BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Tây Ninh 

Cập nhật ngày: 20/04/2020 - 00:25

BTN - Sáng 17.4, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì phiên họp trực tuyến thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng và một số sở, ngành liên quan.

Một góc thành phố Tây Ninh. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đông

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tóm tắt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030 cho biết, mục tiêu đến năm 2030, việc lập quy hoạch phải xây dựng được phương án phát triển tổng thể, đồng bộ để phát triển kinh tế nhanh, bền vững; tạo sự đột phá trong phát triển và bố trí không gian hợp lý trên các lĩnh vực phát triển công nghiệp có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển các khu kinh tế cửa khẩu phù hợp với nhu cầu phát triển.

Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển du lịch; huy động đầu tư phát triển các khu đô thị mới; phát triển kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng kết nối liên vùng; phát triển thương mại, dịch vụ có chất lượng và đồng bộ... cũng như nâng cao mức sống của nhân dân, bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường, giữ vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh của cả nước.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tầm nhìn đến năm 2050, việc lập quy hoạch phải xác định được tầm nhìn 20 năm sau thời kỳ quy hoạch nhằm hướng tới phát triển tỉnh Tây Ninh phải gắn liền với sự phát triển của vùng thành phố Hồ Chí Minh. Tây Ninh trở thành địa điểm cung cấp một phần đáng kể các sản phẩm dịch vụ mà tỉnh có lợi thế cho vùng.

Căn cứ vào điều kiện, tiềm năng và bối cảnh phát triển tỉnh Tây Ninh trong giai đoạn 2021-2030, 36 nội dung được đề xuất dự kiến tích hợp quy hoạch, trong đó có 27 nội dung đề xuất về ngành, lĩnh vực và 9 nội dung đề xuất về lãnh thổ. Việc tổ chức lập quy hoạch, việc nghiên cứu lập quy hoạch được thực hiện trong 18 tháng, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công bố quy hoạch trong thời gian tháng 8-12.2021. Dự kiến chi phí lập quy hoạch tỉnh Tây Ninh gần 69 tỷ đồng, được sử dụng từ nguồn ngân sách của tỉnh.

Tiến sĩ Dương Đình Giám- nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương có nhiều góp ý về nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Tây Ninh. Tiến sĩ cho rằng hồ sơ trình thẩm định nhiệm vụ quy hoạch đã được tỉnh trình bày đầy đủ theo quy định. Báo cáo đã nêu khá toàn diện các căn cứ pháp lý cơ bản cho việc xây dựng nhiệm vụ quy hoạch một địa phương. Kế hoạch triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Tây Ninh được xây dựng phù hợp (thời gian cho việc lập quy hoạch từ tháng 5.2020 đến tháng 2.2021).

Theo tiến sĩ, báo cáo rà soát, đánh giá thực hiện quy hoạch thời kỳ trước là một trong những nội dung bắt buộc và là căn cứ quan trọng cho việc xây dựng nhiệm vụ quy hoạch. Nội dung này cần được thực hiện theo Điều 7 của Nghị định 37/2019/NĐ-CP.

Trong báo cáo thuyết minh này, báo cáo rà soát, đánh giá thực hiện quy hoạch thời kỳ trước đã được UBND tỉnh Tây Ninh thực hiện khá toàn diện (nhưng chưa đầy đủ theo quy định tại Điều 7 của Nghị định 37). Còn một số nội dung quan trọng cần được bổ sung, như: đánh giá tình hình sử dụng tài nguyên trong quá trình thực hiện quy hoạch; đánh giá chính sách, giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch.

Nhận xét về báo cáo nhiệm vụ lập quy hoạch của tỉnh, Tiến sĩ Lê Thị Kim Dung- nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nhiệm vụ quy hoạch đã đề cập đầy đủ các ngành và lĩnh vực, các đơn vị quy hoạch cấp huyện có phân kỳ 5 năm, bảo đảm tính khả dụng khi lập quy hoạch.

Về phương pháp đã bao quát khá đầy đủ những kỹ thuật xử lý thông tin, dữ liệu quy hoạch theo ngành và lãnh thổ phục vụ việc tích hợp quy hoạch. Song còn thiếu một phần quan trọng là phương pháp tích hợp cần phải bổ sung làm rõ. Các nội dung đề xuất bao quát đủ các vấn đề quản lý phát triển của cấp tỉnh. Tuy nhiên, nhìn chung báo cáo còn một số nội dung của nhiệm vụ quy hoạch chưa đủ chi tiết, còn thiếu tính chỉ dẫn cho các bên thực hiện.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng cảm ơn các chuyên gia và thành viên Hội đồng thẩm định đã có nhiều ý kiến cụ thể, chuyên sâu đối với báo cáo lập nhiệm vụ quy hoạch của Tây Ninh. Tỉnh đã ghi nhận được 18 lượt ý kiến của các bộ, ngành Trung ương. Trên cơ sở ý kiến này, UBND tỉnh Tây Ninh tiếp thu, hoàn thiện lại báo cáo cũng như chuẩn bị hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh đúng yêu cầu của Luật Quy hoạch.

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông báo kết quả lấy phiếu các thành viên Hội đồng với 100% phiếu đồng ý thông qua báo cáo nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Tây Ninh. Đồng thời, yêu cầu tỉnh nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh những nội dung mà Hội đồng thẩm định và các chuyên gia đã góp ý.

Thứ trưởng cho rằng, công việc sắp tới còn nhiều, do đó, cơ quan chủ trì của tỉnh Tây Ninh là Sở Kế hoạch và Đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các huyện, đơn vị tư vấn, bộ phận thường trực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ báo cáo để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ trưởng cũng đề nghị tỉnh hoàn thiện báo cáo rà soát, đánh giá thực hiện quy hoạch thời kỳ trước, tổng kết mặt được, mặt chưa được; làm rõ thêm về các yêu cầu, nghiên cứu đối với những nội dung của quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.

C.T