Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tết nhứt người lớn về, xấp ngửa ba bữa rồi lại lo đi kiếm cơm, chỉ những đứa trẻ nhà khá giả mới có cơ hội đi xem các lễ hội tuần tự diễn ra sau tết.
1.
- Thằng Tân sướng thiệt bây ơi- con Lam nói rất bi thiết.
- Làm gì mà sướng?- thằng Bom hỏi tò mò, giọng nghe buồn buồn.
- Mới được ba mẹ dẫn đi xem đua ngựa, giờ lại chuẩn bị đi coi đua thuyền. Đua gì đua dữ không biết, cứ làm tớ thèm mới chịu được hay sao á ?! - giọng con Lam nghe cực kỳ ấm ức.
- Có lễ hội mới có lý do để những người có điều kiện đi chơi tết chớ mày.
- Tết nhứt gì bữa nay nữa, ông cố!
- Hết tết còn… xuân. Chớ mày không nghe nói, tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng tưng bừng lễ hội hả?
Tới đây thằng Bom xụi lơ, không muốn tiếp tục cuộc “cao đàm khoát luận” nữa, miệng nói bụng buồn chứ chẳng được cơm cháo gì. Tháng giêng tưng bừng lễ hội. Nghe thông tin đài báo mà biết chứ nó làm sao biết được.
Cái xóm nhỏ, nằm gần núi Chai, sát sông Bàn Thạch là xóm nghèo. Nghèo từ tiền kiếp. Mấy sào ruộng khoán không đủ nuôi miệng nên người ta phải kiếm chuyện làm thêm. Làm gì bây giờ, có ai học qua lớp chín đâu, chỉ còn cách lang bạt ở các thành phố lớn tìm các nghề không cần bằng cấp: thợ hồ, thợ nề, bán vé số, đi giúp việc nhà…
Một người đi, lót được ổ rồi thì hú thêm người nữa, người nữa… cứ như vậy, cuối cùng, xóm chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Tết nhứt người lớn về, xấp ngửa ba bữa rồi lại lo đi kiếm cơm, chỉ những đứa trẻ nhà khá giả mới có cơ hội đi xem các lễ hội tuần tự diễn ra sau tết.
Công bằng mà nói, cũng khổ thiệt nhưng chưa đến nỗi cơ cực, đói khát. Nghèo thì nghèo nhưng nhà nào cũng có ti vi, lại là ti vi màu hẳn hoi. Mà ti vi thì thứ gì chẳng có, lễ hội càng có. Lam ròm hỏi vậy tại nó ít coi ti vi hơn thằng Bom, Bom nhà ta con trai nhưng tính hướng nội, không thích nhảy lò cò ngoài sân ngoài ngõ như mấy đứa.
Lam con gái nhưng lại công kích chuyện dính chặt vô ti vi của thằng Bom, cứ nằm chình ình trên giường như thế sẽ ươn hết người. Nhưng giờ Lam có vẻ không công kích nữa khi thấy ti vi cũng mang lại những hiểu biết nhất định cho một đứa trẻ. Rồi nó ngồi nghĩ tới lễ hội, trán giãn ra, nghĩ ngợi.
Đêm, bầu trời đã có trăng non, hết tết rồi. Mùa xuân về, cái xóm nhỏ xôm lên được ba ngày rồi lại xẹp lép như cái ruột xe đạp xì hơi, hiu hắt. “Ngày xuân ngắn chẳng tày gang”. Thấy tiếc quá chừng. Nhìn những chùm hoa héo hon bị đem vứt, nhớ mấy ngày trước tết nôn nao rạo rực, giờ loáng một cái đã hết tết, buồn muốn khóc.
- Ba - thằng Bom lên tiếng.
- Chuyện gì mà ba với bốn? - ba nó trêu.
- Ba mẹ thằng Tân chuẩn bị chở nó đi coi đua thuyền ở đầm Ô Loan á?
- Nhà nó có điều kiện mà, năm nào hổng chơi đúng chơi đủ?
- Ô Loan có xa lắm không ba?
- Cũng khá xa nhưng đi được. Mà hỏi chi? Muốn đi chơi hả?
Trúng ý, thằng Bom hồi hộp, nói lắp bắp:
- Cũng muốn… đi một lần… cho biết… với người ta…
- Mai ba vô Sài Gòn lại rồi. Thôi, khi nào nhà mình đỡ đỡ chút, ba sẽ cho đi… bù.
Khi nào là khi nào, chắc tới Tết Công-gô quá! Thằng Bom xụ mặt, đi tìm con Lam ròm, thằng Tài, con Nhi, con Nhự than thở:
- Chúng ta là những đứa trẻ khốn khổ nhứt thế giới. Chúng ta không được sinh ra theo ý lành của Thượng Đế chí nhân.
- Gì nữa?
- Nhỏ giờ chúng mình có biết lễ hội là cái quái quỷ gì đâu?
Nhỏ Lam sảnh sẹ, vênh mặt liền:
- Ối giời! Đói ăn đói mặc mới khổ chứ lễ hội dễ òm, khó gì mà không biết. Trên ti vi cái gì chẳng có, còn muốn được đi coi trực tiếp thì ráng học, mai mốt thành tài cái gì cũng biết tuốt.
- Nhưng giờ muốn được đi liền.
- Năn nỉ ba mẹ đi.
- Tao xin ba rồi, không được là không được.
- Xin không được chẳng lẽ ngồi bó gối rầu rĩ. Thua keo này mình bày keo khác. Lễ hội là người ta bày ra trò gì đó để mọi người xênh xang áo quần nô nức đi phó hội. Mà ở đâu đẹp đẽ đông đảo, ở đó sẽ vui. Nên tớ nghĩ, người lớn làm được, tụi mình cũng làm được, khó khăn gì mà ngồi mếu.
- Bà có giỏi thì đứng ra tổ chức đi, tui áo quần bảnh bao phó hội liền.
- Chuyện nhỏ như con… thỏ.
- Dóc mỏ không hà (à)!
- Nghe này, mùng mười này chúng ta cũng tổ chức đua thuyền ngoài mương lớn, có điều… thuyền giấy.
2.
Lễ hội… thuyền giấy được Lam ròm phát động rộng rãi khắp xóm, hễ là trẻ nhỏ từ lớp 9 đổ xuống đều có quyền tham gia, số lượng thuyền không hạn định. Sẽ có một giải duy nhất, người đoạt giải đặc biệt sẽ được làm “tổng chỉ huy”. Được ra lệnh cho tất cả những người thua cuộc, bắt họ phải tham gia bất kỳ một trò nào đó mà người chiến thắng yêu cầu. Và “hình phạt” này sẽ được thực hiện vào tối hôm sau.
Với tinh thần quyết chiến quyết thắng, cu Bom, thằng Tài, con Nhự, con Nhi và mấy nhóc khác trong xóm thi nhau tìm những tờ bìa cứng, giấy màu, vò đầu nghiên cứu, xếp những chiếc thuyền đẹp nhất có thể. Thằng Tân cùng bố mẹ đi chơi nhiều nhưng vẫn hăng hái tham gia, nhiệt tình tới mức xếp lần tới năm con thuyền giấy bự chảng. Hắn có manh tâm muốn làm “tổng chỉ huy” mà.
Chiều mùng mười, trăng non. Trăng thượng huyền có hình lưỡi liềm, không phải, trăng có hình con thuyền, y như con thuyền giấy có hai cái mũi cong cong mà thằng Bom đang cầm. Trên mỗi chiếc thuyền, mấy nhỏ gắn lên một cây nến tí hon. Khúc mương cái, nơi có cây cầu bắc ngang tối nay lúc nhúc những cái đầu, lao xao tiếng cười giỡn, không khí náo nhiệt lắm.
“Không lộng lẫy, không cờ hoa, không quá tưng bừng, sôi nổi nhưng cuộc đua của chúng ta rất, rất đặc biệt. Thả một chiếc thuyền xuống nước là chúng ta đang thả những ước mơ…”- Lam ròm làm MC, trịnh trọng tuyên bố như vậy và mời Quý đen lên khai mạc lễ hội đua thuyền… giấy. Sau này, thằng Bom hỏi nó đào đâu câu dẫn hay ho đến vậy, nó bảo nhờ ba thằng Tân tư vấn.
Quý đen đang học lớp chín, lớn nhứt, được mấy nhỏ đề xướng làm trọng tài cuộc thi. Quý ta hất mặt trịnh trọng, bằng giọng rè rè vịt cồ của thằng con trai đang vỡ giọng, hắn đằng hắng một tiếng rõ to rồi tròn miệng, phát lệnh: nào các chiến binh, thắp nến thả thuyền thôi!
Sau câu lệnh là tiếng reo hò hướng ứng. 1...2...3! Mấy nhỏ đồng loạt la to rồi buông thuyền xuống nước, làm mấy người lớn gần đó, đang ở trong nhà cũng lật đật chạy ra xem. Thấy cảnh nô nức đó, ai nấy cũng cười rồi lắc đầu đi vô: cứ la hét cho đã đi, không ảnh hưởng gì đến hoà bình của xóm.
Những chiếc thuyền được thả xuống nước. Khúc mương bừng lên lấp lánh. Màu trắng đỏ vàng xanh, màu đùng đục của dòng nước được ánh sáng lờ nhờ của những ngọn nến nhỏ làm lung linh. Kỳ lạ, chắc là được ông trời ủng hộ, mấy bữa tết cứ lay bay mưa và lành lạnh nhưng tối nay bỗng ấm áp lạ thường.
Ánh sáng của nến hắt lên bờ, từng khuôn mặt trẻ thơ tươi mới, rạng rỡ bừng bừng. Mấy nhỏ phấn khởi la hét, có tiếng giả khóc hu hu khi một con thuyền bị nhận nước, ngọn nến từ từ chìm xuống. Có tiếng cười ha há sảng khoái, tiếng vỗ tay hí hửng khi những con thuyền còn trụ được trên nước, nến vẫn hiên ngang cháy sáng.
Thuyền trôi tới đâu, tiếng bước chân, tiếng cười nói chảy theo đến đó. Khi chỉ còn đôi con thuyền trên dòng nước cùng chút nến cuối cùng, hắt thứ ánh sáng yếu ớt xuống dòng nước thì mấy nhỏ tạm im lặng, đây là giờ khắc thiêng liêng - giờ khắc chuẩn bị đeo vòng nguyệt quế cho người thắng cuộc.
Không biết sức mạnh gì làm cho thuyền thằng Bom kiên cường đến vậy. Khi chỉ còn thuyền mình ngạo nghễ ngự trên dòng nước cùng ngọn nến hiên ngang, thằng Bom ré lên, tung tay tung chân la hét, nhìn nó, người ta nghĩ niềm vui đang vỡ oà đến từng tế bào li ti trong cơ thể gầy đét kia.
Thấy Bom phấn khích quá tay, mấy nhỏ cũng bừng lên như dầu thêm lửa, ùa lại nhấc bổng nó lên, tung hô như một nhà vô địch. Rồi bằng cái giọng rè rè của một đứa nhỏ khàn cả cuống họng vì la hét cả ngày, Bom cố thăng bằng, đứng trên vai của Quý đen, long trọng nói: Từ nay, xóm chúng ta sẽ lấy mùng 10 tết làm ngày đua thuyền giấy “truyền thống”. Ban tổ chức sẽ đi xin giải thưởng từ các mạnh thường quân trong xóm. Bom vừa dứt lời, mấy nhỏ vỗ tay rần rần hưởng ứng: “Đồng ý, đồng ý!”.
Thằng Tân không phải là người chiến thắng nhưng ứng xử rất đẹp, nó đặt tay lên vai thằng Bom chúc mừng, hệt như những chiến binh trọng nghĩa khinh tài.
3.
Ba của thằng Tân đứng đấy tự bao giờ. Đợi mấy nhỏ la hét yếu đi, chú yêu cầu tất cả im lặng rồi ôn tồn nói: sang năm, chú hân hạnh xin làm nhà tài trợ chính cho lễ hội thuyền giấy của xóm.
Trời ơi, chú chưa kịp dứt lời, tiếng reo hò vỡ ra dữ dội, cái xóm nhỏ gần con mương lớn rộn ràng chưa từng có.
Nguyễn Thị Bích Nhàn