Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 7.2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến quán triệt Nghị định 09/2019/NĐ-CP quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước; Quyết định số 28/2018 về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước; Quyết định 274/QĐ-TTg phê duyệt đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia và hướng dẫn triển khai Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Tại điểm cầu Tây Ninh, dự hội nghị có Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh Trương Văn Hùng, Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Tấn Đức cùng lãnh đạo các ban, ngành của tỉnh.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong năm 2019 đã đạt những kết quả tích cực, đó là nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, các địa phương. Việc khai trương Trục gửi nhận văn bản quốc gia, đây là một bước tiến đáng ghi nhận để kết nối 95 các bộ, địa phương với văn phòng Trung ương Đảng, chưa đến 1 năm đã có gần 1,25 triệu văn bản gửi và nhận qua đây. Và trong ngày 12.3 tới đây sẽ khai trương Trung tâm Báo cáo quốc gia. Đây là trung tâm phục vụ cho sự lãnh đạo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tổng hợp tình hình các bộ, ngành, địa phương.
Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ gửi, nhận, xử lý văn bản trên môi trường điện tử, triển khai kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia và chuẩn hóa chế độ báo cáo, xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Kết quả, đã có 100% các bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Trung ương Đảng kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử ở 2 cấp chính quyền với Trục liên thông văn bản quốc gia. Sau khi khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia ngày 12.3.2019, số lượng văn bản điện tử được gửi, nhận trong tháng thứ 10 so với tháng đầu tiên khi vận hành đã tăng gấp 2 lần.
Về triển khai Cổng Dịch vụ công quốc gia, đã có 9/22 bộ, cơ quan kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 63/63 tỉnh, thành phố hoàn thành việc kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia; đã có gần 41.600 tài khoản đăng ký trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (trong đó 221 tài khoản của doanh nghiệp, còn lại là của người dân); có hơn 12,7 triệu lượt truy cập; hơn 664.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó có gần 6.400 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia được xử lý thành công.
Về chuẩn hóa chế độ báo cáo, nhìn chung, các Thông tư, Quyết định quy định chế độ báo cáo của bộ, ngành, địa phương về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu về thẩm quyền, hình thức văn bản theo quy định tại Nghị định số 09. Một số chế độ báo cáo không cần thiết đã được bãi bỏ, báo cáo có nội dung trùng lặp được cắt giảm, đơn giản hóa; tần suất báo cáo đã giảm. Về tình hình triển khai Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Văn phòng Chính phủ đang phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam xây dựng, chuẩn hóa các quy trình tổng thể của hệ thống, quy trình liên thông các chế độ báo cáo; quy trình chia sẻ dữ liệu báo cáo…
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, một đất nước phát triển là phải xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới thanh toán điện tử và thương mại điện tử. Việt Nam triển khai chính quyền điện tử từ năm 2000, có nhiều kết quả đạt được nhưng so với các nước phát triển chúng ta vẫn còn đi sau, đi chậm.
Do đó, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Uỷ ban Quốc gia về Chính quyền điện tử và năm 2019 đã có nhiều bước tiến rõ nét trong xây dựng chính quyền điện tử với sự ra đời của Cổng dịch vụ công quốc gia, Trục liên thông văn bản quốc gia… mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp, người dân.
Trong năm 2020 này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh vấn đề gửi nhận văn bản điện tử 4 cấp trên Trục liên thông văn bản quốc gia phải đạt 100%. Tuyệt đối không có việc gửi nhận văn bản giấy, tránh tình trạng văn bản đi chậm, việc ký văn bản hôm nay nhưng lại lùi ngày lại cho hợp pháp hoá. Chế độ báo cáo định kỳ qua hệ thống điện tử phải đạt tối thiểu 30%. Để triển khai, Bộ trưởng yêu cầu các Bộ cần ban hành thông tư hướng dẫn chế độ báo cáo định kỳ và Bộ phải có phần mềm kết nối với địa phương; địa phương chỉ việc báo cáo những nội dung địa phương làm, để tránh chồng chéo và tốn kém.
N.D