết định, bằng khen của UBND tỉnh…

Một góc phòng trưng bày ở khu mộ Quan lớn Trà Vong.

Đặc biệt, hàng chục năm trước, trên mộ ông Huỳnh Công Giản hình thành một tổ mối cao lớn khoảng 1 mét. Mỗi lần đến cúng mộ, những người mê tín dị đoan đều sờ tay lên gò mối rồi vuốt lên đầu tóc. Ông Huỳnh Văn Mộc- Phó Ban Quản lý di tích lăng mộ Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản cho biết: “Những hành động này làm ảnh hưởng đến tính trang nghiêm của lăng mộ, Ban Quản lý đã cho đặt lồng kính trùm lên gò mối. Từ đó gò mối không còn lớn lên nữa và du khách đến đây chỉ còn đứng ngắm gò mối từ bên ngoài ngôi mộ”.

Gò mối trên mộ Quan lớn Trà Vong.

Ngoài di tích lăng mộ này, hiện nay ở Tây Ninh có 13 địa điểm thờ cúng Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Tiêu biểu như dinh Quan lớn Trà Vong Chòm Dừa (ấp Chòm Dừa, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành), đền thờ Quan lớn Trà Vong Trạm Bơm (khu phố 2, phường 1, TP. Tây Ninh), am Quan lớn Trà Vong Tràm Lớn (ấp Bàu Tràm Lớn, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu)…

Người xưa còn lưu truyền câu chuyện, vào những đêm trăng thanh vắng, thỉnh thoảng, người dân nhìn thấy một đạo binh kỳ bí, gươm sáng tuốt trần, cưỡi ngựa phóng như bay, dẫn đầu là một vị tướng chỉ huy mặc áo bào đỏ, dáng oai phong lẫm liệt. Đạo binh xuất hiện như chớp rồi cũng nhanh chóng mất hút vào bóng đêm của núi rừng. Theo các vị bô lão quanh vùng, đó chính là đội binh ma của vị tướng Huỳnh Công Giản.

Đại Dương

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục