BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ghi chép tản mạn

Tháng 10 tây 

Cập nhật ngày: 08/10/2021 - 01:26

BTN - Vẫn biết là còn hơn tháng nữa mới tới tháng 10 ta (âm lịch), vậy mà lòng tôi vẫn nôn nao khi bóc từng trang của bloc lịch tháng 10 tây.

Rạch Tây Ninh trước cầu Bến Dầu.

Là bởi, tháng 10 ta đã in đậm trong ca dao dân tộc, như câu: “Thuận mưa lúa tốt đằng đằng/ Tháng mười gặt lúa ta ăn đầy nhà”; hay là: “Bao giờ cho đến tháng mười/ Thổi nồi cơm nếp vừa cười vừa ăn”. Tôi lại nhớ những miền quê có giống lúa nếp cái hoa vàng.

Tháng 10 gặt xong là phải để làm giống một phần, còn lại cất đi để dành cho đến tết. Đấy cũng là loại lúa của những làng nghề làm cốm. Khi hạt lúa ngậm sữa và đông sữa, người ta cắt về suốt hạt, rang và giã thành hạt cốm. Chính là món cốm mùa thu nức tiếng Hà Thành.

Câu ca ấy như thắp lên niềm hy vọng của người nông dân vào những mùa sau.

Tình cờ làm sao, tháng 10 tây ở Tây Ninh quê tôi cũng đã và đang bừng dậy niềm hy vọng, sau hơn 2 tháng miền đất này đau yếu vì dịch bệnh. Dù thời gian này, chiều nào cũng mưa, nhưng buổi sáng thường chan hoà ánh nắng. Thành phố Tây Ninh nới lỏng giãn cách xã hội đã hơn nửa tháng, phố phường xôn xao những niềm hy vọng đã bừng lên.

Chợ phường 3 vẫn phát phiếu đi chợ cách ngày một lần, nhưng không còn giăng dây trắng đỏ. Bên hè phố là mơn mởn ổi ruột đỏ quê ta, cùng táo xanh to bóng lưỡng nhập khẩu từ đâu đó. Rau muống, rau lang mơn mởn tươi non.

Vậy là đủ biết thị trường cung cầu đã được lưu thông. Chợ vắng, chưa đông như ngày thường trước dịch nhưng cũng đã xôn xao ồn ã tiếng chào mời. Chị hàng rau, cô bán hàng hoa quả. Thương nhất là mấy cô bác bán hàng món ăn nấu sẵn.

Các bà than:- Sau mấy tháng nghỉ bán, khách hàng đã đi đâu cả? Hay là họ cũng đã quen với việc nấu ăn từng món trong nhà của thời kỳ giãn cách nghiêm ngặt mất rồi? Đừng nóng ruột, các bác ơi! Người mới khỏi bệnh cũng cần có thời gian từ từ phục hồi sức khoẻ. Rồi sẽ trở lại những ngày xúm xít đông vui.

Tháng 10 tây. Nhiều ngày tôi đã thấy cả anh bán đồ giả cổ ở một góc công viên quen thuộc. Lại có bữa thấy cả anh bán chim với vài lồng chim lớn đặt trên ba-ga xe máy. Trong ấy là đủ loại, cả chim sáo đen, chào mào, cà cưỡng…

Nhưng thật ra mấy món “không thiết yếu” này chẳng có mấy người đến xem, mua. Có cảm giác người bán cũng không thiết tha bán mua cho lắm. Đi bán có thể chỉ là cho đỡ nhớ nghề thôi. Sau mấy tháng ngồi không, ăn chực, nằm chờ. Lại nữa, dọc phố đã có các tấm bảng đen ghi đầy các con số. Báo hiệu vé số đã trở lại rồi, dù chưa thấy người bán vé số đi rong…

Ở thành phố Tây Ninh tháng 10 tây, không nơi đâu tôi thích tới cho bằng con rạch chảy qua giữa lòng Thành phố. Ở đâu còn cảnh ảm đạm buồn, chứ tới rạch chỉ thấy những niềm vui hăm hở. Con nước biến đổi mỗi ngày.

Có hôm ngầu ngầu nước đó, bứt theo bụi muống, lục bình chạy phăm phăm. Thì hôm sau dòng nước đã hiền hoà, trở lại xanh trong. Ngày có lũ, tôi thường chạy tới cầu Bến Dầu nối phường Ninh Sơn tới xã Bình Minh… xem lũ.

Thì bên phía Ninh Sơn, nước rạch đã tràn bờ. Ruộng ven rạch đã thành trắng xoá. Cả những gốc tràm bông vàng đã đứng dầm chân trong nước. Gốc tràm xào xạc tiếng người tìm nơi câu cá. Dù hỏi ai cũng bảo chưa câu được con nào.

Tới cầu Bến Dầu, thì quả nhiên thấy dòng sông uốn lượn dưới chân cầu đã ào ào nước đổ. Nước cuộn xoáy những niềm vui hăm hở. Như các cô cậu bé vùng cao, đã rất lâu không được về thăm thành phố, đang nô nức chạy về.

Ở đoạn rạch chảy qua trung tâm Thành phố, tại các con đường Yết Kiêu, Quang Trung cũng vô số người câu cá. Dĩ nhiên là vẫn khẩu trang và khoảng cách an toàn. Với người đi câu năm nay, còn có một niềm vui là không phải chứng kiến cảnh đau lòng- cá chết trôi như mọi năm thường có. Thì các nhà máy đã ngưng làm việc mấy tháng qua, có nước thải đâu mà xả trộm. Dù năm nay, cá chưa thể nhiều nhưng cũng thắp lên một tia hy vọng ở mùa sau.

Đến khu phố 4, phường 3, tôi còn gặp một người đi “bẫy rắn”. Vừa đúng lúc anh đang lôi ra từ lồng bẫy một con rắn hổ hành. Đây cũng là lần đầu tiên tôi thấy cái lồng bẫy rắn. Nó hơi giống bẫy chuột, nhưng nhỏ hẹp và dài hơn. Bên trong lồng thả một con chuột sống cùng thức ăn (cho chuột).

Rắn thấy chuột theo miệng hom luồn vào. Chén xong thì rắn cũng không thể ra được. Vậy mà tới mấy lồng sau, chuột cũng không còn, mà rắn cũng đã đi mất. Thật không thể hiểu chúng ra bằng cách nào! Anh thợ bẫy rắn phân trần, lẩm bẩm. Rồi anh lại tiếp tục quy trình lại từ đầu, rồi tìm một bụi rậm thích hợp đặt bẫy vào. Anh kể, mỗi nơi như thế này anh đặt khoảng mươi lồng bẫy, vài hôm hoặc cả tuần mới đi thăm, mỗi lần kiếm được 4-5 con, đủ loại hổ hành, hổ mây hay hổ ngựa…

Ngoài khoảng ruộng nước ngập gần đó là mấy cô cậu bé đang dùng vợt đi bắt ốc. Gương mặt chúng bừng lên hớn hở. Như là gương mặt của dòng sông đang hăm hở tràn về, chở nặng những phù sa.

NGUYỄN