BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thành lập và duy trì hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp FDI:Cần đổi mới phương thức hoạt động

Cập nhật ngày: 21/10/2011 - 04:52

Làm thế nào để thành lập và duy trì hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài? Đây là vấn đề khó khăn mà nhiều tỉnh, thành trên cả nước gặp phải trong quá trình thực hiện kết luận số 80-KL/TW ngày 29.7.2010 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 23.11.1996 của Bộ Chính trị khoá VII về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong tình hình mới.

Vấn đề trên cũng chính là chủ đề chính được đưa ra thảo luận khá sôi nổi tại Hội nghị giao ban giữa các ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất (gọi tắt là khu công nghiệp – KCN) các tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mở rộng lần thứ 14, được tổ chức vào ngày 21.10 tại Khu chế xuất Linh Trung III (xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng). Hội nghị do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Huỳnh Văn Quang chủ trì với sự tham dự của đại diện Vụ Kinh tế ngành Văn phòng Chính phủ, Vụ Quản lý kinh tế thuộc Bộ KH-ĐT cùng lãnh đạo 22 ban quản lý các KCN.

Là một trong 4 vùng kinh tế phát triển tạo động lực cho khu vực và cả nước, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh, thành được đánh giá là phát triển năng động và có mức tăng trưởng cao nhất nước, thu hút hơn 40% tổng vốn đầu tư trong nước, 60% tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Vùng kinh tế này đóng góp khoảng 40% tổng sẩn phẩm quốc nội (GDP), trong đó có hơn 50% là già trị sản xuất công nghiệp, gần 70 giá trị xuất khẩu và hơn 50% tổng thu ngân sách nhà nước. Đến nay, toàn vùng đã có 114 KCN đi vào hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 600.000 lao động.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Quang cho biết, Tây Ninh có 9 KCN nằm trong danh mục KCN đến năm 2015, tầm nhìn 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tổng quy mô diện tích đất tự nhiên gần 4.500ha. Tính đến giữa tháng 10.2011, Tây Ninh thành lập được hai khu kinh tế cửa khẩu (Mộc Bài và Xa Mát) và 5 khu công nghiệp (KCN Trảng Bàng, Khu Chế xuất và CN Linh Trung 3, KCN Bourbon An Hoà, KCN Phước Đông và KCN Chà Là), thu hút 229 dự án đầu tư, trong đó có 133 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) và 96 dự án trong nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,788 tỷ USD. Tháng 2.2009, chi bộ Đảng đầu tiên trong khu vực FDI được thành lập tại Công ty TNHH Dệt may Hoa Sen (KCN Trảng Bàng) trực thuộc Huyện uỷ Trảng Bàng. Hiện chi bộ đã có 9 đảng viên.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Quang phát biểu tại Hội nghị

Trong số hơn 40.000 lao động đang làm việc tại các KCN trên địa bàn tỉnh, hiện có 49 đảng viên, hơn 1.000 đoàn viên, hầu hết đều sinh hoạt tại nơi cư trú. Ngoài ra, hiện đã thành lập được 91 tổ chức công đoàn cơ sở (trong tổng số 135 doanh nghiệp FDI) với tổng số công đoàn viên là 22.443 người. Tuy nhiên, theo đánh giá của BQL Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh, việc thành lập, duy trì hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp FDI gặp nhiều khó khăn như: khó nắm danh sách công nhân là đảng viên, đoàn viên, vì thông thường đảng viên, đoàn viên còn e ngại không báo cáo; chủ doanh nghiệp thường ít hiểu về hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể; việc thành lập công đoàn cơ sở là theo quy định của pháp luật mà vẫn còn một số công ty chưa tạo điều kiện thành lập. Nội dung và phương thức hoạt động của công đoàn cơ sở chưa phát huy vai trò hạt nhân, chưa đem lại hiệu quả thiết thực trước mắt cho chủ doanh nghiệp và người lao động. Sự chuyển dịch lao động diễn ra thường xuyên và liên tục gây khó khăn cho việc phát triển đoàn viên công đoàn…

Trong khi đó, đại diện BQL các khu chế xuất và KCN TP. HCM cho rằng, một kinh nghiệm mà TP. HCM rút ra được là nơi nào các tổ chức Đảng, đoàn thể được thành lập cùng với sự quan tâm của lãnh đạo doanh nghiệp thì nơi đó tổ chức Đảng, đoàn thể hoạt động khá hiệu quả, xây dựng mối quan hệ hài hoà lao động tại doanh nghiệp được tốt hơn, không có hoặc ít xảy ra tranh chấp lao động. Đảng viên, cán bộ BCH Công đoàn, nhất là Chủ tịch Công đoàn… có thể giao tiếp bằng ngoại ngữ thì hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể được thuận lợi hơn, tranh thủ được sự quan tâm của chủ doanh nghiệp.

Đối với tỉnh Đồng Nai, trong quá trình xây dựng tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI, các cấp uỷ Đảng rút ra được một số kinh nghiệm, trong đó nhấn mạnh đến việc làm cho nhà đầu tư hiểu được chủ trương của Đảng về mục đích xây dựng và hoạt động của tổ chức Đảng là tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đảm bảo lợi ích của các bên trong doanh nghiệp, không chi phối hoặc cản trở việc chủ động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo pháp luật quy định. Khi xúc tiến xây dựng và hoạt động của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp cần có cách thức và bước đi thích hợp, làm điểm rút kinh nghiệm. Trước hết, xây dựng ở những doanh nghiệp của đảng viên giữ chức vụ, có ảnh hưởng trong doanh nghiệp; ở những doanh nghiệp nhà đầu tư đồng tình, ủng hộ, những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định. Cần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức Đảng cho phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển doanh nghiệp, chẳng hạn như có thể sinh hoạt chi bộ thường kỳ ngoài giờ làm việc…

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp để xây dựng phát triển tổ chức Đảng và đoàn thể trong doanh nghiệp FDI để các ban quản lý KCN tham khảo, chia sẻ, từ đó nghiên cứu vận dụng vào hoạt động cụ thể từng địa phương.

Đ.H.T