PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thành hoàng trên đất biên cương
Thứ năm: 10:14 ngày 06/02/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Huyện Trảng Bàng có 2 ngôi đình ở các xã Bình Thạnh và Phước Chỉ là khá gần biên giới. Trong đó, thành hoàng đình Phước Chỉ còn là một vị tiền hiền có công vừa mở đất lập làng, vừa chiến đấu giữ biên cương.

Đình Phước Chỉ.

Trên đất Tây Ninh, rất ít xã biên giới có đình làng. Huyện Trảng Bàng có 2 ngôi đình ở các xã Bình Thạnh và Phước Chỉ là khá gần biên giới. Trong đó, thành hoàng đình Phước Chỉ còn là một vị tiền hiền có công vừa mở đất lập làng, vừa chiến đấu giữ biên cương. Theo các bậc cao niên ở xã, thành hoàng của đình làng xưa là ông Biện Văn Ðống. Ông là Trùm cả đầu tiên của làng Phước Chỉ, từ khi mở ấp lập làng.

Sách Trảng Bàng phương chí của Vương Công Ðức (xuất bản năm 2014) và bản Lý lịch Di tích lịch sử đình thần Phước Chỉ được trình ra Hội đồng thẩm định của Sở VH,TT& DL vào tháng 12.2018 đều ghi lại sự tích thành hoàng đình Phước Chỉ. Chuyện về ông qua ghi chép của cụ Lê Văn Chánh- nguyên Trưởng Ban Quý tế đình Phước Chỉ. Vào năm 2014, ông Chánh đã 83 tuổi. Vậy nên chi tiết về thân thế thành hoàng của cả hai tài liệu kể trên đều khớp nhau.

Theo đó: “Cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, Trùm cả Biện Văn Ðống là người đưa lưu dân đến lập nghiệp trên vùng đất nay là xã Phước Chỉ… Trong thời kỳ đầu, ngài vừa dẫn dắt dân khai hoang đến lập ấp mở mang ruộng vườn, vừa phải chiêu tập lực lượng để đối phó với người Khmer (từ biên giới thường sang gây hấn- TV).

Tương truyền trong một trận giao tranh ác liệt, ngài và thuộc hạ bị bao vây tứ phía nhưng vẫn cố thủ chờ viện binh song không thấy, túng thế ngài đã nhảy xuống sông Vàm Cỏ tuẫn tiết để tránh rơi vào tay người Khmer. Khi quân tiếp viện đến đã muộn, thấy vậy đã cho an táng và chọn bến sông nơi ngài tuẫn tiết xây một ngôi đình thờ ngài tại Rạch Me…” (Lý lịch Di tích LS đình thần Phước Chỉ). Ðây có thể là câu chuyện được kể lại từ các thế hệ ông bà cho con cháu.

Trong đó, các chi tiết đã được tóm tắt cho gọn lại và dễ nhớ. Trên thực tế, theo tập quán thường thấy ở nhiều miền đất Nam bộ, người đã hy sinh vì nước thường trước tiên được lập miếu thờ. Sau một thời gian, kết hợp với các sự “linh ứng” của ngôi miếu mà có sự chuyển hoá từ miếu sang đình. Ðình Phước Chỉ chắc cũng xuất hiện về sau theo chu trình ấy.

Ðối chiếu với lịch sử, người ta cũng biết rằng thôn Phước Chỉ được lập vào năm 1838, lúc đầu thuộc tổng Hàm Ninh, huyện Tân Ninh, phủ Tây Ninh (Từ điển Ðịa danh Hành chính Nam bộ- Nguyễn Ngọc Tư, NXB Chính trị Quốc gia 2008). Chi tiết đáng chú ý là khi mới thiết lập nền hành chính của phủ Tây Ninh (1836), Phước Chỉ thuộc “huyện Tân Ninh, do phủ Tây Ninh kiêm lý” (Ðại Nam nhất thống chí).

Như vậy là vào những năm đầu, Phước Chỉ cũng như đa số các xã thuộc huyện Trảng Bàng hiện nay đều thuộc quyền kiểm soát trực tiếp từ cấp phủ, tương đương với cấp tỉnh hiện nay, chứ không phải lệ thuộc huyện Quang Hoá như nhiều tài liệu đã viết nhầm. Chỉ đến thời vua Tự Ðức (1848-1883) thì mới có sự kiện lập thêm tổng mới Hàm Ninh Hạ, tách ra từ tổng Hàm Ninh.

Không rõ năm nào, nhưng chắc chắn là phải sau năm 1848, Hàm Ninh Hạ mới thuộc về huyện Quang Hoá. Sau khi Pháp chiếm (1862) thì huyện đổi thành Hạt thanh tra Quang Hoá. Ðến 1867, chính quyền thực dân mới đổi tên thành Hạt thanh tra Trảng Bàng. Sau này, tới năm 1903 lập quận Trảng Bàng thuộc tỉnh Tây Ninh, Phước Chỉ vẫn là một làng thuộc tổng Hàm Ninh Hạ.

Theo các tài liệu đã dẫn, đình Phước Chỉ được lập vào năm 1838, sau khi thôn làng chính thức được ghi danh vào sổ bộ của triều đình. Ðến năm 1880, đình được dời từ Rạch Me về vị trí hiện nay thuộc ấp Phước Ðông. Ðình được vua Tự Ðức ban sắc phong nhưng đã thất lạc, hoặc bị cháy theo ngôi đình bị giặc Pháp triệt hạ vào năm 1947.

Qua 2 cuộc kháng chiến, vùng đất này tiếp tục là nơi giao tranh quyết liệt. Vậy nên phải tới những năm cuối thập niên 80 thế kỷ trước, đình mới được phục dựng lại trên đống tàn tro gạch nát. May sao, bom đạn giặc vẫn không thể huỷ diệt một khoảnh rừng cây cổ thụ đã mọc lên trên đất đình xưa.

Cũng nên nhắc lại, Phước Chỉ trong quá khứ là một khu vực dân cư trù phú của huyện Trảng Bàng. Ðấy là vào những năm đầu thế kỷ 20; khi ở Phước Chỉ có tới 2 ngôi chợ: Rạch Tràm và Trà Cao. Theo sách Trảng Bàng phương chí, vào năm 1939, toàn tỉnh Tây Ninh có 7 ngôi chợ lớn, trong đó có chợ Rạch Tràm.

Chợ Rạch Tràm giống như một “chợ đầu mối” nông sản của vùng miền, có rất nhiều Hoa kiều đến đây lập vựa, thu mua thóc lúa. Chi bộ Ðảng Cộng sản đầu tiên ở tỉnh Tây Ninh được hình thành ở đây từ năm 1937. Ðây là công lao của nhiều thế hệ người dân Phước Chỉ, trong đó có công đầu của vị thành hoàng.

Vậy mà chiến tranh quá khốc liệt, hậu quả để lại nặng nề khiến đến nay Phước Chỉ vẫn chưa thể hồi phục. Vậy nên đình thờ vẫn còn quá nhỏ bé khiêm nhường. Chính điện chỉ có khoảng 40 mét vuông, tường xây “con kiến”, lợp mái phibro- xi măng và mới đây thay bằng tôn giả ngói.

Ðình cũng có thêm lớp võ ca, cột bê tông nhẹ, mái tôn tạm bợ sơ sài. Bù đắp lại cho sự thiếu hụt của con người, là một thiên nhiên toả bóng thâm nghiêm trên khắp đất đình xưa. Ðấy là rừng cây xoài rừng cổ thụ, còn gọi là cây quéo. Không ai biết rừng cây có tự bao giờ. Chỉ biết còn tới 8 cây quéo và 1 cây sao, trong đó có 1 cây quéo đường kính gốc tới gần 2 mét.

Dáng cây thẳng tắp, vươn lên khoảng trên 30 mét mới xoè ra những cành lá lừng lững giữa không trung. Ðình quay về hướng Ðông, nơi còn thấy rõ một bàu vuông nay đã thành ruộng lúa. Các nhà khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh đã đến khảo sát nơi đây.

Báo cáo khoa học năm 2011 về “Ðiều tra, xác định và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy các di tích khảo cổ học ở Tây Ninh” ghi nhận: “Ðình được xây dựng một nền đất đắp cổ, đất được đào từ bàu nước cổ phía Ðông đắp lên, bàu nước có cạnh Bắc - Nam trên 40m, cạnh Ðông - Tây gần 100m… Dựa vào vết tích của bàu nước cổ, đoàn khảo sát xác định được đây là một di tích cổ thuộc thời kỳ văn hoá Óc-eo, có niên đại trên dưới 1.000 năm cách ngày nay”.

Bàu nước cổ, những hàng cây cổ thụ, ngôi đình nhỏ và vài ngôi miếu nhỏ, tất cả đã tạo nên một không gian kỳ vĩ và tương phản. Không gian đình làng như một vũ trụ thu nhỏ, nổi bật trên nền trời quê còn trống trải bao la…

Với tất cả những gì đã và hiện có, đình Phước Chỉ đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận di tích lịch sử văn hoá vào ngày 31.12.2019. Thần tích của vị thành hoàng sẽ tiếp tục được tôn vinh trên một dải biên cương.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục