Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng tám - Quốc khánh 2.9 (1945-2023):
Thành tích đầu tiên của quân dân Tây Ninh trong cuộc kháng chiến cứu nước
Thứ bảy: 00:29 ngày 02/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong bối cảnh buổi bình minh của lịch sử đất nước hiện đại, quê hương Tây Ninh, vùng đất biên viễn phía Tây Nam Tổ quốc đã lập được công đầu…

Ảnh: Bảo tàng Tây Ninh

Ngày 2.9.1945, trong cuộc lễ trọng thể ra mắt quốc dân đồng bào của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Tuyên ngôn ấy là một lời thề của dân tộc Việt Nam, quyết bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam, đưa đất nước ta từ chỗ chưa có tên trên bản đồ thế giới vươn lên ngang tầm thời đại. Thực hiện trọn vẹn lời thề ấy, sau 78 năm, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Trong bối cảnh buổi bình minh của lịch sử đất nước hiện đại, quê hương Tây Ninh, vùng đất biên viễn phía Tây Nam Tổ quốc đã lập được công đầu: Bắt tên sĩ quan quân đội Pháp đầu tiên nhảy dù xuống mặt đất vùng biên giới tỉnh Tây Ninh, đi “tiền trạm” mở màn cho cuộc xâm lược đất nước ta lần thứ hai: Đại tá Jean Cédille. Nhưng cuồng vọng quay lại đô hộ nước ta một lần nữa của thực dân Pháp đã thất bại thảm hại sau “chín năm làm một Điện Biên” chấn động hoàn cầu của toàn đảng, toàn quân, toàn dân ta.

Ảnh: Bảo tàng Tây Ninh

Sau khi Cédille và tên lính cận vệ bị đơn vị tự vệ vũ trang của Ban lãnh đạo khởi nghĩa của Việt Minh Tây Ninh bắt và đang bị các vị lãnh đạo Việt Minh hỏi cung tại dinh Tỉnh trưởng Tây Ninh, nơi Việt Minh tỉnh chiếm giữ trong Cách mạng tháng 8.1945, thì có những sĩ quan chỉ huy quân đội Nhật đồn trú trong thành Săng-đá, bên cạnh dinh Tỉnh trưởng sang bảo lãnh.

Những ngày tiền khởi nghĩa, lãnh đạo Việt Minh tỉnh đã vận động được lực lượng Nhật tại Tây Ninh (khoảng 20.000 quân) án binh bất động khi nhân dân ta vùng lên khởi nghĩa giành độc lập, nên các vị lãnh đạo tỉnh buộc phải nhượng bộ giao Cédille cho Nhật đưa về Sài Gòn cho phái bộ Anh vừa sang Việt Nam để giải giáp quân đội Nhật đã đầu hàng Đồng Minh trong thế chiến thứ 2 trước đó hơn một tuần ngày 15.8.1945.

Từ sự việc quân dân Tây Ninh bắt được Đại tá Cédille, lãnh đạo cách mạng nước ta nhận định rõ dã tâm của thực dân Pháp, sẽ núp bóng quân đội Anh đến giải giáp phát-xít Nhật để trở lại xâm lược nước ta. Câu trả lời có sớm, ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công ở Nam bộ 25.8.1845, giúp cho cách mạng nước ta có thêm thời gian, dù biết là sẽ rất chóng vánh, để chuẩn bị lực lượng bước vào cuộc kháng chiến cứu nước.

Những diễn biến tiếp theo ngay sau ngày độc lập 2.9.1945 ở miền Nam đã khẳng định việc dự đoán tình hình của các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong cả nước nói chung, ở Nam bộ nói riêng là hoàn toàn đúng đắn. Thực ra, ý đồ níu kéo chế độ thuộc địa ở Đông Dương của Pháp đã sớm bộc lộ từ khi Charles de Gaulle còn là “Tổng thống lưu vong” của Pháp, khi Đức quốc xã còn chiếm đóng nước Pháp, trong bản tuyên bố Brazaville ngày 30.1.1944 và được lập lại ngày 24.3.1945, sau khi chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương bị Nhật “hất cẳng” ngày 8.3.1945.

Theo bản tuyên bố của Charles de Gaulle thì 5 xứ Đông Dương (Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Lào và Campuchia) hợp thành Liên bang Đông Dương nằm trong khối Liên hiệp Pháp. Như vậy, nước Việt Nam sẽ không được độc lập, vẫn bị chia cắt làm 3 miền và có nghĩa vẫn là thuộc địa của Pháp, vì thế, Pháp “có quyền thu hồi” sau khi phát-xít Nhật thua trận trong thế chiến thứ 2, phải đầu hàng Đồng Minh. Dĩ nhiên, lập luận này bị các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam bác bỏ thẳng thừng, mà ngay đoạn đầu bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc, trích dẫn ở trên, đã khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”.

Về việc các nhà cách mạng Việt Nam bác bỏ luận điệu của Charles de Gaulle, do viên sĩ quan “tiên phong” của thực dân Pháp bị bắt tại Tây Ninh, Đại tá Jean Cédille nêu ra đã được thuật lại trong sách Lịch sử Nam bộ kháng chiến- tập 1 (1945-1954) tóm lược như sau: Nghe tin Nhật đầu hàng Đồng minh (ngày 14.8.1945), Charles de Gaulle, vội vàng cử Đại tướng Leclerc làm Tổng chỉ huy đạo quân viễn chinh Pháp tại Viễn Đông (16.8.1945), Đô đốc Thierry d’Argenlieu làm Cao uỷ Pháp tại Đông Dương, Cédille và Messmer làm Uỷ viên Cộng hoà Pháp tại Nam kỳ và Bắc kỳ (còn gọi là Cao uỷ Nam kỳ và Bắc kỳ-NV). Sau khi quân Nhật “bảo lãnh” những người Pháp nhảy dù xuống Tây Ninh, Cédille được quân Nhật đưa về ở tại một căn nhà trong khuôn viên dinh Toàn quyền cũ (nay là dinh Thống Nhất). Tại đây, Cédille cùng một số người Pháp chuẩn bị kế hoạch chiếm lại Nam bộ.

Ngày 27.8, sau khi đã chứng kiến sự kiện Sài Gòn khởi nghĩa thắng lợi, Cédille tìm gặp ba vị đứng đầu Uỷ ban hành chính Nam bộ lâm thời: Chủ tịch Trần Văn Giàu, Uỷ viên trưởng Nội vụ Nguyễn Văn Tạo và Uỷ viên trưởng Ngoại giao Phạm Ngọc Thạch, yêu cầu Uỷ ban thi hành bản Tuyên bố ngày 24.3.1945 của Charles de Gaulle.

Các vị lãnh đạo Uỷ ban hành chính Nam bộ lâm thời (sau là Uỷ ban nhân dân Nam bộ) trả lời một cách dứt khoát: Việt Nam đã giành được độc lập, tự do, bản tuyên bố ngày 24.3 của De Gaulle đã lạc hậu với tình hình. Việt Nam thừa nhận những quyền lợi về kinh tế và văn hoá của Pháp ở Việt Nam, sẵn sàng tạo điều kiện cho những người Pháp muốn về nước, đồng ý bồi thường những tài sản của người Pháp sau này bị quốc hữu hoá vv… ngược lại, Pháp phải công nhận nền độc lập của Việt Nam.

Trước thái độ thiếu thiện chí của Cédille, Chủ tịch Trần Văn Giàu tuyên bố đanh thép: “Chúng tôi sẵn sàng tiếp chuyện nếu đại biểu của Charles de Gaulle đặt sự bàn bạc trên lập trường Việt Nam hoàn toàn độc lập. Nếu đại biểu của Charles de Gaulle đặt sự bàn bạc trên lập trường khác thì chúng tôi xin nhường cho súng đạn trả lời”.

Biết không thể khuất phục được nhân dân Việt Nam quyết tâm bảo vệ độc lập tự do vừa mới giành được, Pháp tìm cách gây rối loạn tại Sài Gòn ngay trong chiều ngày 2.9.1945. Trưởng phái bộ Anh là tướng Gracey thay vì lên án những kẻ khiêu khích lại lớn tiếng chỉ trích Uỷ ban hành chính Nam bộ lâm thời là không giữ được an ninh và chỉ thị cho chỉ huy quân Nhật thất trận đưa lính Nhật về Sài Gòn “lập lại trật tự”.

Hay tin “một số quân Pháp đã lọt vào nước ta”, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trên Báo Cứu Quốc (số 36, ra ngày 5.9.1945): “Nhân dân Việt Nam hoan nghênh quân Đồng minh kéo vào Việt Nam để tước khí giới quân Nhật, nhưng cương quyết phản đối quân Pháp kéo vào Việt Nam, vì mục đích của họ chỉ là hãm dân tộc Việt Nam vào vòng nô lệ một lần nữa”.

Về phía phái bộ Anh tại Sài Gòn, tuy Hội nghị Potsdam của phe Đồng minh thắng trận trong thế chiến thứ hai chỉ giao cho phái bộ quân sự Anh nhiệm vụ giải giới và hồi hương quân Nhật, nhưng ngay khi đến Việt Nam, tướng Gracey lại đưa ra một loạt biện pháp nhằm giúp quân Pháp tái chiếm Nam bộ.

Gracey ra lệnh đóng cửa tất cả các báo tiếng Việt, nhưng vẫn cho phép báo chí và đài phát thanh của Pháp tiếp tục hoạt động bình thường; cấm người Việt Nam tụ họp hay biểu tình, mang vũ khí; đòi Uỷ ban hành chính Nam bộ lâm thời phải giao cho Anh cảng Sài Gòn, kho bom Thị Nghè, xưởng Ba Son, khám lớn Sài Gòn, các bót cảnh sát, ra lệnh giới nghiêm từ 9 giờ 30 phút tối đến 5 giờ sáng; sau đó, ban bố tình trạng thiết quân luật, giao cho hàng binh Nhật nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự. Mặt khác, Gracey thả 1.400 lính Pháp bị Nhật bắt từ ngày đảo chính 9.3.1945, trang bị súng ống cho số lính này- kể cả những người Pháp dân sự ở Nam bộ.

Hành động “bao che” cho quân Pháp tái chiếm Việt Nam của phái bộ Anh càng trắng trợn hơn khi ngày 13.9.1945, một đại đội lính Pháp, thuộc Trung đoàn bộ binh thuộc địa số 5 trà trộn vào đội hình Sư đoàn số 20 quân Anh - Ấn tới Sài Gòn. Cũng ngày này, Cédille cho kéo cờ tam tài (cờ nước Pháp) lên trước dinh Toàn quyền cũ. Trước sự kiện này, người dân Sài Gòn rất phẫn nộ, tập trung ngày càng đông trước dinh la hét phản đối. Uỷ ban hành chính Nam bộ lâm thời đã cử Uỷ viên trưởng Ngoại giao Phạm Ngọc Thạch đến can thiệp, tướng Anh Gracey sợ xảy ra đổ máu nên đã yêu cầu Cédille hạ cờ xuống ngay trong chiều 13.9.

Thấy rõ dã tâm của Pháp và sự câu kết của Anh - Mỹ (trước đó, trong buổi tiếp De Gaulle tại Nhà Trắng ngày 24.8, Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman hứa: “Trong mọi trường hợp, đối với Đông Dương, chính phủ của tôi không chống lại việc chính quyền và quân đội Pháp quay trở lại xứ ấy” và quyết định cho Pháp vay dài hạn 650 triệu đô la Mỹ, Xứ uỷ và Uỷ ban nhân dân Nam bộ một mặt đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao nhằm tỏ rõ thiện chí hoà bình để tranh thủ thời gian củng cố lực lượng về mọi mặt, đồng thời tích cực chuẩn bị cho cuộc kháng chiến sắp tới.

Tình hình ngày càng căng thẳng, Uỷ ban nhân dân Nam bộ ra chỉ thị cho người già, trẻ em… tản cư về nông thôn, ra lệnh cho các cơ quan bí mật di chuyển hồ sơ, máy móc… ra khỏi nội thành. Chiều ngày 22.9.1945, Cédille gửi thư mời hai ông Trần Văn Giàu và Phạm Ngọc Thạch sang dinh Toàn quyền cũ “ăn tối và đàm phán”, vì theo lời Cédille, chính phủ Pháp vừa có “chính sách mới” về Đông Dương. Biết rõ là Pháp sắp sửa dùng vũ lực để tái chiếm Nam bộ, việc mời hai ông chỉ để gài bẫy bắt sống các nhân vật chủ chốt của Uỷ ban nên hai ông không sang và chỉ đạo cho các cơ quan đề phòng địch đánh úp.

Đúng như dự đoán của hai ông, lợi dụng lệnh giới nghiêm và thiết quân luật của Gracey, quân Pháp gồm số tù binh vừa được thả được Gracey trang bị súng ống và các đơn vị núp bóng quân Anh mới đến đã nổ súng vào trụ sở các cơ quan lãnh đạo cùng các cơ sở nhà đèn, bưu điện, kho bạc, đài phát thanh… của ta.

Giữ vững lời thề “Độc lập hay là chết”, Sài Gòn nói riêng và các tỉnh Nam bộ nói chung bắt đầu bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai từ ngày 23.9.1945 như lời hát “Mùa thu rồi ngày hăm ba ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…”. Tiếp theo đó là ròng rã 30 năm miền Nam đi trước về sau, chống Pháp rồi đến chống Mỹ, cho đến ngày toàn thắng 30.4.1975.

Nguyễn Tấn Hùng

Tin cùng chuyên mục