Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong quý IV.2024
Thứ tư: 08:53 ngày 25/09/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong năm 2024, Tây Ninh được Thủ tướng Chính phủ giao 4.174,322 tỷ đồng vốn đầu tư ngân sách Nhà nước, trong đó: vốn ngân sách địa phương 3.453,946 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương 720,376 tỷ đồng

Ngày 23.9, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng chủ trì hội nghị giao ban xây dựng cơ bản quý III/2024, phương hướng, nhiệm vụ quý IV/2024.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc kết luận hội nghị

Trong năm 2024, Tây Ninh được Thủ tướng Chính phủ giao 4.174,322 tỷ đồng vốn đầu tư ngân sách Nhà nước, trong đó: vốn ngân sách địa phương 3.453,946 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương 720,376 tỷ đồng. Vốn ngân sách Nhà nước do HĐND tỉnh giao 4.250,498 tỷ đồng, tăng 76,176 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.

Đến cuối quý I.2024, tỉnh đã giao chi tiết 100% kế hoạch HĐND tỉnh giao cho các dự án sử dụng vốn tỉnh quản lý và giao mức vốn hỗ trợ mục tiêu cho các huyện, thị xã, thành phố để các đơn vị chủ động chuẩn bị hồ sơ trình cấp thẩm quyền giao chi tiết đến từng dự án.

Đến ngày 31.8.2024, toàn tỉnh đã giải ngân hơn 1.849 tỷ đồng, đạt 44,31% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 43,52% kế hoạch HĐND tỉnh giao; đến ngày 10.9.2024, đã giải ngân gần 1.851 tỷ đồng, đạt 44,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 43,55% kế hoạch HĐND tỉnh giao. Ước đến 30.9.2024, tỉnh sẽ giải ngân hơn 2.267 tỷ đồng, đạt 54,32% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 53,35% kế hoạch HĐND tỉnh giao.

Ông Dương Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị

Căn cứ tình hình triển khai thực tế của các dự án, các mục tiêu đột phá của tỉnh, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và năm 2024, trong đó bổ sung các dự án mới, quan trọng, có tính chất lan toả góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, Tổ Công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh cũng thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc cụ thể của từng dự án đối với các địa phương và chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh.

Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã giải trình, làm rõ những vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Theo báo cáo, do phải điều chỉnh các mục tiêu, kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm 2024-2025 ảnh hưởng đến việc điều chỉnh kế hoạch, giao chi tiêu và giải ngân theo định hướng của tỉnh.

Ngoài ra, nhiều dự án chuyển tiếp có vốn đầu tư cao nhưng giải ngân chậm do phải thực hiện công tác điều chỉnh, phát sinh hạng mục thực tế của dự án; một số dự án chậm triển khai do vướng mắc mặt bằng xây dựng, thủ tục đất đai hoặc thiếu vật tư xây dựng… trong đó có nhiều dự án trọng điểm của tỉnh. Từ đó, các đại biểu dự họp đã tập trung phân tích, đánh giá những khó khăn, tồn tại đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân đạt thấp, nhằm có giải pháp tháo gỡ kịp thời các vướng mắc trong công tác giải ngân nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án, bảo đảm kế hoạch đề ra.

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc ghi nhận và biểu dương 10 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân vốn cao trong 9 tháng năm 2024 gồm: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Chi cục Kiểm lâm tỉnh; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; huyện Châu Thành; huyện Tân Biên; huyện Gò Dầu; thị xã Hoà Thành và thành phố Tây Ninh. Nhắc nhở đối với 18 sở, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp so với kế hoạch đề ra; đề nghị lãnh đạo các đơn vị phải phấn đấu nâng cao, cải thiện tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch được giao.

Lãnh đạo sở, ngành báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công trong quý III/2024

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cũng chỉ ra những hạn chế, phân tích nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa được như mục tiêu đề ra ở từng nhóm dự án cụ thể, tập trung vào những nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của chủ đầu tư và các nhà thầu thực hiện dự án.

Để hoàn thành kế hoạch đầu tư công trong những tháng còn lại và năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các chủ đầu tư là các sở, ban, ngành, địa phương phải nâng cao trách nhiệm, quyết liệt trong thúc đẩy giải ngân đầu tư công, hiệu quả theo đúng định hướng, chỉ thị của Trung ương và địa phương; phấn đấu đến hết quý III.2024 phải đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 75% và đến cuối năm 2024 phải đạt 95% kế hoạch vốn đầu tư công được HĐND tỉnh giao.

Đồng thời, nâng cao công tác phối hợp hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, nhà thầu các dự án theo thẩm quyền của mình và báo cáo, tham mưu giải pháp đối với các nội dung vượt thẩm quyền với tinh thần chủ động, trách nhiệm, kịp thời; hoàn chỉnh hồ sơ quyết toán và tất toán các dự án hoàn thành, phối hợp với đơn vị thi công thực hiện đầy đủ, kịp thời các thủ tục để giải ngân vốn theo tiến độ thi công và kế hoạch vốn được giao; tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết không để xảy ra những nhiễu, tiêu cực trong công tác xây dựng cơ bản.

 Các ngành chức năng phải tăng cường giám sát, kiểm tra công tác đấu thầu, đánh giá hiệu quả đầu tư, chất lượng các công trình dự án, nhất là kiểm soát chặt chẽ năng lực của các nhà thầu; xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm hợp đồng thi công, kiên quyết chấm dứt dự án, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Ngay sau hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương là các chủ đầu tư phải rà soát, kiểm soát khối lượng, tiến độ và chất lượng các dự án đầu tư trên địa bàn, xác định đúng nguyên nhân dẫn đến các tồn tại, vướng mắc, đề ra giải pháp khắc phục cụ thể và có báo cáo, cam kết gửi UBND tỉnh theo dõi và đánh giá.

Việt Khoa

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục