Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTN) - Việc nhân nuôi thành công ong ký sinh trừ rệp sáp hồng trên cây mì đánh dấu bước phát triển khoa học đáng ghi nhận của tập thể cán bộ, nhân viên Phòng Kỹ thuật Chi cục BVTV Tây Ninh.
Cán bộ kỹ thuật đưa rệp sáp hồng lên cây mì trong nhà lưới
Rệp sáp hồng là đối tượng dịch hại mới, nguy hiểm, lần đầu tiên phát hiện tại Việt Nam vào năm 2012 và Tây Ninh là tỉnh đầu tiên phát hiện khiến nông dân hết sức hoang mang. Rất may, với tinh thần trách nhiệm cao, chỉ trong thời gian ngắn, cán bộ kỹ thuật của Chi cục Bảo vệ thực vật Tây Ninh đã tìm ra được quy trình nhân nuôi ong ký sinh trừ rệp sáp hồng, cứu lấy hàng ngàn ha mì, đem lại niềm vui cho bà con nông dân tỉnh nhà.
Theo Viện Bảo vệ thực vật thuộc Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, rệp sáp hồng là loài chuyên tính có nguồn gốc Nam Mỹ, được phát hiện tại phía Tây châu Phi vào năm 1973. Năm 2008, rệp sáp hồng đã được ghi nhận lần đầu tiên tại châu Á, hình thành quần thể trên ruộng mì gần Rayong, miền Nam Thái Lan, lan ra hầu hết các vùng trồng mì khác của Thái Lan, gây thiệt hại từ 20-40% năng suất. Tại Việt Nam, rệp sáp hồng đã xuất hiện và gây ảnh hưởng đến sản xuất mì tại Tây Ninh, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum và Bình Thuận.
Tại Tây Ninh, năm 2012, rệp sáp hồng được phát hiện lần đầu tiên tại xã Ninh Sơn, thị xã Tây Ninh; xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu- nhất là khu vực quanh chân núi Bà Đen, với diện tích bị nhiễm lúc đầu còn hạn chế. Sau đó không lâu, toàn tỉnh có 168,7 ha mì nhiễm rệp sáp hồng, lan ra 19 xã, thị trấn thuộc 5 huyện, thị. Cụ thể: Tân Biên (51,8 ha), Dương Minh Châu (45 ha), Thị xã (37,7 ha), Tân Châu (25,9 ha) và Châu Thành (8,3 ha). Đến tháng 6.2013, số diện tích mì nhiễm rệp sáp hồng lên đến 1.142,6 ha, phân bố tại 38 xã, thị trấn thuộc 8 huyện, thị- chỉ riêng huyện Trảng Bàng là chưa phát hiện. Trên lá mì, rệp sáp bám chặt ở mặt sau lá, làm các lá mì bị xoăn, biến vàng. Khi bị nhiễm với mật độ cao, toàn bộ lá mì bị rụng, chết cây và làm giảm năng suất củ tới 80%.
Từ khi rệp sáp hồng lây lan thành dịch hại mì trên toàn tỉnh, Chi cục BVTV đã dùng nhiều biện pháp phòng, chống như: khảo sát tình hình rệp sáp bột hồng hại mì, diễn biến về rệp sáp hồng, thành phần loài thiên địch định kỳ 2 tháng/lần tại Thị xã, Dương Minh Châu, Tân Biên; phun thuốc đặc trị, phun thử nghiệm nấm xanh Metarhizium anisopliae… nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn do thời tiết nắng nóng, nấm không thể sống để hình thành quần thể và tiếp tục ký sinh lên lứa rệp tiếp theo. Sau nhiều ngày sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, Chi cục nhận thấy chỉ có ong ký sinh là giải pháp bền vững nhất để trừ rệp sáp hồng vì loài ong này chỉ dùng thức ăn là rệp sáp hồng và không ảnh hưởng đến môi trường.
|
Cán bộ kỹ thuật thu ong ký sinh vào chai
Sau khi Tổ chức FAO hỗ trợ kỹ thuật và được chuyên gia mang nguồn ong từ Thái Lan sang, Chi cục phóng thích 2.000 cặp ong ký sinh rệp sáp hồng tại các ruộng mì bị nhiễm trên địa bàn Thị xã cho hiệu quả tích cực. Tháng 6.2013, Chi cục BVTV tiến hành thử nghiệm việc nhân nuôi nguồn rệp sáp hồng thuần làm thức ăn nhân nuôi ong Anagyrus lopezi; xác lập quy trình nhân nuôi phù hợp với điều kiện thực tế tại Tây Ninh. Cán bộ kỹ thuật Chi cục trồng mì trên chậu, sau 2 tháng đem vào nhà lưới (do FAO tài trợ) cho nhiễm rệp. Sau đó lá mì nhiễm rệp được cắt đưa vào phòng tối từ 3 - 5 ngày, cho rệp qua trái bí ngô, rồi đưa bí có rệp vào lồng, thả ong ký sinh vào từ 15 - 21 ngày sẽ nở ra lứa ong mới. Lứa ong mới này được phóng thích ra đồng và tiếp tục ký sinh, kết thúc quy trình nhân nuôi ong ký sinh.
Bà Lê Thị Kiều Trang- Trưởng Phòng Kỹ thuật- Chi cục BVTV phấn khởi cho biết, quy trình kỹ thuật nuôi ong ký sinh chỉ thật sự thành công vào những ngày cuối tháng 12.2013. Sau những thất bại ban đầu, tập thể Phòng Kỹ thuật rút kinh nghiệm, nghiên cứu, tìm tòi và kết quả này là sự bù đắp xứng đáng cho công sức của cán bộ, nhân viên Phòng Kỹ thuật trong thời gian qua.
Được biết, khi tiếp nhận kỹ thuật nhân nuôi ong ký sinh (trên lý thuyết) vào cuối tháng 5.2013, mọi việc đối với cán bộ kỹ thuật quá mới lạ, vừa làm vừa học nên số lượng ong nhân nuôi ban đầu rất hạn chế. Trước đây, việc nhân nuôi ong ký sinh trừ rệp trên cây mì gặp trở ngại do ong có kích thước rất nhỏ, thường lẫn trong tán lá mì. Sau đó, cán bộ kỹ thuật thí điểm chuyển rệp sáp hồng trên lá mì sang bí ngô (già nhưng vỏ còn xanh) thì việc nhân nuôi thành công hơn. Trong những ngày đầu năm mới 2014, Chi cục thu được khoảng 20.000 cặp ong ký sinh và đang có hướng phát triển nhiều hơn nữa. Tính đến ngày 3.1.2014, đã có 9.200 cặp ong được phóng thích ra 22 ha mì bị nhiễm rệp của 8 huyện, thành phố. Kết quả, số rệp sáp hồng giảm rõ rệt, diện tích mì bị nhiễm đã phục hồi và cho thu hoạch.
Tuy nhiên, bà Trang rất băn khoăn về việc phòng, chống rệp sáp hồng của nông dân thời gian qua không hiệu quả. Mặc dù đã được khuyến cáo, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, nhưng do thói quen lâu đời, nông dân thường đem cây mì bị nhiễm bỏ ở ranh đất nên rất dễ lây lan, đồng thời nông dân không vệ sinh đồng ruộng bị nhiễm trước khi trồng lại. Theo bà Trang, để hạn chế tái nhiễm rệp, nông dân cần phải phơi khô cây mì bị nhiễm rồi đốt sạch; không sử dụng cây mì ở vùng bị nhiễm làm hom giống; vệ sinh đồng ruộng trước khi trồng lại; xử lý hom giống mì bằng cách ngâm trong dung dịch thuốc BVTV 30 phút trước khi trồng; bảo vệ thiên địch như bọ rùa, bọ cánh gân, ong ký sinh, nhân thả ong ký sinh; chọn lọc đưa vào sản xuất các giống mì chống chịu với rệp sáp hồng; không vận chuyển cây mì từ vùng nhiễm rệp sang vùng khác...
Việc nhân nuôi thành công ong ký sinh trừ rệp sáp hồng trên cây mì đánh dấu bước phát triển khoa học đáng ghi nhận của tập thể cán bộ, nhân viên Phòng Kỹ thuật Chi cục BVTV Tây Ninh. Thời gian tới, việc nhân nuôi ong ký sinh cần được phổ biến đại trà, góp phần đưa công tác phòng chống dịch bệnh trên cây mì đến hộ gia đình nông dân trong tỉnh.
DUY ĐỨC