Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Câu chuyện cuối tuần
Tham nhũng- đời nào cũng không tha
Thứ sáu: 08:37 ngày 29/06/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chuyện tham nhũng và chống tham nhũng hầu như đời nào cũng có.

Nghe kể, ngày xưa, vua Lê Thánh Tông là người kiên quyết chống nhũng lạm. Một lần, con trai của Tây quân Ðô đốc Lê Thiệt cưỡi ngựa phi thẳng vào chỗ đông người gây ra tai nạn mà còn bỏ mặc họ. Khi biết là con của Lê Thiệt, Thánh Tông sai lính nọc ra đánh 50 roi và cách chức ông bố.

Lê Thánh Tông cũng cấm vợ các quan lớn đi lại, chơi bời với nhau vì sợ bọn họ câu kết rồi đi cửa hậu, con cái của các quan lớn cũng không được lợi dụng chức quyền của bố mình để làm các việc phi pháp. Minh Mạng là vua thứ hai của nhà Nguyễn, không chỉ ban chiếu dụ nhằm đưa ra các chủ trương hạn chế, ngăn ngừa nạn tham nhũng mà còn xử lý rất nghiêm khắc.

Từ vụ Nội vụ phủ Nguyễn Ðức Tuyên ăn bớt nhựa thơm bị phát hiện, vua dụ: “Tội của Tuyên đáng lẽ cho trói mang dong ra chợ Cửa Ðông chém đầu nhưng lần này tạm chặt một bàn tay thủ phạm treo lên, xoá tên của nó ra khỏi sổ quan, để lại cho nó cái đầu khiến cho nó suốt đời phải hối hận và nhờ đó mọi người biết mà tỉnh ngộ”.

Viên coi kho Ðinh Văn Tăng tham nhũng trong cân đong thóc gạo bằng việc đổi cách làm phương hộc (một dụng cụ đo lường) nên bị chém đầu và chặt một bàn tay ướp muối phơi khô rồi treo lên để mọi người thấy mà ghê.

Ðối với người thân, Minh Mạng cũng xử lý nghiêm khi họ phạm tội, không phân biệt người thân hay sơ, tất cả đều bình đẳng trước pháp luật. Tự Ðức (1847-1883) là vị vua thứ tư của triều Nguyễn, ông nổi tiếng về chống tham nhũng, hối lộ và xử nghiêm bằng luật. Vũ Dinh là quan thanh liêm, chính trực có lần cho lính theo dõi bắt quả tang người coi kho lấy trộm tiền, giấu vào túi áo rồi tìm cách trốn ra quán uống rượu. 

Ông đề nghị trị thật nặng. Có người can gián, cho rằng tội nhẹ. Vũ Dinh lập bản án: “Nhất nhật nhất tiền, Thiên nhật thiên tiền, Thằng cứ mộc đoạn, Thuỷ trích thạch xuyên (nghĩa là: Một ngày một đồng/ Ngàn ngày ngàn đồng/ Dây cưa gỗ đứt/ Nước chảy đá mòn). Tội biển thủ nếu không trị nặng thì một ngày kia, kho tàng nhà nước sẽ trống rỗng, cho nên phải chém”. Nhà vua xem xong liền phê chuẩn y án.

Hiện nay, với sự lãnh đạo của Ðảng, chống tham nhũng đã và đang nóng hừng hực như củi khô đút lò lửa khiến bọn quan tham không khỏi kinh sợ, còn nhân dân thì vui mừng khôn xiết. Từ thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy, việc xử lý tham nhũng không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai.

Nhưng cuộc chiến chống “nội xâm” này vô cùng gian nan và không thể một sớm một chiều là có thể giải quyết. Bởi vì sự biến tướng muôn hình muôn vẻ, bởi thủ đoạn tinh vi của tội phạm, nhưng đáng lo ngại là từ nguyên nhân chủ quan, khi: “Nhiều cấp uỷ, tổ chức Ðảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận thức sâu sắc mức độ nghiêm trọng của tình hình tham nhũng ở địa phương, lĩnh vực mình quản lý; chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.

Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả những người là lãnh đạo, quản lý thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng” (phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng ngày 25.6 vừa qua).

Ðể chống tham nhũng, hơn lúc nào hết, cần sự thống nhất cao về ý chí và hành động trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng của mọi cán bộ, đảng viên; đặc biệt là “người đứng đầu, phải gương mẫu, tự giác, không sợ mất uy tín, không sợ khuyết điểm; trái lại, phải mạnh dạn làm để giữ gìn uy tín, củng cố niềm tin của nhân dân và phải công khai để nhân dân biết, ủng hộ và giám sát” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

T.N

Tin cùng chuyên mục