Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Chỉ 18 tháng kể từ sau Đại hội XII của Đảng, Ủy ban Kiểm tra trung ương (UBKTTƯ) đã tiến hành tới 16 kỳ họp. Các thông cáo báo chí được phát hành sau mỗi kỳ họp đều kịp thời, rõ ràng.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa họp kỳ 16 từ 25 đến 27-7-2017 tại Hà Nội - Ảnh: TTXVN
Nhiều cá nhân, tổ chức đã bị xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm minh.
Công khai hóa chính là bước tiến quan trọng trong công tác kiểm tra của Đảng và trong hoạt động của UBKTTƯ. Nó tạo sức hút đối với sự quan tâm của toàn xã hội và tạo sức mạnh cộng gộp từ sự đồng thuận và niềm tin của dư luận.
Qua các kết luận của UBKTTƯ, những người dân chân lấm tay bùn được giải tỏa bức xúc phần nào trước những biệt phủ, tài sản kếch sù, lối sống xa hoa, sự thăng tiến thần tốc, nhóm lợi ích mờ ám... của một bộ phận quan chức.
Điều này cho thấy rằng công tác kiểm tra giống như thanh bảo kiếm của Đảng, đã được rút ra đúng thời điểm nạn tham nhũng, suy thoái đang gây nguy cơ xấu hơn bao giờ hết.
Nhớ lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn pha. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm, khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ.
Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”. Công tác kiểm tra luôn có ý nghĩa quan trọng đối với bất cứ chính đảng nào, đặc biệt là đối với các đảng cầm quyền.
Tại phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng vừa diễn ra, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lấy hình ảnh lò lửa khi củi khô cháy đượm rồi thì củi tươi cho vào cũng cháy... Thật sự, không có cuộc chiến đấu nào có thể giành thắng lợi sau cùng nếu chỉ một mình bộ chỉ huy làm việc.
Nếu Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng là bộ chỉ huy tối cao của Đảng - Nhà nước trong cuộc chiến này, công tác kiểm tra nội bộ và hoạt động của UBKTTƯ được coi là thanh bảo kiếm sắc bén thì hai thiết chế này cũng không thể làm hết được mọi việc.
Những kết luận dày dặn, số lượng các vụ việc được nêu khá nhiều, đồng thời với không ít cá nhân, tổ chức bị kỷ luật, bị truy cứu..., nhưng có lẽ đây cũng mới là phần nổi của tảng băng chìm, nếu so với “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái.
Đám lửa có thể cháy bùng lên, cả củi tươi và củi khô, nhưng cũng có thể bị tắt khi không còn củi hoặc bị giội những thùng nước lạnh. Xây dựng một thể chế, pháp luật mạnh, đủ khả năng phòng ngừa và xử lý tham nhũng, với sự tham gia của đông đảo nhân dân mới chính là điều kiện cần và đủ cho cuộc chiến chống tham nhũng thành công.
Muốn vậy, phải có những thay đổi mạnh mẽ về tư duy trong sửa đổi, bổ sung Luật phòng chống tham nhũng sẽ được trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp cuối năm 2017 này, để một đạo luật đã được Quốc hội ban hành suốt 12 năm qua không bị ví như “cọp không răng” nữa.
Nguồn TTO