Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cuốn sách do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản lần đầu tháng 4.2014, tái bản lần thứ 5 năm 2020, được dư luận hoan nghênh, bạn đọc nồng nhiệt chào đón và đánh giá cao.

Năm 2020, tròn 45 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tái bản lần thứ 5 cuốn tiểu thuyết “Biên bản chiến tranh 1- 2- 3- 4.75” của tác giả Trần Mai Hạnh - phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Cuốn tiểu thuyết này hoàn toàn dựa vào tài liệu lịch sử có thật, có độ tin cậy cao, vì thế mới có tên gọi “Biên bản chiến tranh”
Tiểu thuyết lịch sử
“Thời gian ngày càng lùi xa thì diễn biến những sự kiện lịch sử ngày giải phóng miền Nam (30.4.1975) càng được sàng lọc, kiểm nghiệm và thông điệp gửi lại cho chúng ta hôm nay càng sâu sắc hơn… Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tái bản lần thứ 5, có bổ sung cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh.
Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 được dịch nhiều thứ tiếng.
Cuốn sách do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản lần đầu tháng 4.2014, tái bản lần thứ 5 năm 2020, được dư luận hoan nghênh, bạn đọc nồng nhiệt chào đón và đánh giá cao. Tác phẩm giành được những giải thưởng danh giá trong nước và khu vực: Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015.
Năm 2017, tác phẩm được dịch sang tiếng Anh giới thiệu với bạn đọc quốc tế, năm 2018 được dịch sang tiếng Lào và là một trong những đầu sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam trao tặng nước bạn Lào năm 2018” - trích lời giới thiệu của nhà xuất bản.
Từng là phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam, đầu năm 1975, tác giả Trần Mai Hạnh được cử tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với nhiệm vụ là phóng viên đặc biệt của cơ quan này, đi trong đoàn do đích thân Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam khi đó dẫn đầu.
Bám sát các binh đoàn chủ lực, tác giả đã theo các đoàn quân tiến vào giải phóng hầu hết các thành phố, thị xã suốt từ Huế tới Sài Gòn và may mắn có mặt, chứng kiến những giờ phút lịch sử trưa ngày 30.4.1975 tại Dinh Độc Lập. Những tài liệu nguyên bản thu được, những trang ghi chép tại chỗ trong quá trình tham gia chiến dịch và trong những ngày tháng đầu tiên của Sài Gòn giải phóng cùng với những tư liệu quý giá từ phía chính quyền Sài Gòn mà tác giả có cơ may và cơ duyên tiếp xúc, khai thác đã giúp tác giả viết nên cuốn sách.
Cuốn tiểu thuyết gồm 19 chương cùng với phần phụ lục gồm 31 tài liệu tham khảo nguyên bản được in toàn văn đã phác hoạ sinh động sự sụp đổ cùng chân dung của hầu hết tướng lĩnh quân đội và số phận những người cầm đầu chính quyền tay sai Sài Gòn trong bốn tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam (từ tháng 1 đến tháng 4.1975), làm nổi bật chiến thắng vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Theo tác giả Trần Mai Hạnh, ý định xây dựng cuốn sách này nảy sinh trong ông từ những ngày đầu tiên của Sài Gòn giải phóng. Vì những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, cũng như đời mỗi con người chỉ sống có một lần, ông đã cố gắng ghi chép thật nhiều những gì có cơ may chứng kiến, sưu tầm thật nhiều những tài liệu nguyên bản từ phía bên kia mà ông có cơ duyên tiếp xúc, với mong muốn phục dựng lại trung thực sự thật đã diễn ra trong những ngày tháng cuối cùng của chế độ nguỵ quyền Việt Nam Cộng hoà.
Tác giả xây dựng cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 với mong muốn tác phẩm vừa có giá trị văn chương, nhưng trước hết phải có giá trị vững chắc về sự thật lịch sử, trên những nguồn tài liệu sau: Biên bản trả lời phỏng vấn và lời tự thú của nhiều nhân vật từng giữ các chức vụ chủ chốt trong bộ máy quân sự và dân sự của chính quyền Sài Gòn cùng các cố vấn gần gũi, thân cận nhất với Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng hoà.
Biên bản lời khai cùng biên bản tường trình về những diễn biến chi tiết trong quá trình diễn ra sự sụp đổ tại các tuyến phòng thủ, các địa bàn chiến lược và những ngày cuối cùng tại Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn của nhiều tướng lĩnh nguỵ ở cả bốn vùng chiến thuật, thuộc các quân, binh chủng bị ta bắt tại trận hoặc sau ngày giải phóng ra trình diện chính quyền cách mạng.
Tác giả dày công sưu tầm những tài liệu nguyên bản của phía bên kia như thư từ, điện văn của Tổng thống Mỹ gửi Nguyễn Văn Thiệu, văn bản đệ trình của Bộ Tổng tham mưu, các báo cáo phân tích tình báo của quân đội Sài Gòn và Đại sứ quán Mỹ, điện chỉ huy tác chiến của Nguyễn Văn Thiệu và Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn trong toàn bộ quá trình diễn ra sự sụp đổ; phúc trình của tướng lĩnh các quân đoàn, sư đoàn, các tướng lĩnh thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn nộp cho Nguyễn Văn Thiệu và Cao Văn Viên… Như vậy, mặc dù “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” thuộc thể loại tiểu thuyết nhưng thông tin trong cuốn sách hoàn toàn dựa trên tài liệu lịch sử đáng tin cậy.
“Đồng bào mình cả chứ ai”
Khi bắt đầu xây dựng cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, ngay sau khi Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi, tác giả đã hiểu rằng, dù dữ dội và đau đớn đến đâu, cuộc chiến tranh nào rồi cũng qua đi. Những năm tháng khổ đau, máu và nước mắt của bất cứ bên tham chiến nào cũng không bao giờ bị lãng quên và tất yếu trở thành một phần của lịch sử. Suốt dọc đường chiến dịch từ Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn tới Sài Gòn, tác giả đã chứng kiến bao câu chuyện đau thương của con người.
Những xác chết chưa phân huỷ hết trên dọc đường chiến dịch. Cũng là đồng bào mình cả chứ ai. Không nên và không thể viết về những điều đó bằng sự lạnh lùng, hả hê của người thắng trận, phải nhìn nhận nó với thái độ nhân văn trước thân phận con người trong chiến tranh. Đó là sự lựa chọn của tác giả khi viết cuốn sách này.
Khi tài liệu, tư liệu đã tập hợp đầy đủ, với sự dung tưởng của một nhà văn, tác giả đã hoá thân sang phía bên kia để tái tạo và phục dựng lại những ngày tháng sụp đổ cuối cùng của chế độ nguỵ quyền Sài Gòn trong khuôn khổ của một cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử với một cái nhìn khách quan, không thiên kiến, tôn trọng sự thật lịch sử, nhân văn trước số phận những người thuộc phía bên kia, bảo đảm sự trung thực của ngòi bút trước các sự kiện.
Trong lần tái bản thứ 5, tác giả bổ sung nhiều tài liệu tham khảo in ở phần phụ lục cuối cuốn sách và viết kỹ thêm một số tình tiết quan trọng trong nội dung cuốn sách đã xuất bản trước đây, căn cứ trên những tài liệu tuyệt mật phía Hoa Kỳ giải mật và những hé lộ mới nhất về phút sụp đổ cuối cùng của nhiều tướng lĩnh, các nhân vật chủ chốt trong chính quyền Sài Gòn đang sống định cư ở nước ngoài. Tài liệu tham khảo in trong phần phụ lục cuối sách được chọn trong số tài liệu tác giả đang lưu giữ.
Đó đều là các tài liệu được đánh máy nguyên văn từ nửa thế kỷ trước theo đúng các tài liệu gốc thu được tại phòng làm việc và nơi ở của Nguyễn Văn Thiệu, phòng làm việc của Cao Văn Viên, Đại tướng, Tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hoà.
Cách trình bày, những chữ viết tắt, những câu tiếng Anh xen kẽ trong các tài liệu cũng như ký hiệu trong các bức điện tác chiến của Bộ Tổng tham mưu quân đội nguỵ Sài Gòn được giữ nguyên như tài liệu gốc, và có bảng chú dẫn chữ viết tắt cũng như cách đọc để tiện sử dụng.
Thời gian chẳng những không làm phai nhạt mà trái lại càng làm rõ nét hơn đại thắng mùa xuân năm 1975 - cuộc Tổng tấn công và nổi dậy oanh liệt nhất, vĩ đại nhất, có tầm quốc tế lớn lao và có tính thời đại sâu sắc của quân và dân ta.
Việt Đông
“Tuần báo… Guardian số ra ngày 1.1.1975, ngay trước ngày Phước Long thất thủ đã đăng trên mục “Quan điểm” bài “Việt Nam anh dũng” gây xôn xao dư luận. Bài báo có đoạn: “Bọn đế quốc từ lâu đã khét tiếng đạo đức giả. Điều đó không bao giờ lộ liễu bằng lúc xảy ra cuộc ném bom dã man ở Hà Nội, Hải Phòng và nhiều vùng đông dân cư ở Bắc Việt Nam cách đây hai năm. Chuông nhà thờ thì gióng giả “hoà bình trên trái đất” và các làn sóng điện thì đầy rẫy những bức điện về “tình huynh đệ” ngọt như mía lùi phát lên không trung đúng lúc tái diễn những trận bom rải thảm B.52. Không điều gì làm người ta quên đi trận ném bom B.52 tàn bạo vào Hà Nội trong dịp Noel cách đây hai năm. Nhưng thắng lợi cuối cùng của Nhân dân Việt Nam - điều có thể sớm xảy ra nếu nhân dân Mỹ lại một lần nữa góp phần vào việc làm cho Hoa Kỳ chấm dứt mọi sự dính líu vào Việt Nam - sẽ giúp đóng chiếc quan tài cuối cùng của chủ nghĩa đế quốc thì “hoà bình trên thế giới” mới thật sự ở trong tầm tay mà thôi...” (Trích tiểu thuyết “Biên bản chiến tranh 1 - 2 - 3- 4.75”).