BAOTAYNINH.VN trên Google News

'Thâm hụt thương mại và lạm phát của VN đáng lo ngại'

Cập nhật ngày: 11/10/2009 - 03:28

Standard Chartered nhận định thâm hụt thương mại và lạm phát sẽ là những điều đáng quan tâm đối với Việt Nam thời gian tới.

Trong một báo cáo mới công bố, ông Tai Hui, Trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á của Standard Chartered cho rằng, Việt Nam đã vượt ra khỏi khủng hoảng nhờ sự hỗ trợ tích cực của chính sách tài khóa và nhu cầu trong nước điều chỉnh mạnh.

Cùng với Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có tăng trưởng GDP không bị tác động lớn so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng này nâng mức dự báo tăng trưởng từ 4,2% lên 4,9% cho năm 2009; và từ 5% lên 6,7% cho năm 2010.

Giá cả hàng hóa có khả năng làm gia tăng thâm hụt thương mại và lạm phát trong năm 2008, nhưng tình hình năm nay không giống với những gì đã xảy ra năm 2008, Standard Chartered nhận định.

Trong năm 2008, Việt Nam cùng lúc đối mặt với hai vấn đề là thâm hụt thương mại và lạm phát tăng cao. Thâm hụt thương mại đã tăng tới 18 tỷ USD trong năm 2008, và lạm phát lên tới đỉnh điểm 28,3% vào tháng 8/2008. Theo ông Tai Hui, nguyên nhân là do tăng trưởng quá nóng của nền kinh tế và giá hàng hóa tăng mạnh.

Ông Tai Hui nhận định, Việt Nam có khả năng cũng sẽ đối mặt với các vấn đề này trong thời gian tới. Thứ nhất, thâm hụt thương mại đã nới rộng trong những tháng gần đây với tỷ lệ tăng 1,5 tỷ USD mỗi tháng. Kim ngạch nhập khẩu máy móc và linh kiện, sản phẩm điện tử và xe ô tô tăng nhanh, phản ánh nhu cầu trong nước đang tăng mạnh mẽ. Với thâm hụt thương mại tháng 1-9 ở mức 6,5 tỷ USD thì tổng thâm hụt năm nay có thể lên tới 11 tỷ USD, Standard Chartered dự báo.

Thứ hai là dù lạm phát vẫn được kiểm soát tốt, vẫn có những lo ngại về nguy cơ giá cả hàng hóa tăng cao do chính sách nới lỏng tiền tệ. Lạm phát đã giảm xuống 2% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm trước và tăng nhẹ lên 2,4% trong tháng 9. Standard Chartered dự báo lạm phát sẽ lên mức 6,6% vào cuối năm 2009.

Theo ông Tai Hui, nguy cơ giảm giá của đồng VND sẽ được giảm bớt do nền kinh tế đang dần khởi sắc. Tuy nhiên, tính linh hoạt của cán cân thanh toán trong ngắn hạn tiếp tục đặt áp lực lên tỷ giá USD/VND, bởi dòng tiền từ nguồn vốn FDI và kiều hối chưa đủ để giảm bớt thâm hụt thương mại.

(Theo VNE)