Thời Sự - Chính trị   Xây dựng Đảng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách cho báo Đảng: Nhà nước phải là “khách hàng lớn” của cơ quan báo chí 

Cập nhật ngày: 13/11/2022 - 08:39

BTNO - Trong khuôn khổ hội nghị Nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc do Báo Nhân Dân phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, sáng 12.11, đông đảo các nhà quản lý, nhà báo, diễn giả đã tham gia thảo luận chủ đề “Tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách cho Báo Đảng”.

Đại biểu dự hội thảo.

Trong khuôn khổ hội nghị Nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc do Báo Nhân Dân phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, sáng 12.11, đông đảo các nhà quản lý, nhà báo, diễn giả đã tham gia thảo luận chủ đề “Tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách cho Báo Đảng”.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, cả nước hiện có 63 cơ quan báo Đảng địa phương, trong đó có 56 báo thực hiện 2 loại hình báo in và báo điện tử, có 5 báo chưa có báo điện tử (chỉ có trang thông tin điện tử tổng hợp). Về cơ chế chính sách, đa số báo Đảng địa phương tự chủ một phần về tài chính; trong đó, nhiều cơ quan tự chủ hoàn toàn trong chi thường xuyên.

Các nhà quản lý, nhà báo thảo luận tại hội thảo.

Khó khăn hiện nay mà các báo Đảng gặp phải là việc chuyển đổi từ mô hình toà soạn truyền thống sang mô hình toà soạn đa phương tiện, dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin.

Ở mô hình này, nhà báo không chỉ là người sáng tạo nội dung mà còn phải là một chuyên gia về công nghệ. Trong khi điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất, tài chính hạn chế, nhân lực làm báo cần được đào tạo lại, bồi dưỡng thêm kiến thức về công nghệ thông tin…

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm đề xuất một số giải pháp như: cần xây dựng và củng cố nhận thức mới về vai trò của Nhà nước trong việc chủ động truyền thông chính sách, và thực hiện một phần việc này thông qua báo Đảng. Nhà nước phải là “khách hàng lớn” của cơ quan báo chí, giao thêm nhiệm vụ (cùng nguồn lực, kinh phí) và đặt hàng, qua đó giúp cho hệ thống báo Đảng địa phương có đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ.

Kế đến, cần có cơ chế thông tin thông suốt trong hệ thống báo Đảng từ Trung ương tới địa phương để hình thành hệ thống báo chí dữ liệu; có sự phân vai trong thông tin tuyên truyền.

Báo Đảng địa phương cũng cần tăng cường vai trò phản biện chính sách theo hướng xây dựng để thể hiện vai trò của Đảng luôn đồng hành cùng Nhân dân, vì lợi ích Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng.

Ông Vũ Xuân Chường – Tổng biên tập báo Phú Thọ phát biểu tại hội thảo.

Hiện nay, Bộ Thông tin & Truyền thông đã ban hành Thông tư số 18 về định mức kinh tế, kỹ thuật tối đa cho báo in, báo điện tử. Từ định mức này, các báo Đảng cần xây dựng định mức cụ thể cho báo mình (không vượt quá định mức tối đa) trình UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt định mức tối đa. Đây là thủ tục bắt buộc để báo có thể nhận được đặt hàng từ nguồn ngân sách nhà nước.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang tiến hành sửa Nghị định số 18 về nhuận bút theo hướng bỏ các mức quy định quá cụ thể về nhuận bút cho các thể loại tác phẩm báo chí, sẽ chỉ còn 1 cách tính là theo định mức kinh tế kỹ thuật.

Bộ cũng đang chuẩn bị trình Chính phủ chỉ thị của Thủ tướng về đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí, kèm theo đó là một kế hoạch chi tiết. Đồng thời, Bộ cũng sắp đưa ra một kế hoạch hỗ trợ các báo điện tử giảm đáng kể chi phí cho việc thu chỗ đặt máy chủ, mở rộng băng thông, bảo vệ an ninh an toàn thông tin.

Ông Trần Nghị- Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức Nhà nước (Bộ Nội vụ) cho biết, hiện nay, việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong thực hiện tinh giản biên chế tại các đơn vị, không thực hiện được chế độ hợp đồng lao động, khó quy hoạch cán bộ, khó thực hiện tự chủ, khó xác định vị trí - việc làm…

Lãnh đạo một tờ báo phát biểu cho biết, báo Đảng địa phương miền núi phía Bắc đang gặp khó khăn, nguồn thu ít. Qua 2 lần tinh giản biên chế, đa phần các báo còn lại đội ngũ cán bộ lớn tuổi, quen cách làm báo chí truyền thống. Do biên chế đóng băng, nguồn lực không có nên các báo Đảng địa phương đang rất cần nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu đổi mới phát triển báo chí theo xu thế báo chí hiện đại. Ông đề xuất Chính phủ cần có chính sách ưu tiên với báo Đảng ở miền núi để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Về vấn đề này, thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng cần phải khẩn trương kiến nghị với Trung ương sửa đổi Quy định 338-QĐ/TW quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan báo của Đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng không quy định biên chế như hiện nay mà chỉ cần quy định phù hợp với quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Trung Thu- Tổng biên tập báo Hà Giang phát biểu tại hội thảo.

Ông Trần Nghị- Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức Nhà nước (Bộ Nội vụ) cho biết, dự kiến trong tháng 12.2022, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trù bị với Trung ương và địa phương xoay quanh vướng mắc về Quy định 338 để có giải pháp tháo gỡ.

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng thảo luận một số vấn đề về tự chủ, về nguồn nhân lực, về cơ chế chính sách… đang được thực hiện ở báo Đảng các địa phương.

An Khang