BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thanh tra Chính phủ trả lời cử tri Tây Ninh:  Quyết tâm “Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí”

Cập nhật ngày: 27/04/2013 - 05:54

Một số vụ án lớn liên tiếp xảy ra trong thời gian vừa qua như Vinashin, Vinalines đang làm xói mòn lòng tin của nhân dân ta.

(BTNO) – Thanh tra Chính phủ vừa trả lời cử tri Tây Ninh và một số tỉnh, thành xung quanh những bức xúc trước việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả thấp, việc thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước là rất lớn, gây mất lòng tin của nhân dân. Cử tri đề nghị Nhà nước phải có biện pháp đấu tranh quyết liệt, hiệu quả hơn nữa và công khai kết quả xử lý cho nhân dân biết.

Theo Thanh tra Chính phủ, việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả như mong muốn, gây thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước có một số nguyên nhân như: Các vụ tham nhũng bị phát hiện chủ yếu từ công tác xác minh đơn thư tố giác của quần chúng nhân dân, từ các phương tiện thông tin đại chúng; tiến độ điều tra, giải quyết các vụ tham nhũng còn chậm, kéo dài, gây bức xúc, gây nghi ngờ trong dư luận; các vụ án tham nhũng lớn, phức tạp thường kéo dài đã làm giảm sự răn đe, giáo dục, phòng ngừa tội phạm; công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt hiệu quả chưa cao…

Trong những năm gần đây, tình hình tham nhũng diễn ra rất phức tạp, ở nhiều lĩnh vực và có xu hướng tăng về quy mô, tính chất ngày càng nghiêm trọng, thể hiện ở một số lượng tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, thất thoát; số đối tượng vi phạm, trong đó có nhiều cán bộ, công chức thậm chí có cả một số cán bộ chủ chốt tham gia. Một số vụ án lớn liên tiếp xảy ra trong thời gian vừa qua như Vinashin, Vinalines đang làm xói mòn lòng tin của nhân dân ta. Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng đã đánh giá: “Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, có thể khẳng định rằng, thời gian đầu (năm 2007 và nửa đầu năm 2008), việc triển khai thực hiện Nghị quyết và Luật PCTN khá nghiêm túc và hăng hái, tạo ra khí thế mới trong xã hội và củng cố niềm tin của nhân dân, nhưng thời gian sau, khí thế giảm dần; sự tích cực, hăng hái của một số cơ quan, đơn vị trước đây nay có vẻ trầm lắng; niềm tin của nhân dân vào công tác PCTN của Đảng và Nhà nước mờ nhạt hơn so với thời kỳ đầu. Công tác PCTN nói chung và việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 nói riêng trong nhiệm kỳ vừa qua chưa đạt được mục tiêu “Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí…” như Nghị quyết Trung ương 3 đề ra. Tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, khó phát hiện, trong đó có hiện tượng tham nhũng thông qua “lợi ích nhóm””.

Nhằm hạn chế và từng bước đẩy lùi tham nhũng, các cấp, các ngành quán triệt mục tiêu, quan điểm, nội dung và giải pháp trong Nghị quyết của Đảng và các quy định của Luật PCTN; kiên quyết, kiên trì, quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu: “Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính”.

Các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp PCTN, có xác định trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn và xác định rõ lộ trình thực hiện, thời gian hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể; thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện. Các cấp uỷ Đảng, cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải đi đầu, làm trước và phải thật sự gương mẫu để cấp dưới và nhân dân noi theo, cụ thể phải chú trọng thực hiện các nhóm giải pháp sau:

Đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác PCTN; nhấn mạnh sự tự phê bình và phê bình, sự gương mẫu của cấp trên, của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trước hết là cán bộ cao cấp ở Trung ương và người đứng đầu các ngành, các cấp, các đơn vị.

Tích cực xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, xoá bỏ cơ chế “xin, cho”, trong đó chú trọng các lĩnh vực về đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tín dụng – ngân hàng, quản lý tài chính, tài sản công, tổ chức cán bộ, quản lý doanh nghiệp nhà nước…; Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhất là trong xây dựng chính sách, pháp luật, quá trình chuẩn bị, trình, ban hành các quyết định, văn bản hành chính cá biệt; chú trọng cải cách thực chất chế độ tiền lương, bảo đảm để người có chức vụ, quyền hạn có mức thu nhập khá trong xã hội; thực hiện chính sách tiền lương, đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức và trong một số lĩnh vực đặc thù, nhất là lĩnh vực PCTN.

Khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN, nhất là sửa đổi luật PCTN nhằm thể chế hoá đầy đủ các giải pháp PCTN đã đề ra, nội luật hoá những quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng phù hợp với điều kiện của Việt Nam và khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn PCTN thời gian qua.

Đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; có chính sách truyền thông đúng đắn về tình hình tham nhũng và công tác PCTN; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, không để tình trạng thông tin sai sự thật, tạo dư luận không đúng về tình hình và những nỗ lực PCTN của Việt Nam.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng; xử lý kiên quyết, kịp thời các hành vi tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân bị chiếm đoạt và thất thoát; kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị về PCTN ở các cấp, các ngành.

Phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của MTTQ, các đoàn thể, các tổ chức xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của các cơ quan báo chí, truyền thông và mỗi cán bộ, đảng viên, công dân trong PCTN; tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu những kinh nghiệm tốt và phù hợp của thế giới để nâng cao hiệu quả công tác PCTN, củng cố lòng tin của nhân dân, bạn bè quốc tế và các đối tác phát triển.

HY UYÊN