Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Thần tượng bolero có gì hay?
Chủ nhật: 05:20 ngày 20/03/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sau nhiều năm tồn tại như một dòng chảy phụ, âm thầm trong đời sống âm nhạc, các ca khúc bolero bất ngờ từ vị trí bên lề lấn vào vị trí trung tâm. Nhiều ca sĩ ngôi sao như Đàm Vĩnh Hưng, Thanh Thảo, Lệ Quyên, Anh Thơ… đã đua nhau hát bolero. Và kênh truyền hình quốc gia VTV3 đã không ngần ngại thực hiện chương trình “Thần tượng bolero” tương đối hoành tráng!

Giám khảo “Thần tượng bolero” trên sóng VTV3.

Theo nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, bolero phát xuất từ Tây Ban Nha, do nhạc sĩ Sebastiano Carezo sáng tạo năm 1780, vốn là điệu nhạc nhảy. Điệu nhạc du nhập các nước châu Âu, được các nhạc sĩ viết nhạc cổ điển như Chopin (Ba Lan, 1810 – 1849), Bizet (Pháp, 1838 – 1875) và Debussy (Pháp, 1862 – 1918) sử dụng viết các chương trong các hòa tấu khúc và nhạc kịch của mình.

 Trong nhạc cổ điển, bolero được viết đầy tính quy luật, tính hàn lâm nên không được quan tâm nhiều. Ngược lại, bolero du nhập các quốc gia vùng Caribe và Nam Mỹ được đón nhận nồng nhiệt bởi nó gần gũi với kiểu chơi nhạc lãng mạn, phóng khoáng của người Mỹ Latin. Nó trở thành âm nhạc của quần chúng. Bolero Mỹ Latin là một thứ giai điệu phóng khoáng và trữ tình. Nhạc sĩ hai nước Cuba và Mexico có công phát triển bolero, biến tấu nó với các điệu thức tương tự viết theo phép ký âm 4/4, tạo ra hẳn một dòng nhạc bolero mới; xôn xao hơn, rực rỡ hơn, lãng mạn hơn và đậm chất Latin. Dòng nhạc bolero này bao gồm các điệu bolero, rumba, rumba bolero, mambo, calypso, baiao; kể cả tango, tango habanera, chachacha. Mẫu số chung là kiểu viết nhạc 4/4 tương tự nhau; chỗ khác nhau là cách chơi, cách xử lý ca khúc. Bolero du nhập Việt Nam những năm 1950. Nền tân nhạc non trẻ của Việt Nam đã nhanh chóng thẩm thấu điệu thức ấy, biến nó thành hẳn một dòng nhạc tình ca. Một nhạc sĩ tài hoa kiêm nhà nghiên cứu âm nhạc đã viết thành công bài rumba bolero đầu tiên, sau này trở thành bài tình ca nổi tiếng trong thế kỷ 20. Đó là nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn với ca khúc “Nắng chiều”.

Sau khi Đài truyền hình Vĩnh Long có chương trình “Solo cùng bolero” gây xôn xao công chúng miền Tây Nam bộ, thì Đài truyền hình VN tiếp tục có thêm cuộc thi “Thần tượng bolero”. Về mặt cấu trúc, "Thần tượng bolero" dựa trên format gốc “Nation's best voice” của Time Symphony - Anh Quốc. Còn những người tổ chức “Thần tượng bolero” lại tự tin khẳng định: “Đây là một cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát mang tầm quốc gia với quy mô mở rộng trên khắp cả nước. Chương trình mang đến cơ hội biểu diễn trên một sân khấu chuyên nghiệp cho những thí sinh có niềm đam mê với các dòng nhạc trữ tình, quê hương và dân ca. Đối tượng tham gia chương trình là những thí sinh từ 15 tuổi trở lên. Đây là hành trình tìm kiếm những tài năng âm nhạc sở hữu giọng hát xuất sắc, giàu cảm xúc và phong cách biểu diễn chuyên nghiệp!” 

“Thần tượng bolero” thu hút đông đảo thí sinh tham gia, từ nhiều độ tuổi, từ nhiều ngành nghề. Minh chứng rõ nhất cho điều này, là ca sĩ Quang Linh trong tư cách Huấn luyện viên đã giành giật thí sinh đang làm việc trong lĩnh vực ngân hàng - Thành Thiện với ba giám khảo Cẩm Ly, Quang Dũng và Đan Trường bằng lời lẽ thống thiết: “Anh nói cho em biết về hoàn cảnh của đội anh, có một anh sửa xe, một chị ở Buôn Mê Thuột trồng café, một em ở Bình Phước trồng điều, mà tất cả những điều đó có phát triển hay không là phụ thuộc vào ngân hàng của em.”

Đành rằng, dòng nhạc bolero dễ thuộc và dễ hát, nhưng để thành công với những giai điệu trữ tình ấy không đơn giản chút nào. Bằng kinh nghiệm nửa thế kỷ hát bolero, ca sĩ hải ngoại lừng danh Chế Linh cho rằng: “Khi hát nhạc Bolero điều tối kỵ nhất là pha chế. Có những bài hết sức bình thường, không sôi động thì nhất định không được chuyển tiết tấu để trở nên vui nhộn hơn. Nhiều trường hợp các ca khúc có nội dung chia ly, đau khổ nhưng người ca sĩ khi trình diễn lại hay cười. Hoặc có tiết mục hát nhạc buồn nhưng lại dàn dựng có cảnh vũ đoàn nhảy múa tưng bừng. Như vậy là mất chất. Dĩ nhiên có một số biến tấu mới rất hay và đáng khuyến khích để lớp trẻ sau này có thể tiếp nhận. Nhưng biến tấu thế nào cũng nhất định không được phá tiết tấu nguyên thủy của bài hát. Do đó tôi cũng có một số trao đổi với các em, các cháu có theo đuổi dòng nhạc này phải có ý thức và nghiên cứu kỹ từ phần lời, cách nhấn nhá của từng bài hát cũng như ý tứ của nhạc sĩ để có thể chuyên chở một cách đúng đắn. Thậm chí cần phải đặt mình vào hoàn cảnh sáng tác. Có như vậy khán giả mới chấp nhận, nếu không màn trình diễn sẽ rất khô khan!” 

Ca sĩ Chế Linh cũng tỏ ra hứng thú khi chứng kiến dòng nhạc bolero hết chiếm sóng truyền hình địa phương lại chiếm sóng truyền hình quốc gia: “Tôi rất vui khi các đơn vị bắt đầu tổ chức những sân chơi nhằm tìm ra thế hệ mới nối tiếp chúng tôi, nhưng các chương trình này giúp các cháu, các em thỏa mãn đam mê là chính”. 

Tuy nhiên, để thành một ca sĩ chuyên trị dòng nhạc bolero là cả một hành trình không gian khó rèn luyện. Ca sĩ Chế Linh chân thành chia sẻ: “Có một số em nghĩ đi hát bolero sẽ dễ đi diễn, dễ kiếm tiền nhưng thật ra không phải. Đi một chặng đường đủ xa, họ sẽ cảm thấy chới với và nhận ra mình đi sai hướng, nên chọn một ngã rẽ khác. Nếu được, tôi mong các em các cháu có đam mê với Bolero nên tìm lại những bản thu của những ca sĩ lớp đầu tiên. Nghe thật kỹ xem họ nhả chữ, phát âm, đặt để tình cảm như thế nào. Tuy nhiên, cũng không nên “lậm” vào một cá nhân nào mà hãy đi tìm con đường riêng mình. Những bài bolero đa phần đều rất buồn, gắn liền với những kỷ niệm của tác giả chứ không phải vô thưởng, vô phạt, do đó nếu hát không ra sẽ rất uổng phí”. 

Câu hỏi đặt ra, màu sắc bình dân của dòng nhạc bolero có phải cơ sở để đánh giá thấp những ca sĩ thể hiện không? Ca sĩ Chế Linh thẳng thắn nói về sự nghiệp bolero mà bản thân gắn bó: “Trong văn hóa nghệ thuật, không có khía cạnh gì là xấu hổ. Trong vườn hoa thì bông hoa nào cũng đẹp. Nhưng có nhiều ca sĩ, họ vì muốn chiều theo xu hướng mà đi theo nhiều dòng nhạc, nhưng đến giữa dòng họ chới với, không biết phải xuôi theo hướng nào. Do đó, mỗi người phải tự tìm cho mình con đường riêng biệt. Như một người muốn làm luận án tiến sĩ, muốn thành công cũng phải tự tìm cho mình chủ đề riêng chứ không thể sao chép được. Nói thật lòng, tôi có thể hát tất cả các dòng nhạc, trong đó có nhiều dòng dễ dàng hơn Bolero rất nhiều vì chỉ cần hát bằng phổi chứ không phải bằng cảm xúc. Nhưng bao nhiêu thập kỷ qua, tôi chưa bao giờ lung lay vì lựa chọn của mình!

Nguồn HQ Online

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục