BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thanh tra Chính phủ: Tập trung thanh tra các ngành, lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực 

Cập nhật ngày: 29/12/2023 - 18:52

BTNO - Ngày 29.12, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Thanh tra do Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong và các Phó tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và chỉ đạo hội nghị.

Ông Dương Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự tại điểm cầu Tây Ninh

Dự tại điểm cầu Tây Ninh có ông Dương Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Trần Văn Minh Trí- Chánh Tranh tra tỉnh và đại diện lãnh đạo các phòng trực thuộc Thanh tra tỉnh, Ban Tiếp công dân tỉnh, Tranh tra cấp huyện.

Năm 2023, Thanh tra Chính phủ có nhiều giải pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, chỉ đạo quyết liệt; các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ theo đúng tinh thần các nghị quyết và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 

Trong công tác thanh tra đã tập trung thúc đẩy tiến độ ban hành kết luận thanh tra; kịp thời triển khai các nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra được quan tâm thực hiện và đạt kết quả tích cực.

Qua hoạt động thanh tra phát hiện sai phạm về tiền tăng gần 200%, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước tăng hơn 600% so với cùng kỳ năm 2022; việc chuyển thông tin, hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, tăng 10% số vụ việc và 47% số đối tượng.

Cụ thể, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 7.689 cuộc thanh tra hành chính và 193.774 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 257.703 tỷ đồng, 616 ha đất; ban hành 126.158 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 6.452 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 7.524 tập thể và 7.944 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 497 vụ, 490 đối tượng. 

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Tây Ninh

Đã đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện gần 8.700 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có 5.442 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện. Qua đôn đốc, xử lý sau thanh tra, các cơ quan chức năng đã thu hồi 2.350 tỷ đồng, 32.523 ha đất; xử lý hành chính 7.972 tổ chức, 9.735 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 152 vụ, 201 đối tượng; khởi tố 18 vụ, 30 đối tượng.

Công tác tiếp công dân, giải quyết, khiếu nại, tố cáo, tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, thúc đẩy rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài; tích cực, chủ động thực hiện Nghị quyết 623/NQ-UBTVQH15 ngày 7.10.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ góp phần bảo đảm ổn định tình hình an ninh, trật tự xã hội. 

Trong năm, có hơn 362.800 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, 3.532 đoàn đông người. Các cơ quan hành chính các cấp tiếp nhận 422.601 đơn các loại; đã giải quyết 88,4% số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.  

Về công tác phòng, chống tham nhũng, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng (tổ chức hơn 68.000 lớp với trên 4,7 triệu lượt cán bộ, nhân dân tham gia). Các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 11.323 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 381 đơn vị vi phạm; ban hành hơn 10.300 văn bản; huỷ bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung gần 2.350 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; chuyển đổi vị trí công tác đối với 27.878 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng. 

Phát hiện 114 vụ việc, 176 người tham nhũng và liên quan đến tham nhũng; trong đó, qua hoạt động kiểm tra nội bộ phát hiện 22 vụ, 35 người; qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 54 vụ, 97 người; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 38 vụ, 44 người.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả Luật Thanh và Nghị định hướng dẫn thi hành; khẩn trương rà soát, sửa đổi, ban hành các thông tư hướng dẫn nghiệp vụ bảo đẩm thống nhất, đồng bộ.

Tiếp tục bám sát chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực các cấp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp để xây dựng, triển khai các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là các nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021 - 2025. 

Cần khẩn trương triển khai định hướng, kế hoạch thanh tra năm 2024 đã được phê duyệt theo hướng trọng tâm, hiệu quả, tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Tây Ninh

Phó Thủ tướng yêu cầu toàn ngành Thanh tra tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch của Thanh tra Chính phủ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phối hợp chặt chẽ giữa trung ương và địa phương, giải quyết kịp thời, dứt điểm ngay từ cơ sở, không để phát sinh “điểm nóng”.

Thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong đó, quan tâm triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Trọng tâm là công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát xung đột lợi ích; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận về tham nhũng. ..

Dịp này, Thanh tra Chính phủ tặng Cờ thi đua cho 16 tập thể có thành tích xuất sắc toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước ngành Thanh tra năm 2023.

Thiên Di