Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Những người cán bộ trẻ, đầy quyết tâm cách mạng ngày nào giờ đã là những ông lão tuổi bát tuần. Họ dẫu mắt có mờ, tay và giọng nói run run nhưng những ký ức hằn sâu vẫn luôn nguyên vẹn.

Mừng đất nước tròn 50 năm thống nhất.
Trong những ngày tháng 4 năm 1975, tin chiến thắng các nơi chuyển về vang dội, dồn dập từ Huế, Đà Nẵng, Kon Tum. Không khí sục sôi lắm, ngay tại Tây Ninh mình. Đó là những ký ức không thể quên trong cuộc đời làm cách mạng của các ông Trần Việt Biên và Trần Hồng Tư. Ông Biên, ông Tư là 2 người còn lại trong số 7 Thị uỷ viên lãnh đạo các mũi tiến công giải phóng thị xã Tây Ninh ngày 30.4 năm 1975. Tròn 50 năm, một ngày tháng 4, chúng tôi tìm gặp, cùng nghe các ông kể về vẻ đẹp rực rỡ của ngày đại thắng năm xưa.
Ký ức ngày đại thắng
Những người cán bộ trẻ, đầy quyết tâm cách mạng ngày nào giờ đã là những ông lão tuổi bát tuần. Họ dẫu mắt có mờ, tay và giọng nói run run nhưng những ký ức hằn sâu vẫn luôn nguyên vẹn. Hai ông lão tuy đã ngoài 80 vẫn nhớ như in không khí sôi sục những ngày sắp giải phóng miền Nam để đất nước được thống nhất.
Ông Trần Việt Biên nhớ lại, đầu tháng 4, Đảng bộ Thị xã tổ chức cuộc họp Ban Chấp hành Thị uỷ tại Căn cứ Giồng Cà, xã Bình Minh. Lúc đó, Ban Chấp hành Thị uỷ có 7 người, gồm ông Võ Đức Tú- Tỉnh uỷ viên là Bí thư Thị uỷ; ông Huỳnh Văn Khai- Phó Bí thư Thị uỷ; ông Lê Đức- Thường vụ Thị uỷ, Trưởng Công an Thị xã; ông Lê Văn Bình- Thường vụ Thị uỷ phụ trách Dân vận; ông Trần Hồng Tư- Thị uỷ viên, Bí thư vùng 2 Thị xã; ông Trần Việt Biên- Thị uỷ viên, Bí thư vùng 3 Thị xã và ông Trần Văn Liên- Thị đội trưởng. Thực hiện phương châm được chỉ đạo “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”, Thị uỷ thành lập nhiều cánh quân để tiến công vô Thị xã.
Lá thư hoả tốc do ông Võ Đức Tú- Bí thư Thị uỷ Tây Ninh lúc bấy giờ gửi cho ông Bảy Biên.
50 năm đã qua nhưng ông Trần Việt Biên vẫn cất giữ kỹ càng bức thư hoả tốc do ông Võ Đức Tú- Bí thư Thị uỷ bấy giờ viết gửi cho ông vào ngày 28.4.1975. Thư viết: “Mệnh lệnh tấn công đã đến, anh nhanh chóng triển khai lực lượng, phối hợp với Châu Thành thực hiện các mục tiêu theo kế hoạch (phải liên lạc chặt với Châu Thành để nắm giờ hợp đồng). Tình hình nội bộ địch mấy ngày nay có xáo trộn thì đây là âm mưu kéo dài thời gian hòng củng cố lực lượng chống lại cách mạng. Ta thì cương quyết đánh chiếm cho được Tây Ninh, không nên chần chờ mất thời cơ. Đẩy mạnh mũi binh vận. Mấy việc trao đổi vậy. Đề nghị báo cáo hàng ngày về Thị uỷ”.
Bức thư là hiệu lệnh tiến công giải phóng Thị xã. Từ hiệu lệnh đó, các Thị uỷ viên đã chỉ đạo các cánh quân tiến công giải phóng Thị xã. Các cánh quân gồm lực lượng vũ trang, các đoàn thể, mỗi cánh khoảng 40-50 người. Trong đó, ông Trần Việt Biên phụ trách cánh quân vùng 3 (từ rạch Tây Ninh- trường đua thuộc ấp Hiệp Trường, Hiệp Hoà- Mít Một kéo dài tới Trường Nam Trung học Tây Ninh, là Trường THCS Trần Hưng Đạo hiện nay) tiến công vô Thị xã. Ông Trần Hồng Tư phụ trách vùng 2 từ Thanh Điền tiến vô Thị xã.
Thời điểm đó là những ngày cuối của cuộc chiến với khí thế đang lên nhưng những người làm cách mạng như ông Biên, ông Tư và những đồng đội của mình luôn phải tập trung, cân não làm nhiệm vụ, họ không có một giấc ngủ ngon với quyết tâm giải phóng Thị xã.
7 giờ rưỡi tối ngày 30.4 năm 1975, sau khi Thị xã được hoàn toàn giải phóng, tất cả chỉ huy trưởng các cánh quân đều tập trung về ngay trụ sở xã Thái Hiệp Thạnh (nay là trụ sở Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố) để tổng kết. Đó là cuộc gặp, đánh giá thắng lợi sơ bộ của từng cánh quân và nghe truyền đạt tinh thần chỉ đạo giải quyết các việc sau ngày 30.4 như: tiếp quản các đơn vị, thu gom vũ khí, phát huy thành quả thắng lợi.
Nhưng với những người đi ra từ cuộc chiến như ông Biên, ông Tư, niềm vui lớn nhất là khi tổng kết lại đợt tiến công này không một ai hy sinh. “Lúc đó, được gặp lại những người đồng đội của mình, tất cả chúng tôi vui mừng không tả xiết, đúng cảm giác “vui sao nước mắt lại trào”. Bởi với chúng tôi ngày ấy, việc sống chết khó lường, được gặp lại nhau là hạnh phúc lắm! Đó là đêm đáng nhớ không thể nào quên trong cuộc đời tôi”- ông Trần Hồng Tư xúc động kể lại.
Ông Trần Việt Biên (bìa phải) và ông Trần Hồng Tư ôn lại chuyện cũ
Chiến thắng của nhân dân
50 năm qua đi, khi nhớ về chiến thắng ngày ấy, hai cựu lãnh đạo Thị xã vẫn cho rằng đó là chiến thắng của sức mạnh tổng hợp với sự đóng góp to lớn của người dân.
Theo ông Biên, để thuận lợi đi đến chiến thắng cuối cùng thì đi đôi với tấn công vũ trang là kết hợp công tác vận động, tuyên truyền. Khi ấy, những đảng viên, đoàn viên, tự vệ mật, hội viên, những người cảm tình với cách mạng không ngừng tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân về ý nghĩa việc thực hiện giải phóng Thị xã, giải phóng Tây Ninh, giải phóng miền Nam. Cứ như vậy, người này tuyên truyền cho người kia, vận động, tác động vào nhân dân, thân nhân binh lính, nhân viên chế độ cũ.
Ngoài người dân, Thị uỷ cũng đẩy mạnh vận động binh lính, nhân viên chế độ cũ bỏ súng về với gia đình, tuyệt đối không dùng súng chống lại cách mạng với khẩu hiệu “đầu hàng là sống, chống lại là chết”. “Khi nhận mệnh lệnh tiến công của ông Võ Đức Tú, tôi viết thơ gửi cho các đồn trưởng các đồn rằng miền Nam sắp giải phóng, kêu gọi các anh bỏ súng, về với gia đình. Từ lời kêu gọi đó mà việc tiếp quản được dễ dàng, họ tuân thủ răm rắp”- ông Trần Việt Biên nhớ lại.
Có thể nói, việc giải phóng thị xã Tây Ninh vào ngày 30.4 chính nhờ sự phối hợp hiệu quả sức mạnh các lực lượng bên ngoài lẫn bên trong.
Ông Trần Hồng Tư nói, những ngày sau giải phóng, mọi thứ ngổn ngang. Việc làm ngay là thu gom vũ khí, phương tiện, tiếp quản cơ sở vật chất. Kế đến là giữ gìn an ninh trật tự, vận động quần chúng nhân dân cùng giữ gìn an ninh trật tự. Những việc này nhằm đưa Thị xã trở lại hoạt động bình thường, không để bị đứt đoạn. Bên cạnh đó là vận động binh lính chế độ cũ trình diện, thực hiện giáo dục về chính sách khoan hồng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam... Tất cả những việc này được làm trong khoảng một tháng trời. Và khi đó nhân dân luôn là những người hỗ trợ rất đắc lực. “Sau giải phóng, người dân tham gia vệ sinh đường phố dùng nước sơn xoá bỏ hình ảnh cờ của chế độ cũ ở khắp nơi, vận động trình diện, cung cấp thông tin đối tượng tàn dư. Có thể nói, lúc đó lực lượng quần chúng tham gia cách mạng triệt để với tinh thần “quần chúng tốt, cách mạng tốt”- ông Trần Việt Biên cho biết.
Từ trái sang: ông Trần Việt Biên và ông Trần Hồng Tư (thứ 3) trong chiến khu vào năm 1967.
Sau giải phóng, ông Biên, ông Tư tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, phát triển của Thị xã và tỉnh nhà. Ông Trần Việt Biên từng là Phó Bí thư Thị uỷ, Bí thư Tỉnh đoàn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Ông Trần Hồng Tư từng làm Chủ tịch UBND Thị xã, Bí thư Thị uỷ cho đến ngày nghỉ hưu.
50 năm hưởng niềm vui hoà bình, ông Trần Hồng Tư chia sẻ: “Ngày đó, vui mừng lắm, không còn chiến tranh, người dân mình được tự do, ấm no, hạnh phúc, các gia đình được đoàn tụ. Nhưng cũng rơi nước mắt vì nhiều người đã ngã xuống để có được hoà bình này. Đau lắm! Cho nên tôi mong sao các thế hệ nhân dân cùng nhau xây dựng đất nước ngày càng phát triển, biết quý trọng nền hoà bình hiện tại”.
Một góc thành phố Tây Ninh hôm nay (Ảnh: Lê Tấn Phát)
Ông Trần Việt Biên cũng bày tỏ mong muốn: “Hiện nay chúng ta đang kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi này lớn lắm! Là thắng lợi mang lại hạnh phúc, ấm no, độc lập, tự do cho nhân dân. Tôi nghĩ, người dân, đặc biệt là lớp trẻ phải thấy được thành quả của ông cha mình để ra sức giữ gìn, xây dựng phát triển đất nước mãi mãi sau này”.
Vi Xuân - Khải Tường