Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
'Thành hoàng' đất Cảng
Chủ nhật: 11:37 ngày 11/12/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong tâm thức người dân đất Cảng, nữ tướng Lê Chân được coi là Thành hoàng của Hải Phòng. Mỗi người dân mảnh đất "hải tần phòng thủ", dù ở bất cứ nơi đâu, đều chung một niềm tự hào là con cháu của bà.

Trong tâm thức người dân đất Cảng, nữ tướng Lê Chân được coi là Thành hoàng của Hải Phòng. Mỗi người dân mảnh đất "hải tần phòng thủ", dù ở bất cứ nơi đâu, đều chung một niềm tự hào là con cháu của bà.

Theo sử sách, Lê Chân sinh ra ở làng Vẻn, thôn An Biên, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay là xã Thủy An, Ðông Triều, Quảng Ninh). Lớn lên trong cảnh đất nước bị phong kiến phương bắc đô hộ, Lê Chân sớm rời quê hương tìm đến vùng đất An Dương, nơi có sông ngòi chằng chịt, đất đai màu mỡ, lau sậy um tùm, địa thế hiểm trở, lập căn cứ quyết thề chống giặc ngoại xâm, đền nợ nước, trả thù nhà. Bà chỉ huy người dân khai hoang, lấn biển, lập làng An Biên - TP Hải Phòng ngày nay. Bà tập hợp nhân dân, tích lũy lương thảo, luyện tập nghĩa binh, thu nạp hào kiệt, xây dựng một đội quân hùng mạnh và trở thành cánh quân chủ lực của Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Ðông Hán xâm lược. Sau chiến thắng, Lê Chân được tấn phong là Thánh Chân công chúa và đảm nhận trọng trách "chưởng quản binh quyền" thống lĩnh toàn bộ quân đội, kiêm trấn thủ vùng ven biển.

Tưởng nhớ công ơn nữ tướng, nhân dân xây dựng đền Nghè trên phố Mê Linh và đình An Biên ở phố Hai Bà Trưng (quận Lê Chân). Ngày xưa, lễ hội đền Nghè, đình An Biên - một trong những lễ hội lớn của cộng đồng dân cư ven biển, được tổ chức rất trọng thể, có lễ rước thần và diễn lại công trạng hành binh đánh trận diệt giặc của thần và nhân dân ta... Người dân từ khắp nơi về dự lễ, thắp nén hương thơm dâng lên nữ Thánh, cầu mong cuộc sống thanh bình, gặp nhiều điều may mắn, tốt lành với bản thân, gia đình, dòng tộc và đất nước.

Cuối năm 2000, một pho tượng Nữ tướng Lê Chân được đúc bằng đồng, cao 7,5m, nặng 19 tấn đã hoàn thành, uy nghiêm tọa lạc ngay giữa trung tâm thành phố và trở thành một biểu trưng của thành phố Cảng. Bất cứ du khách nào đến đây cũng đều ước muốn thắp nén tâm hương, kính cẩn nghiêng mình trước vị nữ tướng tài ba này.

Tháng 8 âm lịch vừa qua đúng dịp rằm Trung thu, người dân Hải Phòng tổ chức Lễ hội kỷ niệm 1970 năm Ngày Nữ tướng Lê Chân thắng trận tôn vinh công đức Nữ tướng đã có công khai khẩn, lập nên mảnh đất Hải Phòng ngày nay, qua đó giúp các thế hệ hôm nay tiếp tục phát huy giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống về lòng yêu nước thương dân, lòng tự hào dân tộc Việt.

K.D (st)

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục