BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tháng bảy, kỷ vật tìm về 

Cập nhật ngày: 28/07/2024 - 10:56

Một ngày giữa tháng bảy, nỗi nhớ dắt tôi tìm lại những mảnh vỡ của ký ức yêu thương chợt biến chợt hiện giữa bao nhớ quên trộn lẫn.

Tôi rẽ vào bảo tàng. Nhành bằng lăng trước sân đơm hoa tím nhạt. Cái sắc màu gợi bao nhung nhớ, khiến con người ta hoài niệm, rồi ưu tư trong muôn vàn lý do. Tại đây, tôi vô tình gặp đoàn du khách với nhiều lứa tuổi.

Trong chuyến hành phương Nam này, họ viếng thăm các bảo tàng, chiến trường xưa và những khu di tích lịch sử. Qua phần giới thiệu, tôi biết nhiều người trong số họ là cựu binh, từng chiến đấu tại mảnh đất họ đang đứng, còn lại là thế hệ con cháu đi để trải nghiệm, để hiểu hơn cái giá của sự hy sinh mà ông cha mình phải trả cho hòa bình, độc lập.

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng kỷ vật của thời vào sinh ra tử vẫn được nhiều người, nhiều nơi sưu tầm, gìn giữ. Đấy là chiếc võng bạt, sợi dây dù; là chiếc bi đông, quai vải; chiếc mũ cối, chiếc radio. Thậm chí là chiếc lược gỗ, đầu đạn hay cuốn sổ ghi chép lấm lem bùn đất... Mỗi kỷ vật ấy được lưu trữ cẩn thận như một chứng tích lịch sử, khắc ghi tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng của biết bao thế hệ cha ông.

Đối với một số người, kỷ vật không còn là đồ kỷ niệm nữa mà là bảo vật, báu vật của cuộc đời mình. Bởi nhiều lý do khác nhau nhưng thiêng liêng, lớn lao nhất khi nó trở thành “di ảnh” không thể xóa nhòa trong tình cảm mà họ đã ký thác vào đấy. Người lính xa gia đình, xa cha mẹ, xa vợ con thì những đồ vật được chắt chiu từ hậu phương là hình ảnh chân thật nhất của quê hương, cội nguồn, là minh chứng sống động nhất cho sợi dây tình cảm mặn nồng, thắm thiết.

Minh hoạ: Trà My

Có tiếng nấc khẽ kiềm cất lên giữa sự lặng im trong không gian rộng rãi của bảo tàng. Một người đàn ông luống tuổi xúc động khi bắt gặp lại những kỷ vật quen thuộc? Tôi thầm nghĩ, chắc chắn là vậy rồi. Chứng kiến hình ảnh người cựu binh rưng rưng khi nhìn các kỷ vật mà đồng đội đã hy sinh để lại, tôi thấy lòng mình se lại... Tôi lặng lẽ đi bên, cố tìm hiểu nguồn cơn... Thì ra những điều ông từng nếm trải, những ngày tháng cùng đồng đội hành quân, băng rừng vượt suối, những chiến thắng và cả những tổn thất luôn hằn trong trí nhớ của ông. Nhìn những kỷ vật, ông cảm giác chuyện cũ chỉ vừa thoáng qua, tươi rói. Đợi ông qua cơn xúc động, tôi ngồi bên ông, thật nhẹ nhàng, ông đã bộc bạch lòng mình.

Dòng người cứ lặng lẽ tiếp tục đi qua những kỷ vật. Họ nhìn ngắm. Họ trầm trồ. Người còn trẻ, khi sinh ra chiến tranh đã lùi vào quá vãng, có những thắc mắc nhờ hướng dẫn viên giải đáp. Giọng cô gái vang lên, truyền cảm đã “tái hiện” được cuộc đời của từng kỷ vật. Theo đó, mỗi kỷ vật đều có một câu chuyện riêng gắn với sự kiện, mỗi cuộc chiến nơi nó đi qua. Những câu chuyện về cuộc đời người lính từ cuộc sống đời thường đến những trận chiến ác liệt, thậm chí cả giờ phút thiêng liêng trước lúc hy sinh. Trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh, không ít người lính đã ngã xuống, mang theo những kỷ vật thiêng liêng quý giá còn chưa kịp gửi lại cho người thân, gia đình.

Tôi đã tận mắt quan sát, được nghe chia sẻ về những hiện vật của chiến trường, thấy được sự khốc liệt của cuộc chiến tranh. Từ đấy càng thêm biết ơn công việc thầm lặng của những người đã từng trải qua ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết đã góp phần tái hiện một góc nhỏ chiến tranh, cho thế hệ hôm nay và mai sau trân trọng, gìn giữ nền độc lập, hòa bình. Để rồi qua năm tháng, dẫu nhiều kỷ vật bị hoen gỉ, bị nhạt phai nhưng giá trị tinh thần mà nó mang lại không bao giờ mất đi.

Tháng bảy, có những khoảng lặng của ký ức bỗng theo về trong đong nỗi niềm xưa cũ. Trong khoảng sân vắng của bảo tàng, cánh bằng lăng tím nhạt gợi buồn man mác. Nhìn từng kỷ vật chiến tranh, bất chợt vang lên trong tôi mấy câu thơ đầy cảm xúc về những người đã hy sinh vì Tổ quốc “Họ đã sống và chết/ Giản dị và bình tâm/ Không ai nhớ mặt đặt tên/ nhưng họ đã làm ra đất nước” (Nguyễn Khoa Điềm).

Nguồn baodaklak