Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Qua đó, giúp cho gần 1.000 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, tạo việc làm cho 1.826 lao động, giúp cho người dân có điều kiện để xây dựng, cải tạo 2.170 công trình cấp nước sạch, công trình vệ sinh và 4 khách hàng được vay vốn để sản xuất kinh doanh sau khi đã chấp hành xong án phạt tù.
Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân vốn cho người nghèo trên địa bàn thành phố.
Sau 10 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22.11.2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thật sự đi vào cuộc sống, có tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Tính đến ngày 30.11.2024, tổng nguồn vốn cân đối từ ngân sách của thành phố Tây Ninh chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để uỷ thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là 28,8 tỷ đồng, tăng so với năm 2014 là 28,8 tỷ đồng. Trong những ngày đầu của tháng 12 năm 2024, UBND thành phố đã cân đối bổ sung nguồn vốn uỷ thác sang NHCSXH với số tiền 0,6 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn uỷ thác lên 29,4 tỷ đồng. Đây là con số thể hiện sự quan tâm của Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Bên cạnh đó, NHCSXH đã chủ động bám sát chỉ đạo của Giám đốc, cấp uỷ, chính quyền và Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH thành phố để triển khai công tác tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn; tổ chức giải ngân kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, phục vụ các nhu cầu thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Kết quả, doanh số cho vay trong 11 tháng đầu năm 2024 đạt gần 150 tỷ đồng, với hơn 3.300 lượt khách hàng vay vốn. Qua đó, giúp cho gần 1.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; tạo việc làm cho 1.826 lao động; giúp cho người dân có điều kiện để xây dựng, cải tạo 2.170 công trình cấp nước sạch, công trình vệ sinh và 4 khách hàng được vay vốn để sản xuất kinh doanh sau khi đã chấp hành xong án phạt tù.
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt gần 400 tỷ đồng (tăng 20,7% so với đầu năm), đạt 99,8% kế hoạch tăng trưởng năm 2024. Trong đó, dư nợ nguồn vốn Trung ương đạt khoảng 302 tỷ đồng (tăng 17,29%), đạt 99,8% kế hoạch tăng trưởng năm 2024; dư nợ nguồn vốn địa phương đạt khoảng 97 tỷ đồng (tăng 32,62%), đạt 99,8% kế hoạch tăng trưởng. Bình quân dư nợ một đơn vị cấp xã đạt gần 40 tỷ đồng/đơn vị; bình quân dư nợ một tổ tiết kiệm và vay vốn đạt khoảng 1,5 tỷ đồng; bình quân dư nợ một hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn NHCSXH đạt 41 triệu đồng. Chất lượng tín dụng chính sách xã hội luôn được duy trì, củng cố, nâng cao.
Kết quả trên đã khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn có tính nhân văn sâu sắc. Sự quyết tâm vào cuộc, sự đoàn kết thống nhất của cả hệ thống chính trị của thành phố Tây Ninh đã lan tỏa hoạt động tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp Nhân dân. NHCSXH tỉnh Tây Ninh không chỉ là “cầu nối” đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến với người dân mà còn là “đòn bẩy” thúc đẩy mối liên kết gắn bó mật thiết giữa Đảng - người dân - chính quyền, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Linh Thùy