Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tháng Chín sôi động và những chuyến đi đa thông điệp
Thứ sáu: 10:38 ngày 29/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Chuyến công tác dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78, kết hợp các hoạt động song phương tại Mỹ, thăm chính thức Brazil (17-26/9) của Thủ tướng Phạm Minh Chính và chuyến thăm chính thức Bangladesh, Bulgaria của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (21-26/9) kết thúc tốt đẹp, khép lại một tháng Chín sôi nổi của hoạt động đối ngoại Việt Nam.

Chương trình làm việc dày đặc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Liên hợp quốc, Hoa Kỳ và Brazil, chuỗi hoạt động sôi động của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Bangladesh và Bulgaria mang lại kết quả thực chất với nhiều thông điệp...

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

Đạt ở mức cao tất cả mục tiêu, nhiệm vụ

Trong chuyến công tác tại năm thành phố của hai quốc gia châu Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính có chuỗi chương trình làm việc với hơn 70 hoạt động. Đặc biệt, có những ngày lịch trình làm việc lên tới 19 hoạt động. Trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, chuyến công tác của người đứng đầu Chính phủ thành công tốt đẹp, đạt ở mức cao tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ, thiết thực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Qua phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại các phiên họp, nhất là phiên thảo luận cấp cao, đã truyền tải được những thông điệp lớn về quan điểm, chính sách cụ thể của Việt Nam triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Sự tham gia của Thủ tướng tại New York thể hiện hình ảnh một Việt Nam trân trọng sự quý giá của hòa bình, ổn định, đang phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội; đồng thời có vai trò, vị thế và uy tín ngày càng cao trên trường quốc tế.

Việt Nam đã tranh thủ tối đa chuyến công tác để phát triển hơn nữa và mở mới quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế thông qua hàng chục hoạt động tiếp xúc giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên đoàn chính thức với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế.

Tại các cuộc gặp, đối tác đều thể hiện coi trọng vị thế, vai trò và tiếng nói tích cực của Việt Nam, thống nhất tăng cường trao đổi đoàn, hợp tác chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, khoa học công nghệ, lao động, du lịch, giáo dục đào tạo, giao lưu nhân dân cũng như ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Lãnh đạo nhiều nước ủng hộ tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Trong dịp này, chúng ta thiết lập quan hệ ngoại giao thêm với Tonga, đưa tổng số nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam lên 193 nước. Việt Nam cũng là một trong số những nước đầu tiên ký Hiệp định về Biển cả (BBNJ), điều ước quốc tế điều chỉnh việc khai thác, chia sẻ lợi ích và bảo tồn nguồn gien biển tại các vùng biển quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc gặp với Hạ nghị sĩ Kevin McCarthy, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ.

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, với Hoa Kỳ, đây là chuyến công tác đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt nước ta sau khi hai nước thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, góp phần triển khai các thỏa thuận đã đạt được trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden (10-11/9).

Thủ tướng đã có hàng chục cuộc gặp và tham dự sự kiện, với sự hiện diện của các quan chức cao cấp của chính quyền, Quốc hội liên bang, các bang, giới doanh nghiệp, trí thức, các bạn bè lâu năm và cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Các đối tác Hoa Kỳ đều khẳng định coi trọng Việt Nam và phát triển quan hệ hai nước có được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng. Hai bên thống nhất cao về việc cần khẩn trương triển khai thực hiện khuôn khổ quan hệ mới để sớm đạt kết quả cụ thể... Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ nhấn mạnh tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Nhiều thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ cao được ký kết và trao đổi.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Brazil Lula da Silva. (Nguồn: TTXVN)

Với Brazil, chuyến thăm đã đạt kết quả thực chất, toàn diện trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, nghị viện, giao lưu nhân dân và nhiều lĩnh vực hợp tác chính trị ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh, nông nghiệp, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, giao lưu nhân dân… và cùng đó mở ra cơ hội hợp tác trong một số lĩnh vực mới như kinh tế xanh, kinh tế số.

Tổng thống Brazil Lula da Silva đánh giá cao vị thế và vai trò ngày càng tăng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, cũng như triển vọng hợp tác không chỉ song phương mà còn ở phạm vi khu vực và quốc tế giữa Việt Nam với Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), hợp tác Nam - Nam, phối hợp trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Đông Á - Mỹ Latinh (FEALAC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ASEAN...

Hai nước sẽ phối hợp triển khai nhiều hoạt động phong phú nhân kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 16 năm xác lập quan hệ đối tác toàn diện. Về kinh tế, thương mại, Việt Nam và Brazil đứng trước cơ hội lớn gia tăng kim ngạch song phương lên 10 tỷ USD năm 2025 và 15 tỷ USD năm 2030; đẩy mạnh hợp tác lao động, đầu tư.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Shirin Sharmin Chaudhury ký Bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai Quốc hội. (Nguồn: TTXVN)

Kết quả thực chất, toàn diện

Với khoảng 70 hoạt động tại Bangladesh và Bulgaria, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đạt kết quả thực chất, toàn diện trên tất cả kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ, giao lưu nhân dân và các trụ cột của quan hệ. Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, chuyến thăm đánh dấu mốc son mới, mở ra giai đoạn phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam với hai nước bạn bè truyền thống.

Diễn ra vào đúng thời điểm hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023), chuyến thăm Bangladesh của Chủ tịch Quốc hội được chính giới cũng như truyền thông hai nước quan tâm theo dõi. “Chủ tịch Quốc hội Bangladesh gọi chuyến thăm của phái đoàn Quốc hội Việt Nam là một cột mốc quan trọng” - đây là tiêu đề bài viết của Hãng thông tấn nhà nước Bangladesh (BSS), đưa tin về cuộc hội đàm giữa người đứng đầu Quốc hội Việt Nam và Chủ tịch Quốc hội nước chủ nhà Shirin Sharmin Chaudhury.

Chuyến thăm là một “cột mốc” với việc lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ hai nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và người đồng cấp Chaudhury ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Quốc hội. Hai bên thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Bangladesh và Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Bangladesh-Việt Nam.

Hai bên thảo luận và nhất trí một số định hướng lớn nhằm đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới. Trên cơ sở đó, hai nước sớm phấn đấu đạt kim ngạch thương mại khoảng 2 tỷ USD.

Hai bên nhất trí duy trì phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt; nhấn mạnh việc cả Việt Nam và Bangladesh đều là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 nên có nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề cùng quan tâm, trong đó có biến đổi khí hậu và bảo đảm quyền con người.

Các nhà lãnh đạo hai nước khẳng định mong muốn chương mới trong quan hệ hai nước 50 năm tới sẽ được viết tiếp với tầm mức cao hơn và hiệu quả hơn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và người đồng cấp Bulgaria Rosen Zhelyazkov ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa Quốc hội hai nước. (Nguồn: TTXVN)

Chuyến thăm Bulgaria đặc biệt ngay từ lễ đón, khi được tổ chức trọng thể tại Quảng trường Aleksander Nevski, trung tâm thủ đô Sofia.

Phía Bulgaria bố trí tất cả lãnh đạo cao nhất hội đàm, hội kiến; Phó Chủ tịch Quốc hội Bulgaria cùng tham gia các hoạt động. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà đánh giá “đây là nghi lễ ngoại giao rất đặc biệt của Bulgaria dành cho đối tác mà bạn nói rằng là người bạn tin cậy nhất ở châu Á và Đông Nam Á”.

Tính đặc biệt còn thể hiện ở ngay trước chuyến thăm, Quốc hội Bulgaria đã phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVIPA) với số phiếu ủng hộ tuyệt đối. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là một cử chỉ hết sức có ý nghĩa, thể hiện sự coi trọng quan hệ giữa hai nước.

Bàn về những định hướng hợp tác trong bối cảnh tình hình mới, các nhà lãnh đạo đều cho rằng, hai bên cần khai thác lợi thế mà EVIPA khi đi vào thực thi mang lại, nghiên cứu thành lập các liên doanh ở Việt Nam hoặc Bulgaria sản xuất sản phẩm mà hai bên có nhu cầu hoặc xuất khẩu sang thị trường thứ ba. Hai bên nhất trí rằng giáo dục - đào tạo, lao động, du lịch, hợp tác địa phương là lĩnh vực hợp tác truyền thống giàu tiềm năng cần được khai thác hiệu quả hơn nữa.

Đáng chú ý, tại cả Bangladesh và Bulgaria, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có các bài phát biểu chính sách quan trọng; tham dự Diễn đàn chính sách, pháp luật thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư song phương. Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, hai bài phát biểu rất có ý nghĩa, gây cảm xúc, ấn tượng đối với cử tọa của hai nước – học giả, nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh, sinh viên, lãnh đạo bộ, ngành, Quốc hội, đoàn ngoại giao…

Qua hai bài phát biểu đó, Chủ tịch Quốc hội muốn truyền đi thông điệp về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, tự cường, đa phương hoá, đa dạng hoá trong quan hệ quốc tế trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động; Việt Nam làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, góp phần củng cố, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở cả hai khu vực châu Á, châu Âu cũng như trên toàn thế giới.

Có thể nói, hai chuyến công tác “phủ sóng” ba châu lục của hai người đứng đầu Chính phủ và Quốc hội Việt Nam khẳng định Việt Nam tiếp tục là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Sự hiện diện của các nhà lãnh đạo Việt Nam tại các nước với nhiều hoạt động, tiếp xúc sôi nổi... đã mở ra cơ hội mới để tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước, các đối tác.

Nguồn baoquocte

Tin cùng chuyên mục