Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tháng 4 lịch sử trên vùng đất anh hùng
Thứ ba: 07:29 ngày 30/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Cách đây hơn 44 năm, vùng đất này còn chìm trong đạn bom của chiến tranh khốc liệt, với khung cảnh hoang tàn và đổ nát. Dường như từng tấc đất, gốc cây, ngọn cỏ ở đây đều phải oằn mình gánh chịu mưa bom, lửa đạn.

Trở lại vùng đất cách mạng huyện Dương Minh Châu trong những ngày tháng 4 lịch sử để cảm nhận sự thay da đổi thịt, phát triển từng ngày của những địa danh đi vào lịch sử, những xã được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến.

Một góc Phước Ninh hiện nay, đường sá đã khang trang và sạch đẹp.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Phước Ninh là vùng giải phóng, là căn cứ địa cách mạng. Nơi đây không chỉ có các cơ quan của Tỉnh ủy, Huyện ủy Dương Minh Châu trú, tiến, lui chiến đấu, giấu quân, bổ sung quân... của các đơn vị chủ lực như Sư đoàn 5, Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 và là nơi tái lập đại đội vũ trang đầu tiên của huyện Dương Minh Châu (C31).

Trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xã Phước Ninh trực tiếp chiến đấu chống địch càn quét để bảo vệ xã, bảo vệ khu căn cứ, bảo vệ nhân dân vùng kháng chiến. Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ của xã đã đoàn kết, thương yêu, gắn bó, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, chiến đấu hy sinh trong chiến tranh, không ngừng nỗ lực phấn đấu, tích cực lao động sản xuất, từng bước xây dựng, củng cố và phát triển.

Ông Trần Tấn Hoàng- nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã nhớ lại, trước 1975 đây là vùng bom đạn rất hoang tàn, cỏ chát không thể cấy cày hay sản xuất được. Vùng này là một địa bàn rất quan trọng của rất nhiều lực lượng của bộ đội ta trú quân để mở các chiến dịch và các đợt hành quân khác. Nói đến xã Phước Ninh, không thể không kể đến những trận chiến ác liệt.

Ông Hoàng cho biết thêm, Phước Ninh là nơi tập kết quân chủ lực giải phóng trước khi chuẩn bị các chiến dịch, các trận đánh lớn vào sào huyệt của giặc ở Thị xã Tây Ninh và các căn cứ của địch ở Sài gòn. Do vậy, Mỹ - Ngụy coi Phước Ninh là cây gai đâm thẳng vào tim của chúng, chúng khoanh thành vùng tự do bắn phá, tự do hủy diệt bất chấp thủ đoạn như: B52 rải thảm, các chốt pháo như Châu Thành, Dầu Tiếng, Bàu Tràm, Bến Kéo và Trảng Lớn bắn vào Phước Ninh, ban ngày thì rải chất độc hóa học, bỏ bom, đổ biệt kích đánh phá, để bảo vệ vành đai thành phố Sài Gòn và Thị xã Tây Ninh.

CCB Trần Tấn Hoàng với niềm vui tuổi già.

Ngày nay, trở lại với vùng đất anh hùng này mới cảm nhận được sự phát triển và đổi thay từng ngày. Là một xã nông thôn mới, Phước Ninh đã chuyển mình để theo kịp các địa phương khác. Đường sá hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, trường học, đường điện thắp sáng được chú trọng và đầu tư, trình độ dân trí, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây ngày một nâng lên rõ rệt. Đi trên vùng đất này mới cảm nhận được sự nỗ lực, quyết tâm của chính quyền cùng người dân để phát triển ngày một vững chắc và vươn xa.

Ngược về hướng trung tâm của huyện Dương Minh Châu, hình ảnh một địa phương khác cũng có bề dày lịch sử của mình, xã Suối Đá – xã anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cũng đang chuyển mình để phát triển.

Trong 2 cuộc kháng chiến, địa bàn xã Suối Đá thuộc vùng căn cứ cách mạng, về phía địch cũng đầu tư xây dựng hệ thống đồn bót dày đặc, có sân bay dã chiến, trung tâm huấn luyện biệt kích Mỹ… Vì vậy vùng đất này là vùng chiến sự ác liệt giữa ta và địch, tổng cộng có hơn 360 trận đánh lớn nhỏ diễn ra.

Ông Nguyễn Khắc Luân- nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, nguyên Thường trực Đảng ủy xã, Phó Chủ tịch HĐND xã nhớ lại, sau khi đất nước thống nhất hậu quả chiến tranh hết sức nặng nề, vườn tược hoang tàn, bom đạn, vật liệu chiến tranh, chất độc hóa học rải kín khắp nơi.

Mặt đất nhan nhản bom đạn đủ loại, một bước chân người đi chạm vào một mảnh vỡ kim loại, thân cây nào còn đứng cũng chi chít vết thương. Đường sá hầu hết là đường mòn lầy lội, duy nhất chỉ vài km đường đá đỏ (Lộ 13) nhưng cũng chi chít ổ voi, ổ gà.

Tổ hợp tác sản xuất mãng cầu ở xã Suối Đá, một trong những cây trồng đem lại thu nhập cao cho người dân khu vực này.

Nhà ở của dân chỉ là tranh tre tạm bợ, xác sơ tiêu điều, trụ sở của xã cũng chỉ là căn nhà tranh vách đất; trơ lại trên dọc lộ 13 là lô cốt, hầm hào, công sự, đồn bót của giặc là bê tông kiên cố, bề ngoài những lô cốt ghi dấu chi chít vết đạn, pháo của ta… Kinh tế không phát triển được, đời sống người dân hết sức khó khăn, nạn đói là nỗi ám ảnh hàng ngày không của riêng ai.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân tập trung sức khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, dùng sức mạnh tập thể (Toàn đoàn sản xuất) đẩy lùi khó khăn, nhất là khi công trình thủy lợi Dầu Tiếng khởi công, sau 5 năm hoàn thành đã tạo nên bước phát triển vượt trội trên mặt trận phát triển kinh tế (lúa nước, nuôi trồng thủy sản), những cây trồng thế mạnh được phát huy như mía, mì, cao su, mãng cầu…

Nguyên lãnh đạo của xã Suối Đá cho biết thêm, đặc biệt từ khi có chủ trương “Đổi mới” do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đến nay, nền kinh tế-xã hội của Suối Đá phát triển vượt trội về mọi mặt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rất đáng kể, bộ mặt xã hội thay đổi đáng kể, không còn nhà ở tranh tre tạm bợ, các công trình phúc lợi xã hội khá khang trang.

Năm 1990 cả xã có hơn 3.000 hộ nghèo, gần 1.000 hộ trung bình, có hơn 10 hộ khá, chỉ có 4 gia đình có xe honda, 2 gia đình có máy cày… Ngày nay, toàn xã có hơn 35% số hộ giàu, 40% hộ khá, chỉ còn hơn 70 hộ nghèo (vì thiếu lao động); 100% hộ gia đình có nhà ở, có phương tiện đi lại, có máy nghe nhìn, có điện lưới, nước hợp vệ sinh.

Huyện Dương Minh Châu có tổng cộng 11 xã, thị trấn. Trong đó có 7 xã, đơn vị vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, gồm: Chà Là, Cầu Khởi, Phước Ninh, Lộc Ninh, Bến Củi, Suối Đá và Ban An ninh huyện (Công an huyện ngày nay). Trong 6 xã này, đã có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đó là Bến Củi, Cầu Khởi, Chà Là và Phước Ninh.

Tháng 4 lịch sử này, có dịp đi về trên những vùng đất anh hùng của huyện Dương Minh Châu mới thấy sự “thay da đổi thịt” từng ngày. Tuy còn khó khăn nhưng so với hôm trước, hôm nay những địa phương này đã chuyển mình mạnh mẽ, vượt lên khó khăn để xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng danh với truyền thống anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đức An

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục