Đọc báo in
Tải ứng dụng
Thành lũy cổ bằng đá ở Hà Tĩnh: Dấu tích văn hoá giàu ý nghĩa lịch sử
2011-11-27 11:53:00

Theo các nhà nghiên cứu, thành lũy cổ qua địa phận xã Kỳ Lạc chính là một đoạn còn lại trong hệ thống lũy cổ Lâm Ấp, thời kỳ Đại Việt - Chăm pa do chúa Lâm Ấp Phạm Văn (năm 345-375) khởi công xây dựng để bảo vệ biên giới...

Mới đây, tại tỉnh Hà Tĩnh, các cơ quan chức năng đã phát hiện một hệ thống thành lũy cổ bằng đá chạy dọc theo dãy Hoành Sơn. Phát hiện quan trọng này đã mang lại nhiều điều kỳ thú trong việc khám phá, nghiên cứu về những dấu tích thành lũy cổ Việt Nam. Và đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các du khách thích khám phá về những trầm tích văn hoá giàu ý nghĩa khi đến với Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh có nhiều danh lanh thắng cảnh nổi tiếng cả nước như: đèo Ngang, Hoành Sơn Quan, núi Thiên Cầm, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, bãi biển Xuân Thành và Thiên Cầm… Ngoài ra, Hà Tĩnh còn có nhiều di tích phong phú, có giá trị lịch sử như chùa Hương Tích, đền Củi, chùa Chân Tiên… Gần đây nhất, với sự giúp sức của nhân dân địa phương, các nhà nghiên cứu đã phát hiện hệ thống thành lũy cổ bằng đá nằm ở lưng chừng đèo Bụt, thuộc dãy Hoành Sơn Quan, địa bàn xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Theo ông Nguyễn Tiến Thiệu, cán bộ chuyên trách văn hoá xã Kỳ Lạc thì vào năm 1993, người dân địa phương đã phát hiện đoạn thành cổ bằng đá ẩn sâu trong rừng cây và gần đây mở rộng nghiên cứu các chuyên gia khảo cổ đã phát hiện cả một hệ thống thành đá cổ kéo dài gần 30km. Ông Thiệu cũng cho biết thêm, hiện nay đoạn thành lũy này còn nguyên vẹn với chiều dài từ 2000 đến 3000 mét nằm ở sườn phía Tây dãy Hoành Sơn thuộc huyện Kỳ Anh. Chính quyền địa phương cũng đã ra văn bản quy định người dân không được đào bới, khai thác cây cối để bảo vệ cảnh quan cho khu vực di tích.

Theo các chuyên gia nghiên cứu, đây là một phát hiện khá lý thú của ngành khảo cổ học nói riêng và giới nghiên cứu lịch sử nói chung trong việc khám phá, nghiên cứu về những dấu tích thành lũy cổ Việt Nam. Vào tháng 6.2011 vừa qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh đã công bố những đánh giá sơ bộ  về giá trị di tích thành lũy cổ này. Qua khảo cứu ban đầu cho thấy, thành lũy cổ nằm theo trục từ Tây sang Đông, mặt thành lũy tạo theo phương thẳng đứng, rộng từ 1,5 đến 2 mét, chân thành lũy được mở rộng hơn 3 mét, cao từ 4,5 đến 5 mét. Dọc theo thành lũy, cách 5 mét lại có đường ô hình vuông xuyên từ mặt Bắc sang mặt Nam, cách 20m mét có ghép lớp đá lớn theo kiểu cấp để lên mặt lũy và toàn bộ đá xây thành lũy không có chất kết dính. Mặt trên thành lũy khá bằng phẳng, nơi rộng nhất là 2m, nơi hẹp nhất từ 1,2 đến 1,5 mét. Tất cả các dấu tích trên cho thấy đây là hệ thống thành lũy bảo vệ biên cương.

Theo các nhà nghiên cứu, thành lũy cổ qua địa phận xã Kỳ Lạc chính là một đoạn còn lại trong hệ thống lũy cổ Lâm Ấp, thời kỳ Đại Việt - Chăm pa do chúa Lâm Ấp Phạm Văn (năm 345-375) khởi công xây dựng để bảo vệ biên giới. Đến giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh, hệ thống thành lũy này được chúa Trịnh Toàn củng cố lại nên người dân gọi là lũy ông Ninh, tức Ninh Quận Công Trịnh Toàn. Do yếu tố thời gian, trải qua thời kỳ chiến tranh, một phần thành lũy đã bị phá vỡ, phần còn lại của thành lũy ẩn sâu trong các rừng cây.

Cùng với công trình kiến trúc đồ sộ, độc đáo thành nhà Hồ vừa được tổ chức Văn hoá, Khoa học, Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hoá thế giới, việc phát hiện thành lũy đá cổ Hà Tĩnh là phát hiện quan trọng về thành lũy cổ ở Việt Nam. Trên cơ sở phát hiện ban đầu, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh đang phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam và Trung tâm Viễn Đông Bác cổ triển khai chương trình nghiên cứu tổng thể về hệ thống thành lũy cổ này, trong đó chú trọng việc làm rõ hơn về kỹ thuật, vật liệu xây dựng. Và cùng với những di chỉ khảo cổ, di tích thành lũy cổ tại Hà Tĩnh, các nhà khoa học, nghiên cứu hy vọng sẽ hiểu thêm về vai trò của thành lũy cổ Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử của đất nước.

K.D (st)

 

Từ khóa:
Tin liên quan