Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cá rô phi hiện nay cũng còn nhiều, nhưng cá rô đồng thì khan hiếm, còn rô biển thì cực kỳ khan hiếm. Người ta chích điện, giăng lưới cũng không bắt được cá rô biển thì có đâu mà đi câu.
Tháng mười âm lịch, sáng sớm tiết trời se lạnh, những cơn mưa cuối mùa thưa dần. Sau gần hai tháng ngập lụt, nước sông rạch bắt đầu hạ nhanh. Nhìn dòng rạch quê nhà, nước đục ngầu xuôi chảy, hai bên rạch không một bóng người ngồi câu, lòng tôi chạnh nhớ tháng mười của thời xa xưa. Hồi đó cứ vào dạo này, anh em tôi cùng nhiều bà con trong xóm chèo xuồng ba lá, cắm sào bên mé rạch, ngồi câu cá rô biển. Ðó ký ức khó quên đối với tôi.
Con rạch quê tôi trước kia nhỏ hẹp hơn bây giờ. Ngoài dòng chính chảy ra sông Vàm Cỏ Ðông, nó còn có nhiều dòng nhánh ăn sâu vào giữa các cánh đồng. Từ đó hình thành hệ thống kênh, rạch, bưng trũng. Ngày ấy, môi trường sông nước còn trong lành và chưa có tình trạng đánh bắt cá theo lối huỷ diệt, nên hệ thống kênh, rạch quê tôi vô cùng phong phú các loài thuỷ sản. Trong đó, riêng loài cá cũng khó biết và không thể kể ra hết được. Mỗi loài cá có đặc điểm riêng, vì vậy mà có cách đánh bắt khác nhau.
Không rõ vì sao có một loại cá sống dưới sông, rạch, chẳng dính dáng gì đến biển, nhưng ông bà ta lại gọi là cá rô biển? Về hình dáng và đặc tính, cá rô biển và cá rô đồng khác nhau khá xa. Cá rô đồng mình dài, giống như bàn tay khép các ngón. Chúng sống khắp nơi, từ kênh rạch cho tới ruộng đồng và được xếp vào loại “cá đen” (tràu, trê, rô...).
Còn rô biển mình tròn như bàn tay xoè. Loại này sống chủ yếu dưới kênh rạch, chỗ nước sâu và được xếp vào loại “cá trắng” (mè, thác lác, trèn bầu...). Vì thế, thời điểm đi câu, mồi câu, cách câu, kể cả sự hứng thú của người đi câu đối với rô đồng và rô biển cũng khác nhau. Thời điểm đi câu cá rô đồng thích hợp nhất là vào tháng bảy, tháng tám âm lịch, sau khi cấy lúa mùa được vài tháng và nước bắt đầu lên.
Mồi câu cá rô đồng chủ yếu là trứng kiến vàng; chỗ câu là những láng, lung đang cấy lúa... Còn mùa câu cá rô biển vào tháng mười, tháng mười một, khi nước rã lụt (nước lụt hạ xuống); chỗ câu thường là cửa rạch (nơi tiếp giáp giữa rạch nhánh với rạch chính) và cặp mé rạch. Mồi câu cá rô biển là cá con (tốt nhất là cá đỏ đuôi)...
Hồi đó, anh em chúng tôi mỗi ngày đi học một buổi, buổi còn lại đi câu. Ði học về, cơm nước vừa xong, chúng tôi chuẩn bị đi câu. Anh tôi vào bếp lấy chiếc lồng bàn tre, bới chén cơm nguội, cầm cái thau nhựa nhỏ, rồi xách dầm xuống bến. Còn tôi cầm hai cần câu, vác thêm cây sào theo anh. Xuống xuồng, anh chèo xuồng đến mấy cái láng có chỗ nước trong để nhử cá con làm mồi câu. Anh đặt chiếc lồng bàn sâu xuống nước, rồi nhai cơm nguội phun xuống chiếc lồng bàn.
Bầy cá đỏ đuôi (cá con nhỏ phần đuôi có màu đỏ) thấy chùm bột cơm trắng thi nhau lao vào đốp mồi. Chờ cho chúng tụ vào thật nhiều, anh nhẹ nhàng, từ từ đưa chiếc lồng bàn lên. Ðàn cá con háu ăn nằm gọn trong chiếc lồng bàn mà nhảy lưng tưng. Anh cho cá con làm mồi vào thau nhỏ và tiếp tục nhử nữa. Ðộ chừng đủ mồi cho hai đứa câu một buổi, anh ngưng bắt và chèo xuồng đến gần cửa rạch tìm chỗ thích hợp, anh chống sào, neo xuồng cho cố định. Rồi anh một đầu, tôi một đầu xuồng và đo mực nước móc mồi ngồi câu.
Rô biển là loại ăn mồi ngầm gần sát đáy rạch, nên người đi câu phải làm nhợ câu (dây câu) khá dài. Khoảng giữa nhợ câu gắn chiếc phao; gần cuối nhợ, cách lưỡi câu vài phân gắn một cục chuỳ nhỏ (để lưỡi câu chìm nhanh và sâu xuống đáy rạch). Tuỳ theo mực nước chỗ ngồi câu, anh em tôi điều chỉnh phao lên xuống, sao cho lưỡi câu có móc mồi vừa tầm ăn của cá rô biển. Cá rô biển rất háu ăn. Chúng thường đi theo bầy từ vài con đến vài chục con. Khi câu được con này, những con khác không hoảng sợ mà vẫn tiếp tục “cắn câu”.
So với câu cá rô đồng (thường đi trên bờ ruộng), ngồi câu cá rô biển khoẻ và “đã tay” hơn. Mỗi lần thấy chiếc phao nhịp nhịp, rồi chúi nhanh xuống nước là anh em tôi giật mạnh cần câu. Khi dính những con cá to, cỡ hai bàn tay xoè nhập lại, cá lạng qua, lạng lại trong nước nghe “đã” cái tay. Kéo cá lên khỏi mặt nước để vào xuồng, nhìn nó nhảy bành bạch, bành bạch là thấy “đã” con mắt!
Xế chiều, khi trên xuồng có được mớ cá rô biển ngon lành, anh em tôi nhổ sào lui xuồng. Nhưng anh chưa chèo xuồng về bến, mà chèo đến mấy cái láng gần đó nhổ mớ bông súng đem về. Tháng mười cũng là mùa bông súng trổ bông trắng xoá. Về bến, anh em tôi gom cá trên xuồng cho vào lồng bàn. Ngoài dầm, sào, cần câu như lúc đi, giờ từ bến lên nhà, anh tôi bưng chiếc lồng bàng đầy ắp cá, còn tôi ôm mớ bông súng khệ nệ theo sau. Về nhà, chị tôi làm cá, anh em tôi lựa, lặt, rửa bông súng. Làm cá xong, chị lựa cá lớn kho ngót, còn cá nhỏ đem muối làm khô.
Bữa cơm chiều, cả nhà quây quần bên mâm cơm gạo xương gà (do ba đi đập lúa mướn mà có), với cá rô biển kho ngót, chấm bông súng ngon vô cùng. Có khi để đổi vị, cá rô biển đem về, chị tôi đem kho khô ớt, hay muối cá đem chiên, có bữa chị gom rơm nướng trui cá, mỡ chảy xèo xèo trên ngọn lửa rơm thơm lừng. Anh em tôi cũng biết thay đổi rau- từ bông súng sang rau hẹ, rong cây, hoặc đọt vừng, trâm ổi... mà thiên nhiên ban tặng cho người nghèo vùng sông nước.
Mùa câu cá rô biển cũng không dài, chỉ trong vòng hơn hai tháng. Ðến hết tháng 11, sang đầu tháng Chạp, nước sông cạn nhiều. Người dân quê tôi tập trung chài lưới đánh bắt cá dưới rạch rất nhiều nên không còn câu cá rô biển được nữa. Anh em tôi cũng như những người dân xóm tôi xếp câu, chờ đến tháng mười năm sau... Những năm sau này, ngoài cá rô đồng, rô biển, dưới dòng rạch quê tôi có thêm loại cá rô phi.
Cá rô phi hiện nay cũng còn nhiều, nhưng cá rô đồng thì khan hiếm, còn rô biển thì cực kỳ khan hiếm. Người ta chích điện, giăng lưới cũng không bắt được cá rô biển thì có đâu mà đi câu. Cá rô phi ăn thịt dở hơn cá rô đồng, rô biển rất nhiều. Dòng rạch quê tôi ngày càng bị ô nhiễm, trong khi đó nạn đánh bắt cá huỷ diệt vẫn cứ tiếp tục diễn ra... Tôi chỉ lo con cháu sau này sẽ không còn thấy được con cá rô biển quê mình nữa.
T.L