BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tháng Tám, về thăm quê hương Rạch Tràm- Phước Chỉ anh hùng

Cập nhật ngày: 17/08/2010 - 09:33

Giữa những ngày Tháng Tám lịch sử, tôi về thăm vùng sông nước của xã biên giới -xã Phước Chỉ anh hùng (Trảng Bàng), một trong những “địa chỉ đỏ” có phong trào đấu tranh cách mạng rất sớm của tỉnh Tây Ninh. Đây cũng là nơi quần chúng tham gia Cách mạng Tháng Tám năm 1945 rất sôi nổi. Xã này có một địa danh đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của quân dân Tây Ninh. Đó là “Rạch Tràm”.

Dòng Rạch Tràm, phụ lưu sông Vàm Cỏ Đông ở xã Phước Chỉ (Trảng Bàng)

Cụ Lê Văn Phu, 84 tuổi, ngụ ấp Phước Bình, xã Phước Chỉ cho biết, ấp Phước Bình chính là ấp Rạch Tràm ngày trước. Hồi đó, ấp Rạch Tràm dân cư đông đúc hơn bây giờ. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ở ấp Rạch Tràm còn có ngôi chợ buôn bán khá sầm uất. Chợ nằm ngay bên bờ rạch Tràm (phụ lưu của dòng sông Vàm Cỏ Đông) cách sông Vàm Cỏ Đông khoảng 3km đường chim bay, nhà lồng chợ lợp ngói âm dương đàng hoàng, bề thế lắm. Đây là chợ đầu mối mua bán gạo của cả khu vực cánh Tây Trảng Bàng. Chung quanh chợ có nhiều chành lúa, nhiều gian hàng buôn bán tạp hoá. Cùng với người Việt có người Hoa đến đây mua bán. Vào mùa thu hoạch lúa, nông dân từ các nơi ở xã Phước Chỉ, xã Mỹ Quý (huyện Đức Huệ) và từ bên kia biên giới đánh xe trâu hoặc chèo xuồng theo con rạch Tràm chở lúa đến chợ Rạch Tràm bán và mua hàng tạp hoá về tiêu dùng. Đến khoảng năm 1947, bộ đội Việt Minh đánh trận ở cầu Mương Đào (cũng thuộc ấp Rạch Tràm) giết chết một tên lính Tây. Quân Pháp căm tức lắm, càn vào đây để trả thù cách mạng, bọn lính Tây đốt nhiều nhà dân và thiêu huỷ luôn cả khu chợ Rạch Tràm. Từ đó, chợ Rạch Tràm chỉ còn lại trong trí nhớ của những vị cao niên. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ấp Rạch Tràm đã bị kẻ địch biến thành vành đai trắng, vùng “oanh kích tự do”. Bà con đành phải bỏ xứ “tản cư” đi nhiều nơi khác sinh sống. Mặt đất ấp Rạch Tràm chi chít hố bom. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà con trở về quê san lấp hố bom, xây lại cuộc sống mới. Khu chợ Rạch Tràm ngày nay đã có một số bà con cất nhà sinh sống và buôn bán nhỏ. Chỗ nền lồng chợ Rạch Tràm ngày xưa giờ đây bà con làm sân phơi và có một con đường nhỏ chạy qua. Phía bên kia chợ Rạch Tràm, cách dòng rạch với bề ngang khoảng 50 mét là địa phận xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ. Bên ấy có những ngôi nhà tường khang trang. Chiều xuống, trẻ con hai bên bờ rạch vui vẻ nô đùa. 

Trong cái bình lặng của vùng nông thôn sông nước ấp Phước Bình này ít có ai ngờ rằng, hơn 65 năm về trước từng có tổ chức cách mạng và những cuộc đấu tranh cách mạng của quần chúng rất sôi nổi. Xã Phước Chỉ nói chung, ấp Rạch Tràm nói riêng chính là nơi đứng chân của các tổ chức cách mạng từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Theo các tài liệu truyền thống địa phương cho biết, năm 1937 ở Phước Chỉ có một nhóm thanh niên yêu nước, mà nòng cốt là các ông Vẳng, Ngởi, Thạnh được sự chỉ đạo của một cán bộ Tổng uỷ cầu An Thượng hoạt động và tổ chức Hội Ái hữu giúp nhau cày cấy, ma chay, cưới hỏi, giỗ chạp… Ở Rạch Tràm còn có các nhóm đấu tranh xin giảm thuế được quần chúng rất ủng hộ. Đến năm 1938, phong trào quần chúng lên mạnh, được sự chỉ đạo của cán bộ Đảng, ông Vẳng tổ chức Uỷ ban hành động gồm 14 người. Uỷ ban này có trụ sở được đặt tại chợ Rạch Tràm và hoạt động dưới hình thức mua các loại báo tiến bộ lúc bấy giờ như: Tranh Đấu; Dân Chúng từ Sài Gòn đem về phổ biến cho đông đảo quần chúng. Hoảng sợ trước phong trào quần chúng cách mạng, tháng 6.1938, chính quyền thực dân Pháp cho đóng một cái đồn lính ở Rạch Tràm và cấm nhân dân không được tụ tập quá 20 người. Tháng 8.1938, nhân lúc Tỉnh trưởng Tây Ninh Rờ -nu đi xem xét tình hình và hiếu dụ đồng bào ở Rạch Tràm, Uỷ ban hành động đã tổ chức cho hàng ngàn người ở Rạch Tràm đến dự để nghe chúng diễn thuyết. Và sau đó biến cuộc nghe diễn thuyết thành cuộc biểu tình đòi giảm thuế. Đại biểu đồng bào là các ông Vẳng, Ngởi, Thạnh lên gặp trực tiếp tên Rờ-nu đưa yêu sách. Rờ-nu hứa sẽ báo cáo lên Thống đốc Nam kỳ xem xét. Tháng 9.1939, Tỉnh trưởng Tây Ninh Rờ-nu ra lệnh giải tán các tổ chức dân chủ ở xã Phước Chỉ. Chúng cho lính đi tìm bắt đảng viên và cán bộ cách mạng. Phong trào dân chủ ở xã Phước Chỉ nói riêng, huyện Trảng Bàng nói chung bị đàn áp và đi vào hoạt động bí mật.

Hưởng ứng ngày Nam kỳ khởi nghĩa, các ông Vẳng, Ngởi tổ chức một cuộc họp ở vùng rừng cấm giữa hai xã Phước Chỉ và Bình Thạnh để chuẩn bị sẵn sàng chờ lệnh hành động. Đêm 23.11.1940, nhận được lệnh, ông Ngởi huy động quần chúng đào phá các con đường xung yếu, chặt cây cản đường từ bến đò Lộc Giang đến chợ Rạch Tràm. Một bộ phận được phân công đi cắt đứt dây cáp phà qua sông, ngăn đường tiếp viện của địch. Ông Vẳng huy động thanh niên tiến công đồn cảnh sát giành chính quyền ở chợ Rạch Tràm. Kế hoạch đang triển khai thì có lệnh báo cuộc khởi nghĩa bị bại lộ, địch đang đàn áp phong trào, phải phân tán lực lượng ngay. Khởi nghĩa Nam kỳ bị thất bại, ở Rạch Tràm chúng cho một trung đội lính Lê Dương tập trung tại chợ, nửa đêm đi càn vào các xóm lùn sục, khám xét và đốt phá nhà cửa của dân. Sau đó, địch tăng cường thêm lính ở đồn Rạch Tràm, tiếp tục lùng sục kiểm soát chặt chẽ vùng này. Phong trào hoạt động cách mạng ở xã Phước Chỉ lúc này tạm lắng đọng. Sau đó ít lâu, ông Vẳng liên lạc được với tổ chức Đảng ở Đức Hoà và nhận Chương trình Việt Minh về triển khai cho hai xã Phước Chỉ và Bình Thạnh. Từ đây, phong trào cách mạng ở ba xã cánh Tây Trảng Bàng hoạt động theo Chương trình Việt Minh dưới sự chỉ đạo của tổ chức Đảng ở Đức Hoà. Những ngày tháng 8.1945, khi nhận được lệnh khởi nghĩa từ Đức Hoà, lãnh đạo tổ chức cách mạng ở Phước Chỉ đã nhanh chóng thành lập Ban tuyên truyền vận động khởi nghĩa, gồm các ông: Vẳng, Ngởi, Thạnh, Màng, Côn, Tấn, thầy giáo Quang. Theo kế hoạch đã thống nhất, ông Ngởi kéo lực lượng vũ trang đến vây đồn Rạch Tràm và gọi binh lính ra đầu hàng. Trước khí thế sôi sục của quần chúng, bọn lính trong đồn hạ súng đầu hàng. Lực lượng vũ trang chiếm đồn thu súng. Bọn cầm đầu ở chợ Rạch Tràm cũng hoang mang cao độ. Khi lực lượng ta đến thì chúng nhanh chóng đầu hàng giao chính quyền cho ta.

Hệ thống thuỷ lợi trạm bơm Phước Chỉ đang được bê tông hoá

Cách mạng Tháng Tám thành công chẳng bao lâu, thực dân Pháp tái chiếm nước ta. Cùng với cả nước quân dân xã Phước Chỉ anh hùng tham gia cuộc trường kỳ kháng chiến chống pháp. Lúc này, giặc Pháp tiếp tục đóng đồn lính ở Rạch Tràm. Tham gia đánh Pháp xong, quân dân Phước Chỉ lại tiếp tục cùng với quân dân cả nước tham gia đánh giặc Mỹ xâm lược. Chính quyền Mỹ- nguỵ, tiếp tục đóng đồn ở Rạch Tràm. Những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ-nguỵ, ở Phước Chỉ có những sự kiện rất đáng ghi nhận. Đó là vào ngày 16.10.1960, chi bộ Phước Chỉ đã lãnh đạo 1.000 quần chúng bao vây đồn Rạch Tràm và hô khẩu hiệu chống khủng bố, đàn áp, chống bắt lính, chống gom dân…  Bọn lính đã đánh bị thương 5 người dân. Tên đồn trưởng bắn chết má Nguyễn Thị Ý đang dẫn đầu đoàn đấu tranh. Má Ý hy sinh, quần chúng đưa xác má ra quận lỵ Gò Dầu đấu tranh. Tên quận trưởng ra nhận lỗi và hứa bồi thường nhân mạng và trừng trị tên đồn trưởng Rạch Tràm. Đầu năm 1963, quân dân Phước Chỉ ngày đêm bao vây, bắn tỉa, bức hàng bọn lính trong đồn Rạch Tràm. Ta vận động gia đình lính nguỵ đến kêu gọi con em bỏ đồn, nộp súng cho cách mạng. Nhờ vậy, sau một thời gian vây ép, kết hợp 3 mũi giáp công, địch hoảng sợ tháo chạy, ta san bằng đồn bót, giải phóng xã Phước Chỉ ngày 13.3.1963. Những năm sau đó, địch đánh phá ác liệt vào xã Phước Chỉ. Rạch Tràm và những nơi khác ở xã Phước Chỉ bị biến thành vành đai trắng. Đại bộ phận nhân dân Phước Chỉ phải tạm rời quê hương tìm nơi khác sinh sống.

Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng đất nước độc lập, thống nhất, người dân Phước Chỉ từ các nơi trở về quê sinh sống và bắt tay xây dựng lại quê nhà. Cùng với các nơi trong tỉnh, đời sống của bà con Phước Chỉ ngày càng  ổn định. Những năm qua, các cấp lãnh đạo rất quan tâm đầu tư cho Phước Chỉ về cơ sở hạ tầng: làm đường giao thông nông thôn, xây trường học, trạm xá, hệ thống cung cấp nước sạch, làm đê bao tiểu vùng. Đặc biệt là xây dựng trạm bơm Phước Chỉ. Đây là công trình thuỷ lợi đầu tiên của tỉnh Tây Ninh được thực hiện từ những năm đầu mới giải phóng. Gần đây nhất là con đường Rạch Bờ Đắp nối từ ấp Phước Bình ra đến bờ sông Vàm Cỏ Đông đã được phục hồi nâng cấp. Con đường này bị hư hỏng hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và bị “bỏ quên” từ ngày giải phóng đến nay. Cùng với việc làm lại con đường, bến đò Lộc Giang- Phước Chỉ trước đây cũng vừa được “nâng cấp” từ “bến đò” lên “bến phà”. Có đường giao thông nối từ trong giồng ra đến bờ sông, có bến phà sang sông, việc đi lại của bà con xã Phước Chỉ rất thuận tiện.

Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình vùng sông nước, hầu hết bà con xã Phước Chỉ sống bằng nghề nông và chỉ độc canh cây lúa nên tuy kinh tế có phát triển nhưng nhìn chung vẫn còn chậm hơn nhiều nơi khác trong huyện Trảng Bàng. Cũng do trước đây giao thông nông thôn còn gặp nhiều khó khăn nên hầu như không có nhà đầu tư lớn nào đặt chân đến xã Phước Chỉ. Một bộ phận lao động Phước Chỉ phải tìm đến các khu, cụm công nghiệp ở các nơi khác làm việc. Nước sạch cũng còn là nỗi lo của một bộ phận không nhỏ dân cư Phước Chỉ. Một điều đáng lưu ý nữa là từ ngày chợ Rạch Tràm bị lính Tây “xoá sổ” đến nay, ở xã Phước Chỉ chưa xây dựng lại ngôi chợ nào. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Phước Chỉ nhiệm kỳ 2010-2015, phần xây dựng kết cấu hạ tầng có nêu: Nâng cấp nhựa hoá hương lộ 8, đoạn từ ngã ba Bà Xẩm đến sông Vàm Cỏ Đông; Nhựa hoá đường Rạch Me, đường Lái Mai; Phún đỏ đường tuần tra biên giới giáp với xã Bình Thạnh; Quy hoạch khu dân cư ấp Phước Mỹ; Hoàn chỉnh chợ đường biên giới đưa vào sử dụng; Xây dựng trạm cấp nước sạch ấp Phước Dân, Phước Mỹ; Làm đê bao tiểu vùng các ấp Phước Trung, Phước Hội, Phước Lập, Phước Long, Tràm Cát; Xây mới Trạm Y tế xã; Đầu tư hoàn chỉnh sân bóng đá xã… Để thực hiện được các chỉ tiêu nghị quyết này, Đảng bộ và nhân dân xã Phước Chỉ rất cần sự quan tâm giúp đỡ đầu tư của các cấp lãnh đạo, các ngành chức năng.

D.H