Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Vừa qua, tại UBND xã Lộc Hưng (huyện Trảng Bàng), Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh đã có buổi làm việc với Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) xã Lộc Hưng về kết quả thực hiện các tiêu chí 11, 12 và chỉ tiêu 14.3 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Lãnh đạo UBND xã Lộc Hưng cho biết, ngay từ đầu năm, xã đã thành lập BCĐ xây dựng NTM, tập trung triển khai, khảo sát thực hiện các tiêu chí theo chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.
Để thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền về xây dựng NTM, BCĐ xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các ấp, đài truyền thanh xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về chủ trương, 19 tiêu chí NTM thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và tại các cuộc họp ở địa phương.
Đối với tiêu chí số 11 về hộ nghèo, theo hướng dẫn của ngành cấp trên, tỷ lệ hộ nghèo (đã trừ các hộ bảo trợ xã hội) đạt dưới 1%. Tỷ lệ này của xã là 0,85%. Về phía xã cho biết, Đảng ủy, UBND, ban, ngành cấp trên luôn quan tâm công tác xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo tự lực vươn lên trong cuộc sống, như cho vay sản xuất, xây nhà đại đoàn kết, miễn giảm học phí cho con em hộ nghèo…
Tuy nhiên, xã còn gặp khó khăn trong việc thực hiện tiêu chí này do phần lớn các hộ nghèo đã lớn tuổi và bệnh tật nên khó thoát nghèo. Do đó, xã đã đưa ra giải pháp cần phân tích cụ thể từng hộ nghèo để có những chính sách trợ giúp phù hợp.
Theo kết quả điều tra cung cầu lao động năm 2016, dân số trên địa bàn xã Lộc Hưng có 18.529 nhân khẩu, trong đó, số nhân khẩu trong độ tuổi lao động là 12.158. Số lao động có việc làm thường xuyên là 11.522/12.158 người, chiếm 94,77%.
Trong đó, lao động làm việc trong hệ thống chính trị chiếm tỷ lệ 3,34%; lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản 50,53%; công nghiệp, xây dựng 38,17%; tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề khác ở nông thôn 1,43%; lĩnh vực dịch vụ 5,06%; lĩnh vực khác 1,47%. Số lao động chưa có việc làm thường xuyên chiếm tỷ lệ 5,08%.
Lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản ở xã Lộc Hưng chiếm trên 50%. Trong ảnh: Nông dân Lộc Hưng chăm sóc ruộng rau quế vị. |
Đa số người lao động có trình độ lao động phổ thông, thiếu tay nghề nên khó tìm được việc làm ổn định. Về phía xã cũng đề ra giải pháp là nắm lại số lao động làm việc theo thời vụ, phân theo từng nhóm tuổi, nhu cầu, hướng nghiệp ...để có chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu của từng người lao động.
Về chỉ tiêu 14.3 – tỷ lệ lao động qua đào tạo, hiện tổng số lao động qua đào tạo trên địa bàn xã là 4.880/12.158 người, chiếm 40,14%. Trong đó, học nghề ngắn hạn (dưới 3 tháng) 1.803 người, sơ cấp nghề 450 người, trung cấp nghề 111 người, cao đẳng nghề 11 người, trung cấp chuyên nghiệp 1.091 người, cao đẳng chuyên nghiệp 594 người, đại học trở lên 820 người.
Đại diện xã cho biết, đa số người dân còn chưa quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho con em hoặc bản thân mình. Khi học xong THCS, THPT, thi vào các trường đại học, cao đẳng nhưng không đậu, bản thân họ xin vào làm công nhân trong các khu công nghiệp trong, ngoài xã. Không cần phải qua đào tạo nghề, qua thời gian thử việc nếu đáp ứng được nhu cầu của công ty thì được nhận vào làm ngay, do đó tỷ lệ lao động qua đào tạo chưa cao.
Qua buổi làm việc, đoàn giám sát của Sở LĐTB&XH kết luận, tiêu chí hộ nghèo và tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên của xã Lộc Hưng đạt với mức độ khá cao (0,85% và 94,77%).
Riêng chỉ tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt nhưng còn thấp (40,14%), do đó, Sở đề nghị xã quan tâm, có biện pháp để tăng tỷ lệ này nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động địa phương.
Trúc Ly